Ngay tầm trưa thi xong môn Hoá, trước cổng trường đại học Sư phạm Hà Nội, sĩ tử ùa ra khỏi phòng thi đông nghẹt cả đường Xuân Thủy. Phía bên kia đường, trước tòa nhà HITC, phụ huynh ngồi chật cứng đợi con. Mỗi người một mảnh báo, một miếng áo mưa mỏng kê để ngồi. Khi con cái của họ bước ra, họ chạy lại hỏi han, nhìn lại mới biết thì đúng là một chiến trường… rác. Năm nào cũng vậy, cứ qua mỗi đợt thi là các đường phố Hà Nội ngập rác chủ yếu là những tờ quảng cáo, rao vặt, giấy nháp của thí sinh, cùng với rác của bố mẹ các em “vô tình” vứt lại.
Thu gom rác trước cổng trường ĐH Ngoại thương. |
Chị Toàn công nhân môi trường đô thị tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh phải đi làm sớm hơn ngày thường vì thí sinh thi. Chị cùng tất cả các anh chị em khác trong tổ đều đi làm vậy vì công việc ngày hôm đó nhiều. Chị cho biết, các chị phải quét rác liên tục bởi khối lượng cũng như phạm vi rác có nhiều hơn. Chị nói: “Bình thường, cứ từng ca người này làm trước thì ca người làm sau không vất lắm và rác là của dân tập trung lại, nhưng hai hôm nay chúng tôi phải đi quét sớm trước cổng trường đại học Luật, Học viện Hành chính Quốc gia, và ngay trên những thảm cỏ vi có đủ các loại rác vứt ở đó”. Chị còn nói, dù sao một năm cũng chỉ vài bữa nên anh chị cố gắng làm thêm một chút cho đường phố sạch sẽ.
Tại địa điểm thi trường THCS Nghĩa Tân, chị lao công của trường cho biết, năm nào cứ vào dịp thi đại học(gồm 2 đợt), chị phải đến dọn dẹp thường xuyên, hôm trước đầy rác, hôm sau sân trường sạch sẽ không còn một tờ giấy nháp nào vứt trên sân.
Quả thực, nếu dạo qua đường Nguyễn Chí Thanh, hồ Ngọc Khánh, khu Văn Miếu Quốc Tử Giám…sau khi các bậc phụ huynh đứng dậy là để lại rác đủ loại.
Dịp thi của khối A cũng là thời điểm thuận lợi các trường cao đẳng, trung học kĩ thuật đi phát tờ rơi quảng cáo về trường của mình cho các bậc phụ huynh đang ngồi đợi con thi. Họ in ấn hàng tạ tờ rơi thuê đội ngũ học sinh, sinh viên tỏa đến các trường, các địa điểm thi để phát khuyến mãi. Hầu hết cha mẹ học sinh nhận xong xem qua loa rồi vứt luôn. Họ có một tâm lý chung là không mong muốn con mình phải học những trường trung cấp đó, đã học thì phải là đại học.
Các bác nhặt rác cũng tất bật hơn trong dịp này, vì có rất nhiều giấy mà học sinh thi vứt. Họ đứng chờ mỗi buổi tan thi là ở lại nhặt giấy rác đem về bán. Chị Khóa, quê tận Thanh Hóa ra Hà Nội làm nghề mua đồng nát nói rằng hai hôm nay chị kiếm được vài chục nghìn từ việc nhặt rác đem bán. Chị nói: “Em xin các bác bảo vệ cho em vào sân trường nhặt giấy học sinh vứt nhưng họ không cho, nếu không em còn kiếm thêm được vài chục”.
Quang Việt