Raya và rồng thần cuối cùng (Raya and the Last Dragon) là siêu phẩm hoạt hình đầu tiên của Hollywood lấy cảm hứng từ văn hóa Đông Nam Á, được hãng Disney đầu tư 100 triệu USD. Phim mở ra một vương quốc giả tưởng có tên Kumandra, nơi con người và loài rồng chung sống hòa hợp. Một ngày kia, đám quái vật Drunn xuất hiện, khiến bất cứ sinh vật sống nào mà chúng bao phủ đều hóa đá.
Loài rồng lần lượt hy sinh để cứu nhân loại. Năm anh em của gia đình rồng thần cuối cùng tập hợp siêu năng lượng tạo thành viên ngọc rồng và giao cho người em út Sisu. Sau khi dùng ngọc rồng tiêu diệt Drunn, rồng Sisu biến mất. Tuy được hồi sinh, Kumandra chia năm xẻ bảy, trở thành năm tiểu vương quốc. 500 năm sau, chính vì không ngừng tranh giành quyền lực, loài người một lần nữa đánh thức thế lực Drunn khiến nhiều sinh linh hóa đá. Công chúa Raya của vùng Long Tâm vừa tôi luyện võ thuật vừa rong ruổi nhiều vùng đất để tìm rồng thần Sisu cứu giúp.
Chất liệu Á Đông trong từng khung hình
Như nhiều tác phẩm của hãng Disney trong gần một thế kỷ qua, Raya và rồng thần cuối cùng hút mắt với phần hình ảnh đẹp, màu sắc tươi sáng và hiện đại. Dù trong phim hoạt hình, phần ánh sáng được thiết kế tinh tế, gợi không khí và cảm giác khác biệt giữa các vùng đất, giai đoạn và gắn với nội tâm nhân vật tùy tình huống.
Chất liệu Đông Nam Á thấm đẫm trong phim, từ cảnh sắc, dung mạo nhân vật, kiểu dáng và màu sắc trang phục cho đến văn hóa lối sống, ẩm thực, âm nhạc. Con sông xanh biếc lững lờ chảy trôi giữa những cánh rừng nhiệt đới phủ xanh gợi nhắc hình ảnh của Việt Nam, Philippines. Không gian chợ nổi gợi liên tưởng đến Thái Lan. Góc phố lồng đèn khá giống Hội An của Việt Nam. Kiến trúc nhà ở, đền đài mang dáng dấp của Campuchia, Myanmar. Áo quần là sự pha trộn của trang phục truyền thống Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Malaysia. Đồ ăn thức uống cũng giống đặc sản của các quốc gia này.
Yếu tố rồng thần mà bộ phim khai thác mang hơi thở văn hóa tín ngưỡng Đông Á. Cái hay của các nhà làm phim Disney là xây dựng hình ảnh rồng thần gần gũi với con người và hóm hỉnh, nhưng vẫn đầy sự uy nghiêm, đón nhận lòng tôn kính của loài người. Nét vẽ đáng yêu của các họa sĩ cùng giọng lồng tiếng vui nhộn của diễn viên Awkwafina giúp nhân vật rồng thần Sisu thêm sinh động và hài hước.
Bên cạnh đó, Raya và rồng thần cuối cùng cũng cho thấy sự tham khảo văn hóa Trung Hoa trong cốt truyện. Khung cảnh sa mạc khô cằn hay rừng tuyết trắng xóa phù hợp với quốc gia tỷ dân hơn là vùng Đông Nam Á. Chân dung nàng công chúa khoác áo choàng, đội nón nan, cưỡi trên lưng thú cưng và vác thanh đao dài cùng các cảnh đấu võ trên sa mạc, giữa rừng cây có nhiều điểm đồng điệu với các tác phẩm võ thuật xứ Trung.
Bộ phim quy tụ đông thành viên sáng tạo, diễn viên lồng tiếng là người gốc châu Á. Trong đó, diễn viên gốc Việt Kelly Marie Tran thể hiện giọng nói của nữ chính Raya, diễn viên gốc Việt Thalia Tran lồng tiếng cho cô bé Noi, diễn viên người Việt gốc Mỹ Patti Harrison thủ lĩnh vùng Long Trảo và biên kịch gốc Việt Quí Nguyễn tham gia viết kịch bản cho phim.
Gợi nhắc 'Avengers', liên tưởng Covid-19
Trong Raya và rồng thần cuối cùng, thế lực Drunn đầy bí ẩn được giải mã như một dịch bệnh trôi nổi và lan nhanh trong không trung. Hình ảnh này khá giống với hình tượng zombie trong hàng loạt phim kinh dị Nhật Bản, Hàn Quốc và Hollywood. Chi tiết con người hóa đá khi gặp Drunn và hồi sinh khi ngọc rồng ban mưa lại khá giống với cái búng tay diệt vong của Thanos trong phim Avengers. Nhưng ở thời điểm này, nó phần nào phản ánh đại dịch Covid-19 xâm chiếm thế giới hơn một năm qua.
Sở dĩ Drunn trỗi dậy lần nữa là do năm tiểu vương quốc làm vỡ ngọc rồng trong lúc tranh giành. Ngọc rồng vỡ thành năm miếng, rơi vào tay thủ lĩnh của năm vùng đất. Trên đường đi tìm rồng thần Sisu, công chúa Raya tìm cách tập hợp năm miếng ngọc, hàn gắn ngọc thần với hy vọng lấy lại sự sống cho nhân loại. Cuộc hành trình này của Raya cũng cam go, nhiều thử thách không kém cuộc chiến các siêu anh hùng tập hợp sáu viên đá vô cực để chống lại bạo chúa Thanos trong hai bom tấn Avengers: Infinity War và Avengers: Endgame.
Hành trình tìm kiếm lòng tin, sự can đảm và tình đoàn kết
Không đơn thuần là phim hoạt hình giải trí, Raya và rồng thần cuối cùng truyền tải nhiều thông điệp sâu sắc bằng cách thể hiện dễ chịu, không sáo rỗng.
Là thứ gieo rắc thương đau nhưng hình tượng Drunn không được đề cập quá nhiều trong phim, ngoài loạt chi tiết Drunn lan tới đâu, sinh vật hóa đá tới đó. Thực chất, không phải Drunn mà những thói xấu, lòng tham và vị kỷ của loài người mới là yếu tố phản diện của phim. Vì đố kỵ và chia rẽ, loài người làm Drunn xuất hiện. Vì hiềm khích và bạo lực, loài người một lần nữa khiến Drunn thức dậy, thêm mạnh đến độ chẳng thể chế ngự.
Ngọc rồng ghép từ năm mảnh vỡ là hình ảnh ẩn dụ cho sự hợp sức, đồng lòng của năm tiểu vương quốc chia cắt từ Kumandra. Trên đường đi, Raya và rồng thần đã kết nạp thêm nhiều thành viên đến từ các vùng đất khác vào nhóm, chỉ thiếu đại diện từ Long Nha - gia tộc mà Raya ôm mối thù sâu nặng. Buông bỏ thù hận, vượt qua cái tôi định kiến và học cách trao niềm tin là sứ mệnh chẳng hề đơn giản đặt trên vai nàng công chúa gốc Đông Nam Á.
Ngày thơ bé, Raya ghi nhớ lời cha dạy: "Chỉ cần có người đặt bước đi đầu tiên" khi hai cha con nói về việc hợp nhất Kumandra. Sau này trên chuyến đi, cô một lần nữa được rồng thần cổ vũ: "Hãy là người đặt bước đi đầu tiên". Những câu căn dặn đầy tính truyền cảm hứng là lời cổ vũ nữ chiến binh trở nên mạnh mẽ và can đảm. Cuộc phiêu lưu ròng rã sáu năm để tập hợp các mảnh vỡ ngọc thần và tiêu diệt Drunn suy cho cùng cũng là chuyến đi để Raya tìm kiếm lòng tin, lòng can đảm bên trong chính mình.
Raya và rồng thần cuối cùng tạo dựng các nhân vật chủ chốt đều là nữ. Ngay cả rồng thần Sisu cũng là rồng cái. Bộ phim góp thêm một tiếng nói nữ quyền vào dòng chảy Hollywood, đề cao phái đẹp nhưng không đi vào lối mòn kể xấu đàn ông. Phim cuốn hút qua từng tình huống, mang đến nhiều tiếng cười nhưng cũng tạo nên nhiều khoảnh khắc xúc động. Phim đang chiếu rạp trên toàn quốc.
Phong Kiều