Nằm cách Hà Nội 130 km theo đường Hồ Chí Minh, suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) từ lâu đã nổi tiếng hút khách bởi đàn cá hàng nghìn con bơi lội dưới suối Ngọc.
Suối Ngọc còn có tên gọi khác là Mó Ngọc, nằm dưới chân núi Trường Sinh. Dòng suối chỉ dài vài trăm mét nhưng quanh năm nước xanh trong, mát lành đổ ra cánh đồng nằm thoai thoải bên bờ sông Mã.
Đàn cá cả nghìn con dưới suối và chỉ quanh quẩn gần một cửa hang nhỏ bán kính khoảng 1m chứ không đi xa. Cá ở đây gồm nhiều loại như cá dốc, cá chài, cá mại, nặng trung bình từ 2 kg đến 8 kg. Cá chúa nặng khoảng 30 kg nhưng nó chỉ sống trong hang đá có mạch nước ngầm thông ra suối mà hầu như không bao giờ ra ngoài.
Cá cũng có hình dáng khác lạ, mình giống cá trắm, vẩy như cá chép, vây và đuôi màu đỏ bóng, môi màu phớt hồng và khi bơi lội, cảm giác như chúng đang phát ra thứ ánh sáng lấp lánh trông rất đẹp mắt. Những con cá hiền lành, bơi chậm dưới dòng nước nhưng suối Ngọc không hề có mùi tanh. Mùa nước cạn, mực nước chỉ còn 20 cm đến 40 cm khiến du khách có thể nhìn rõ và đưa tay vuốt ve lưng cá khi chúng bơi lội trong lòng suối. Một số người còn ném mì tôm, bim bim cho cá ăn.
Suối cá có từ bao giờ không ai biết rõ. Xung quanh nó ẩn chứa nhiều câu chuyện lạ kỳ, mang tính liêu trai. Đó là thuở xưa, có đôi vợ chồng tuổi cao mà hiếm muộn. Một hôm người vợ đi xúc cá vô tình xúc được quả trứng lạ. Bà mang về, hai vợ chồng đem cho gà ấp thử thì nở ra con rắn. Hoảng quá, vợ chồng mang nó ra suối Ngọc thả nhưng đến tối rắn lại về nhà. Vậy là ông bà quyết định nuôi con rắn nhỏ.
Từ đó, ruộng đồng của người Mường lúc nào cũng đủ nước cấy, không còn hạn hán nữa. Rắn sống với ông bà và làng bản trong cảnh thanh bình, no ấm. Rồi một đêm mưa to, sấm chớp ầm ầm. Sáng ra, dân làng thấy xác rắn chết dạt dưới chân núi Trường Sinh, đuôi vắt xuống suối Ngọc. Dân làng thương tiếc bèn chôn rắn dưới chân núi và lập đền thờ.
Cũng từ đó, đàn cá hàng nghìn con xuất hiện dưới dòng suối Ngọc. Người ta tin đó là những "âm binh" canh giấc ngủ cho chàng rắn. Người dân sống gần khu vực suối cá cho hay, sáng sớm cá bơi từ trong hang ra và chiều tối, chúng lại quay trở về hang trú ẩn.
Họ cho rằng cá dưới suối là cá thần. Sự sung túc của đàn cá cũng chính là sự bình an, no ấm của dân làng. Nếu bắt sẽ xúc phạm đến thần linh và chịu sự trừng phạt. Nhiều câu chuyện kể về những người bắt cá thần rồi gặp kết cục không tốt lành là lý do khiến đàn cá hàng nghìn con sống yên ổn đến ngày nay.
Đến đây, du khách sẽ nhìn thấy được cả miếu thờ chàng rắn năm xưa và nhìn ngắm núi Trường Sinh. Nhiều năm trước, từng có người dân chui vào động thám hiểm và cho biết trong lòng núi Trường Sinh có nhiều suối ngầm, chia hai dòng ấm, lạnh. Đàn cá theo dòng nước ấm để ra ngoài và quẩn quanh nhiều nhất ở khu vực cửa hang.
Suối cá thần là địa chỉ cho một chuyến đi "đổi gió" vào cuối tuần. Xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể chạy xe thẳng đường Hồ Chí Minh đến thị trấn Cẩm Thủy, rồi theo tỉnh lộ 217 khoảng 11 km, gần hết địa phận huyện Cẩm Thủy thì rẽ phải, qua cầu treo Cẩm Lương khoảng 4km là đến suối cá thần. Tham quan xong suối cá, bạn có thể mua nhiều thức quà đặc sản của người bản địa nơi đây như rau má, sắn dây, lá chè xanh... rồi về thị trấn Cẩm Thủy ăn trưa và trở lại Hà Nội trong ngày.
Phương Hòa