Người tiêu dùng mua rau ở siêu thị. |
Ngày 25/9, PV đến một số siêu thị và cửa hàng bán rau sạch chọn mua ngẫu nhiên 10 loại rau: càng cua, ngổ (rau om), húng, xà lách xoong, hành lá, rau răm, muống, tần ô (cải cúc), hẹ và xà lách. Sau đó, đem gửi đến Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ y tế TP HCM nhờ xét nghiệm tìm ký sinh trùng.
Trước khi xét nghiệm, toàn bộ mẫu rau được rửa bằng nước thường. Qua phương pháp quay ly tâm rồi tiếp tục lấy cặn đem xét nghiệm dưới kính hiển vi, kết quả cho thấy gần mười mẫu rau đều nhiễm trùng lông và trùng roi. Ngoài ra, một số mẫu rau còn nhiễm một số loại ký sinh trùng khác như rau ngổ nhiễm bào nang amip (bào nang E. histolytica và E. coli); rau húng nhiễm giun trong đất và bào nang amip; tần ô, rau muống, lá hẹ và rau càng cua đều nhiễm ấu trùng giun.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng, Chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ y tế TP HCM, cho biết: "Khi mua rau ở các siêu thị, người tiêu dùng rất yên tâm về mặt tâm lý, chỉ xử lý rau sơ bộ rồi đem sử dụng. Từ đó, dễ có nguy cơ bị nhiễm trứng giun đũa, giun móc, ấu trùng giun móc, giun đũa chó mèo, bào nang amip, trùng lông, trùng roi... khi ăn phải rau sống rửa không sạch".
Theo bà Trần Thị Hồng, tùy theo thể trạng từng người, khi ký sinh trùng xâm nhập cơ thể có thể gây bệnh ngay, hoặc "ngủ yên" một thời gian chờ cơ hội thuận lợi mới tấn công. Với trẻ em có thể làm chậm phát triển thể chất và tinh thần: vóc dáng còi cọc, trí nhớ kém, không tập trung, học mau quên...
Trẻ em nhiễm nhiều giun kéo dài sẽ đưa đến suy dinh dưỡng do giun "chiếm đoạt" khẩu phần ăn hằng ngày. Ngoài ra, một số trường hợp còn gây nguy hiểm cho tính mạng như: u não, viêm tụy cấp, ápxe gan, thủng ruột, viêm phúc mạc, viêm màng não, co giật, động kinh, viêm ruột thừa, giun đũa gây tắc ruột, giun đũa chui ống mật. Còn giun móc sống ký sinh tại tá tràng và bám vào niêm mạc ruột để hút máu, dễ gây nên tình trạng thiếu máu.
Cũng theo tiến sĩ Trần Thị Hồng, trong các mẫu rau xét nghiệm, nhóm amip (bào nang E. histolytica và entamoeba coli) chiếm tỷ lệ cao nhất so với các loại ký sinh trùng khác. Khi nhiễm bào nang này, con người có thể mắc bệnh lỵ amip với các triệu chứng đau bụng, cảm giác buốt hậu môn, phân có nhầy và máu. Sau giai đoạn cấp tính hay bán cấp, bệnh trở nên mãn tính với những cơn bệnh cách quãng. Khi E. histolytica xâm nhập các bộ phận như gan, phổi có thể dẫn đến ápxe gan, phổi. Còn khi trong rau có bào nang entamoeba coli, chứng tỏ rau bị ô nhiễm phân người.
Ấu trùng giun dưới kính hiển vi từ mẫu rau muống đem xét nghiệm. |
Với người bị nhiễm giun đũa chó thường có biểu hiện động kinh, liệt nửa người, viêm cơ tim, viêm màng não, rối loạn nhãn quan, to gan... Để chẩn đoán bệnh này phải xét nghiệm máu mới biết được.
Bộ môn ký sinh trùng Trung tâm Đào tạo - bồi dưỡng cán bộ y tế TP HCM đã làm thử nghiệm so sánh đối chứng khả năng diệt ký sinh trùng của ba loại: nước thường và hai loại nước rửa "rau sạch" nhãn hiệu V và O. Kết quả sau khi rửa bằng nước thường và nước V rau vẫn còn nhiễm ký sinh trùng rất cao. Tất cả mẫu rau đều còn bào nang amip và trên 60% mẫu rau vẫn còn trứng giun đũa chó mèo, ấu trùng giun. Còn rửa bằng loại nước O vẫn có hơn 43% mẫu rau còn amip, gần 47% có trứng giun đũa chó mèo, 30% còn ấu trùng giun, gần 77% còn trùng lông (không sạch bằng với nước rửa thường, còn 73%)...
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các nhà hàng, quán ăn lớn nên sục rửa rau ăn sống bằng nước ozon với nồng độ cao. Đối với người dân nên rửa từng lá rau dưới vòi nước, sau đó rửa kỹ lại vài lần trong thau sạch. Không sử dụng ăn sống nếu phát hiện rau có màu sắc, hình dáng, mùi vị lạ. Ngoài ra, cần có biện pháp xử lý rau kết hợp trước khi ăn như: ngâm nước muối, mua rau đã rửa bằng nước ozon rồi về rửa kỹ từng lá dưới vòi nước chảy để tránh tái nhiễm ký sinh trùng... Tốt nhất nên nấu chín rau trước khi ăn.
94% mẫu rau nhiễm ký sinh trùngTheo TS Trần Thị Hồng, cách đây không lâu bộ môn ký sinh trùng đã thực hiện một nghiên cứu về ký sinh trùng trên rau sống bán tại các siêu thị ở TP HCM. Kết quả nghiên cứu 90 mẫu rau tại 15 siêu thị cho thấy tỷ lệ nhiễm các loại ký sinh trùng kể trên lên đến hơn 94% (85 mẫu). Trong đó, 100% các mẫu rau đắng, rau má, xà lách xoong, rau gia vị và 92% mẫu xà lách, rau cải, tần ô bị nhiễm ký sinh trùng; thấp nhất là rau muống cũng gần 85%.
Có 12/13 mẫu xà lách nhiễm ký sinh trùng. Trong đó, có đến mười mẫu cùng lúc có sự hiện diện của cả ba loại ký sinh trùng amip, trùng lông, trứng giun đũa chó mèo. Có 7/13 mẫu rau cải nhiễm năm loại ký sinh trùng là amip, trùng lông, trùng roi, trứng giun đũa chó mèo và ấu trùng giun. Ngoài ra, tìm ký sinh trùng trên tám mẫu rau gia vị đều phát hiện có amip, trứng giun đũa chó mèo, ấu trùng giun.
(Theo Tuổi Trẻ)