Từ đầu những năm 2000, chính quyền đầu tư hàng chục tỷ đồng làm đường bê tông, kéo điện, xây trường và hàng chục căn nhà để cấp cho các hộ đồng bào Rục. Hiện người Rục có 191 hộ dân với gần 800 khẩu, sống tập trung tại 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ. Đường ôtô vào đến từng bản, giao thông đi lại thuận lợi hơn ngày trước rất nhiều.
Căn nhà gỗ của ông Cao Tiến Thuỳnh được dựng lên giữa mảnh đất bằng phẳng, rộng lớn, xung quanh là rừng tràm vừa trồng. Dù bên trong không có gì quý giá, ông Thuỳnh vẫn ý thức được việc bảo vệ tài sản, khóa kỹ cửa khi đi vắng.
Ông Thuỳnh nói 4 năm trước, được bộ đội cấp cho 5 ô ruộng lúa, hướng dẫn việc cày cấy nên nay đã phần nào thành thạo việc đồng áng. Mỗi năm 2 vụ, đất đai không màu mỡ nên chỉ đủ ăn 6 tháng. Nửa năm còn lại, ông làm cơm bồi, thứ cơm từ sắn và ngô xay để ăn chống đói.
Ngày trước, mỗi khi đau ốm người Rục lại nhờ "thầy ống" đến thổi để chữa bệnh, cưới hỏi tổ chức 2 lần thì nay ông Thuỳnh nói không còn nữa. “Đau ốm thì đi bệnh xá, cưới chỉ một lần vì tốn kém”, ông Thuỳnh nhấn mạnh thêm, “Đó là sự đổi thay hoàn toàn với người Rục”.
Toàn bản Mò O Ồ Ồ có 5ha ruộng lúa, nhiều người biết trồng ngô, sắn, khoai, nuôi bò.
Trong khi đó, ông Hồ Pứa vẫn nhớ rõ từng thời điểm đầy ý nghĩa với ông sau khi rời hang đá. Ông bảo năm 1955, được bộ đội phát hiện và đưa ra khỏi hang thì “mới thấy sung sướng, được đi học chữ”.
Ông Pứa học đến lớp 4 rồi đi học khí tượng thủy văn trong 2 tháng. Gần 60 năm qua nhưng ông vẫn nhớ rõ từng vần thơ về chu vi, diện tích, nhớ “sao dày thì mưa, sao sưa thì nắng”.
Ở tuổi 74, ông Pứa bị bệnh thấp khớp nên không đi lại được nhiều. Hàng ngày, con cháu mang vật liệu đến, ông ngồi nhà đan sọt, bó chổi rồi chia đôi sản phẩm. Ông nói rất muốn đi nhặt phân bò để bón ruộng nhưng chân đau không làm được.
Vẫn giữ thói quen như khi sống trong hang đá, căn nhà của ông bừa bộn áo quần, củi khô, vỏ chai rượu và dụng cụ lao động. Cạnh giường ngủ là bếp lửa, ông bảo khi nào rét đốt lên sưởi ấm.
Thế hệ người Rục sau được sinh ra ở bản biết làm ăn kinh tế hơn. Anh Đinh Xuân Đạt được cho là hộ dân khá giả nhất bản với 2 mảnh rừng trồng, 2 ô ruộng lúa. Vợ chồng anh này biết mua bán, mở quầy tạp hóa nhỏ bán từ gói dầu gội đầu, mì tôm đến xăng cho dân bản.
Sau 2 trận lũ liên tiếp vừa qua, gia đình anh Đạt được nhiều đoàn từ thiện cứu trợ cho 7 triệu tiền mặt. Cả hai bàn tính mua một máy cắt cỏ về vừa cắt cỏ tràm, vừa cắt thuê, ngoài ra mua thêm tủ lạnh để bán thực phẩm, nước uống.
Con trai thứ của anh Đạt thoát ly khỏi bản, làm thuê tận TP Hồ Chí Minh vừa trở về nhà để khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Với những bậc lớn tuổi người Rục, việc làm của con anh Đạt không khác gì chuyến du hành ra thế giới.
Việc học tập của con em người Rục ngày càng thuận lợi khi các lớp học từ mầm non đến cấp 2 đã được mở tại các bản. Anh Đạt vì kinh tế khó khăn mà 4 con không được học hành, nay khuyên con trai đầu quyết tâm cho các cháu học tập đầy đủ.
Gần như 100% là hộ nghèo, lương thực chỉ đủ ăn trong 6 tháng. “Sau đợt lũ vừa rồi, biên phòng phải đến từng nhà vận động và ngăn chặn người dân không mang đồ cứu trợ đi đổi rượu”, thượng tá Trần Xuân Hường, Chính trị viên Đồn biên phòng Cà Xèng, đóng quân tại Thượng Hóa cho hay.
Do sống trong hang đá từ nhiều đời nên nhiều người Rục vẫn không ý thức được lao động, không quen lên nương rẫy. “Rượu được xem là tệ nạn khó bỏ, cả đàn ông, phụ nữ đều uống dù chúng tôi vận động hàng năm”, cán bộ biên phòng nói. Đây được xem là trở lực trong phát triển của 3 bản người Rục.
Dù vậy, theo thượng tá Hường, đời sống người Rục ngày càng khá lên và ổn định. Giao thông đi lại thuận tiện, người dân biết lên rẫy trồng khoai sắn, làm ruộng lúa, chăn nuôi bò.
Theo VnExpress