Trong nhiều năm, hội con nhà giàu Trung Quốc đã phô trương sự giàu có của mình trên mạng xã hội bằng những bức ảnh đắp trên người đống đồ hiệu, tạo dáng bên siêu xe Bentley, Lamborghini, khoe núi tiền mặt và tặng cho thú cưng những chiếc đồng hồ Apple mạ vàng. Những Rich kid thỉnh thoảng gây phẫn nộ cộng đồng mạng bởi thái độ ngạo mạn; có người còn từng lái một chiếc Mercedes vào Tử Cấm Thành. Nhưng giai đoạn gần đây, những phú nhị đại (chỉ con cái của những gia đình siêu giàu) bắt đầu khiêm tốn hơn, sau khi chính phủ nước này tiến hành nhiều cuộc điều tra nhắm vào các tỷ phú trong vài năm qua.
"Chúng tôi đã học được cách cư xử khiêm tốn khi thấy gia đình bạn bè bị bắt và đi tù", Tu Haoran, 32 tuổi, người sáng lập Fantasy Entertainment, một trong những công ty DJ lớn nhất Trung Quốc và cũng là một phú nhị đại nổi tiếng ở Trung Quốc, cho biết. "Xung quanh tôi xảy ra quá nhiều vụ án từ năm 2016. Giờ ai cũng thu bớt mình lại. Bạn không cần phải cho cả thế giới biết rằng bạn kiếm được bao nhiêu tiền".
Trong vài thập kỷ, nhiều người trở nên giàu có nhờ thời kỳ bùng nổ ở Trung Quốc. Những người này sớm được tiếp cận thị trường nước ngoài, độc quyền hóa các ngành công nghiệp hoàn toàn mới hoặc xây dựng danh mục đầu tư khổng lồ trên thị trường chứng khoán và bất động sản non trẻ. Vào cuối năm 2019, Trung Quốc có 5,8 triệu triệu phú và 21.100 cư dân với tài sản trên 50 triệu USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, trừ Mỹ. Tuy nhiên chính điều này đã khiến bất bình đẳng thu nhập ngày một nghiêm trọng ở quốc gia có 1,4 tỷ dân số này. Và hiện chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh các nỗ lực để đảm bảo sự giàu có được phân bổ đồng đều hơn cho 1,4 tỷ người trước năm 2022.
"Dưới thời ông Tập, một số người giàu trở nên giàu có hơn trong khi những người nghèo vẫn nghèo hoặc ngày càng nghèo hơn", chuyên gia kinh tế Diana Choyleva của Enodo Economics nhận định.
Tầng lớp phú nhị đại xuất hiện ngày càng nhiều là bằng chứng cho thấy sự bất đình đẳng thu nhập và mức sống ở Trung Quốc. Những phú nhị đại này lớn lên hoàn toàn cách biệt với phần còn lại của xã hội. Phú nhị đại Huang, 25 tuổi, là một ví dụ. Cha của anh đã kiếm được hàng trăm triệu nhân dân tệ nhờ đầu tư vào các công ty chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực bùng nổ vào những năm 1990. Sự giàu có của cha khiến Huang sống trong nhung lựa mà "không cần phải làm việc cả đời".
Sau khi tốt nghiệp đại học, Huang cùng bạn thành lập một quỹ đầu tư dưới sự ủng hộ của cha mẹ và được hỗ trợ bởi một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất nước. Những người bạn của Huang cũng như anh, đều không thiếu tiền, và họ thành lập công ty với ưu tiên hàng đầu là chứng minh giá trị bản thân.
"Trước đây, tôi mua một chiếc áo sơ mi Dior vì tôi nghĩ nó sẽ khiến tôi trông sành điệu hơn, nhưng giờ tôi muốn chiếc áo đó trông có giá trị hơn vì tôi đang mặc nó. Những đứa trẻ giàu có ngày nay rất khác so với thế hệ lớn lên trong những năm 80. Hầu hết chúng tôi đều biết bản thân muốn làm gì, thay vì chỉ lãng phí tiền của bố", Huang nói.
Đối với phần lớn những người không sinh ra trong giới thượng lưu, việc leo lên nấc thang xã hội ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một báo cáo năm 2018 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho thấy những người sinh ra ở nhóm 10% nghèo nhất ở Trung Quốc sẽ phải mất 7 thế hệ mới đạt được mức thu nhập trung bình, so với 5 ở Hàn Quốc và 4 ở Nhật Bản. Vào tháng 5 năm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết 600 triệu người Trung Quốc (gần một nửa dân số cả nước), đang sống với thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ (150 USD).
Đại dịch Covid-19 càng bộc lộ rõ sự phân hóa giàu nghèo ở Trung Quốc. Trong khi hàng chục triệu người lao động có thu nhập thấp rơi vào cảnh thất nghiệp, thiếu thốn thì chi tiêu trong lĩnh vực xa xỉ lại tăng trưởng mạnh mẽ.
Khi Jack Ma trở thành tỷ phú vào năm 2014, ông được ca ngợi trên khắp mạng xã hội Trung Quốc vì đã tạo ra khối tài sản khổng lồ và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên sự yêu mến này dần nguội lạnh. Tháng trước, người dùng mạng nước Trung Quốc vui mừng khi nghe tin hãng tài chính Ant Group của Jack Ma bị hoãn IPO vào phút cuối, do vị tỷ phú này dám thách thức chính phủ.
Nhiều phú nhị đại giờ nhận thức rõ rằng việc gây hấn với chính quyền là cách nhanh nhất để mất tất cả, và có khả năng phải ngồi tù, như trường hợp của diễn viên Phạm Băng Băng, người bị giam giữ bí mật vài tháng vào năm 2018 vì tội trốn thuế.
"Ở Trung Quốc, văn hóa ghét người giàu đã tồn tại trong một thời gian dài, kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa. Đối với tôi và những người bạn của tôi, thế hệ chúng tôi có một điểm chung là muốn tạo ra của cải cho riêng mình", Wang, con trai của một tỷ phú truyền thông, nói khi nhấm nháp rượu sâm panh trong bữa sáng muộn ở Thượng Hải.
Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội, nhiều đề xuất thực hiện thuế đối với tài sản thừa kế, thuế tài sản được thảo luận trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ được thực hiện, một phần do lo ngại làm tổn thương tầng lớp trung lưu mới nổi của Trung Quốc. Theo Xie Fuzhan, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn nổi tiếng của chính phủ, đánh những loại thuế này sẽ không giải quyết được vấn đề bất bình đẳng của Trung Quốc.
"Theo quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất vẫn là làm thế nào để cho chiếc bánh lớn hơn và phân phối nó tốt hơn", ông mô tả.
Chính phủ Trung Quốc cũng thiết lập các hệ thống tự động theo dõi dòng tiền và quản lý dòng tiền chuyển ra nước ngoài, khiến giới siêu giàu trong nước khó chuyển tiền đi hơn. Tuy nhiên vẫn có những sơ hở. Những người siêu giàu có thể thiết lập quỹ tín thác, chuyển tài sản trị giá hàng tỷ USD cho người thân mang hộ chiếu nước ngoài.
Quay lại với phú nhị đại Tu Haoran, anh được cha cho 2 triệu nhân dân tệ (300.000 USD) để bắt đầu kinh doanh DJ. Lúc đầu, cha anh cho con trai tiền với suy nghĩ anh mở công ty chỉ với mục đích chơi bời. Tuy nhiên hiện hãng DJ Fantasy Entertainment của Tu đạt doanh thu hơn 12 triệu nhân dân tệ mỗi tháng. Nhờ đó, Tu không còn phải dựa vào tiền phụ cấp từ cha nữa.
"Điều tôi sợ nhất trong những ngày này là 'cây cao thì gió lớn'", Tư nói, trích dẫn một câu thành ngữ của Trung Quốc cảnh báo việc không nên khoe mẽ quá nhiều. "Có số của cải vừa phải, không phải là siêu giàu, là an toàn nhất".
Sơn Nam (Theo Bloomberg)