Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết, nhân dân các vùng thiên tai ngoài nhu cầu hỗ trợ vật chất còn cần được giúp đỡ về mặt tâm lý. Sự kiện thảm họa là một tác động sang chấn tâm lý (stress) rất mạnh, cấp diễn, đột ngột, ảnh hưởng bao trùm đến nhiều người cùng lúc. Biểu hiện về cảm xúc dễ thấy là choáng váng, sững sờ, chết lặng, bơ vơ, tuyệt vọng, trộn lẫn cảm giác có lỗi, giận dữ, hụt hẫng...
Về nhận thức, biểu hiện của sang chấn là giảm trí nhớ, giảm sự chú ý, lú lẫn, mất định hướng, có ý nghĩ lộn xộn, không còn minh mẫn, giảm sự tinh tường, mất tự tin, không có khả năng quyết định. Bệnh nhân có thể chán ăn, mất ngủ, nhức đầu, giảm hứng thú về tình dục, mệt mỏi, năng suất lao động và học tập giảm sút. Nhiều người thu mình, tránh né nơi xảy ra thảm họa, tránh né mọi người, dễ nảy sinh mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn với cộng đồng.
Các phản ứng stress cấp này tùy thuộc mức độ và tính chất của thảm họa và nhân cách, cơ địa, thể chất của từng cá nhân. Trạng thái phản ứng stress cấp tan biến nhanh hay có di chứng nặng nề về sau còn tùy thuộc nhiều yếu tố - trong đó có việc chăm sóc, hỗ trợ tâm lý.
Những người bị rối loạn tâm thần do hoàn cảnh tang tóc cần được điều trị bằng thuốc nếu có trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Cần tạo cảm giác yên tâm bằng việc giải thích cho họ biết thảm họa đã được khắc phục, giải quyết tốt; giúp họ thay đổi lối sống, vui chơi giải trí, trợ giúp kinh tế. Bệnh nhân nên tránh dùng các chất kích thích như rượu, trà, cà phê.
(Theo Tuổi Trẻ)