- Trong lĩnh vực thời trang, người ta dựa vào các tiêu chí nào để đánh giá một sản phẩm có phải là đạo ý tưởng hay không?
- Có nhiều tiêu chí để đánh giá, ví dụ như phom dáng, chi tiết, chất liệu vải, màu sắc, kỹ thuật cắt may, rã thân... Nhưng thứ quan trọng nhất để xác định một thiết kế đạo ý tưởng là nhìn vào chính ý tưởng của người thiết kế, hay còn gọi là style riêng. Một nhà thiết kế hay một thương hiệu chỉ thành công khi nhìn vào là khách hàng nhận ra ngay đấy là đồ của họ chứ không phải của ai khác.
Nếu đưa ra một chủ đề nào đó cho 10 nhà văn, 10 họa sĩ hoặc 10 nhà thiết kế, tôi chắc là mình sẽ có 10 cuốn sách, 10 bức tranh và 10 bộ sưu tập khác nhau, vì cuộc sống và cá tính của người này sẽ khác với người kia.
- Có kinh nghiệm 5 năm học tập và làm việc tại Pháp, chị thấy tần suất xảy ra những vụ đụng thiết kế ở phương Tây có phải chuyện hiếm?
- Trước hết, tôi phải nói rõ ràng là không có việc trùng nguồn cảm hứng, sự tương đồng. Chỉ có sự copy và những lý do chối bỏ điều đó.
Ở phương Tây, vấn đề copy mẫu giữa hai nhà thiết kế là chuyện không có. Thứ nhất, công chúng gọi mọi thương hiệu lớn hoặc nhỏ bằng tên của thương hiệu chứ không phải nhà thiết kế. Nếu phải gọi ai là nhà thiết kế, đó sẽ là Dior, Chanel, Alexander McQueen… Những thương hiệu này đều có lịch sử lâu dài và một style riêng rất mạnh. Trong mọi bộ sưu tập mới của họ, chúng ta đều thấy một phần sáng tạo mới và một phần lịch sử cùng style riêng của thương hiệu. Chính vì vậy mà hai nhà thiết kế phương Tây không thể nào đụng thiết kế được.
Mình cũng nên hiểu về tâm lý bên đó. Xã hội phương Tây luôn tôn trọng và cảm phục năng lực sáng tạo, style riêng và nét độc đáo. Bất cứ sự copy nào cũng là một điều xấu hổ. Vì vậy, từ ngày còn học ở trường, các sinh viên thời trang đều được học hành rất bài bản về style của các thương hiệu lớn, không phải để dễ copy sau đó, mà ngược lại để hiểu và từ đó xây dựng một style riêng của mình.
- Nói vậy nhưng nhiều lúc ở phương Tây vẫn xảy ra chuyện trùng lặp ý tưởng, nhất là với những thương hiệu nhỏ. Chị giải thích ra sao?
- Điều này thì đúng, những thương hiệu ứng dụng "đạo" ý tưởng của nhà thiết kế là một vấn đề lớn mà ai cũng biết. Những thương hiệu được gọi là ứng dụng đó có thể kể ra như Zara, Topshop, Mango… Họ thường xuyên bị các nhà thiết kế lớn hoặc nhỏ quy trách nhiệm ăn cắp mẫu. Tình trạng này xảy ra vì luật bản quyền giữa các nước phương Tây chưa có sự đồng nhất.
Người nước ngoài phân chia rất rõ đẳng cấp. Những ngôi sao lớn thường mặc đồ của thương hiệu nổi tiếng. Các ngôi sao thu nhập thấp hơn sẽ rất vui lòng mặc đồ của những thương hiệu nhỏ hơn, không ai nghĩ đến một bộ đồ nhái.
- Nếu sự tương đồng chỉ là vô tình, ngoài ý muốn, làm cách nào để thuyết phục dư luận rằng mình không "nhái" thiết kế?
- Vô tình, trùng hợp… là những từ vựng thường được sử dụng trong ngành thời trang cũng như văn học, hội họa… Nhưng tôi nghĩ tự thân nhà thiết kế là người biết rõ nhất mình có mượn ý tưởng hay không. Nếu bạn cảm thấy tự hào với sự sáng tạo thì không lý do gì phải ngại dư luận. Còn nếu bạn vẫn muốn làm một bộ váy đẹp theo cách của người khác thì sớm muộn gì cũng sẽ bị lên án và đào thải.
Năm 2011, một thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam giải thích rằng bộ sưu tập mới của mình hơi giống bộ sưu tập của một thương hiệu quốc tế vì cùng cảm hứng. Trong khi đó, bộ sưu tập quốc tế đã được ra mắt trước đó bảy tháng rồi.
- Chị suy nghĩ thế nào về việc thị trường thời trang Việt Nam nhiều lần xảy ra các vụ "đạo" ý tưởng như vậy?
- Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, ngành thời trang của mình cũng vậy. Cùng với ngành thời trang thì ý thức, giáo dục và trình độ người tiêu dùng đều đang phát triển. Sự thật là chúng ta đang vừa copy vừa sáng tạo. Ở đây không phải là scandal. Scandal là lúc một thương hiệu nổi tiếng copy hoặc một nhân vật mặc đồ nhái. Và có khi là sự copy không hẳn vì mục đích chơi trội, tạo scandal mà là vì một số yêu cầu của một bộ phận khách hàng.
Thời đại Internet phát triển, chúng ta đều có thể biết tất cả mọi thứ trên trái đất chỉ với một cú click chuột, nên việc copy hoặc cổ súy cho hàng nhái sớm muộn gì cũng bị phát hiện. Mọi người đều biết, nhưng cách phản ứng cũng chưa thật kiên quyết và rõ ràng. Chẳng hạn như sao mặc nhầm váy nhái, các fan toàn bảo vệ sao bằng những luận cứ: "Nhái mà đẹp thì có làm sao đâu", "Đâu phải ai cũng có dư tiền mua hàng chính hãng"... Nhưng tôi hy vọng rằng nước mình càng phát triển thì ngành thời trang sẽ càng lành mạnh hơn.
- Theo chị, có dễ tìm kiếm những nhà thiết kế Việt thực tài mà không bao giờ copy?
- Tất nhiên tôi tin là nước mình có tài năng, và không cần đạo nhái. Nhưng để làm được điều này, các nhà thiết kế cần có bản lĩnh, đặt niềm tin vào chính mình cũng như sẵn sàng thuyết phục khách hàng tin tưởng ở họ. Có một thực tế là dù rất yêu các sáng tạo của mình nhưng nếu có khách hàng đến nhờ mình may một bộ váy nhái, các nhà thiết kế trẻ thường dễ dàng vì những lợi ích nhất thời mà không nỡ từ chối dứt khoát.
- Vậy bản thân chị đã bao giờ bị vướng nghi án học hỏi ý tưởng?
- Tôi nghĩ rằng những người làm thời trang chuyên nghiệp đã thấy style riêng của tôi. Và theo tôi biết, chưa có thương hiệu nào trên thế giới có cùng style với mình.
- Sau lùm xùm Mỹ Tâm mặc hàng nhái, người thiết kế cho thương hiệu Nightingale của Mỹ Tâm là Nguyễn Công Tín đã nhận hết trách nhiệm về mình và xin nghỉ việc. Chị đánh giá thế nào về hành động này?
- Nếu sau mỗi scandal copy luôn có một người nhận lỗi và đứng ra chịu trách nhiệm thì tôi chắc rằng, sau một thời giang rất ngắn, ngành thời trang Việt Nam sẽ sáng sủa hơn.
- Đã là người nổi tiếng, không ai muốn vướng phải nghi án mặc đồ nhái. Vậy chị có lời khuyên gì dành cho các ngôi sao trước khi quyết định chọn trang phục để xuất hiện trước công chúng?
- Tôi khuyên các ngôi sao và các doanh nhân nằm trong trường hợp này, thỉnh thoảng cứ mua sắm một trang phục rất đắt tiền của thương hiệu mà mình thích. Điều đó giúp bạn cảm nhận giá trị và sự khác biệt giữa hàng hiệu và hàng nhái. Nhưng bạn cũng nên thường xuyên tin tưởng hơn và ủng hộ các nhà thiết kế trẻ Việt Nam bằng cách mua và mặc những trang phục thật sự của họ. Đổi lại, các nhà thiết kế phải làm thế nào để tạo sự yên tâm hoàn toàn ở các khách hàng. Làm như thế vừa thể hiện được mình là một người ăn mặc có suy nghĩ, vừa giúp cho ngành thời trang Việt Nam phát triển.
Giang Myt thực hiện