Mùa hè quá nóng, chơi đàn chẳng ai muốn nghe, còn mùa đông thì lại quá lạnh, co ro mà chơi hay nghe nhạc thì không thể nào có cảm hứng được. Vả lại, mùa thu năm nay, anh còn một lý do thật đặc biệt nữa để trở về, đó là chơi đàn trong một đêm nhạc đặc biệt - đêm nhạc Đặng Thái Sơn. Đây là chương trình kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Nhạc viện Hà Nội, nơi anh đã chơi những phím đàn đầu tiên dưới sự dẫn dắt của mẹ, NSND Thái Thị Liên. Anh bảo, thật vui vì không những được gặp lại mà còn được diễn cùng dàn nhạc với thày cô, bạn bè, những người mà gần 30 năm nay anh chưa có cơ hội gặp và cả những lớp đàn em. Một dịp hội ngộ hiếm có.
![]() |
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. |
Chơi đàn ở Việt Nam, với Đặng Thái Sơn là chơi hoàn toàn bằng cảm xúc rất thật của mình, chơi trong tâm trạng được chia sẻ thân thuộc đến mức lạ kỳ chứ không phải là lo sao cho mình giữ được phong độ đỉnh cao như ở các buổi biểu diễn nước ngoài. Anh tâm sự, những chuyến lưu diễn luôn đòi hỏi ở anh sự tập trung nghề nghiệp, vì sự cạnh tranh trong âm nhạc thế giới là rất lớn. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 600 cuộc thi piano lớn nhỏ, từ đó tạo nên không biết bao nhiêu người tài. Sống giữa một môi trường đỉnh cao thế giới như thếm bắt buộc mình không được sa sút, phải luôn luôn giữ được phong độ tốt nhất để người ta còn tiếp tục mời mình biểu diễn. Không phải chỉ giữ phong độ, một nghệ sĩ tài năng còn phải là người biết tạo ra những biến tấu trong cảm xúc, không lặp lại mình. Nhờ trời, suốt hơn hai chục năm qua, Đặng Thái Sơn vẫn giữ được phong độ ổn định của mình, bằng một lối chơi riêng rất tinh tế của người Á Đông.
Lối chơi ấy là gì? Nghe câu hỏi này, anh chỉ cười. Piano là cây đàn của châu Âu, mình là người Việt Nam, sức vóc không thể so sánh với họ được. Thế nhưng bù lại mình có cảm nhận khá tinh tế, làm những cái tỉ mỉ, tỉa tót thì khỏi chê. Chơi piano đánh mạnh là dễ nhưng chơi những nốt nhỏ thì lại rất khó, mà thường thì chính những nốt nhỏ ấy mới gieo vào lòng người nghe những ấn tượng không thể quên. Hiểu được điểm yếu, điểm mạnh của mình, Đặng Thái Sơn luôn chơi đàn theo một cách riêng, đó là nếu họ vận sức thì mình vận khí. Hàng ngày, anh vẫn tập yoga, chọn những tác phẩm trữ tình nhiều chất nhân văn của Chopin, Bethoven, Mozart, Rakhmanhicop, Debussy thay vì những bản nhạc "sấm sét".
Với Đặng Thái Sơn, cuộc đời như một vòng tròn và việc giảng dạy âm nhạc của anh ở Motreal (Canada) hiện chỉ là một bến đỗ chứ không là điểm dừng chân mãi mãi. Anh bảo, khi người ta đã đi nhiều nơi rồi thì chắc chắn sẽ trở lại điểm đầu tiên. Và sẽ có một ngày anh trở lại Việt Nam, không chỉ một tuần, một tháng hay một năm mà là mãi mãi.
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)