Sống trong căn hộ gần nhà cha mẹ là mơ ước của nhiều đôi uyên ương. Ảnh: Ameredan. |
Có không ít người, đặc biệt là cô dâu, chia sẻ họ cảm thấy sợ khi phải sống cùng gia đình sau khi kết hôn. Một số cặp đôi khác lại vì chuyện sống chung hay sống riêng cùng nhà chồng mà không thể đi đến đám cưới hạnh phúc. Việc lựa chọn, tìm kiếm được nơi ở sau đám cưới không phải là chuyện dễ dàng đối với tất cả đôi bạn trẻ.
Sống chung với cha mẹ không phải là điều quá khó khăn hay căng thẳng, nhưng nhiều người có cá tính hiện đại lại muốn hưởng thụ cuộc sống riêng tư, hạnh phúc cùng người bạn đời. Để tránh các bất đồng không đáng có, đôi uyên ương nên thống nhất với nhau và với gia đình trước khi tổ chức lễ ăn hỏi để mọi chuyện liên quan đến đám cưới đều suôn sẻ.
1. Thống nhất ý kiến giữa cô dâu chú rể
Nhiều chuyên gia tâm lý nhận định, việc cặp vợ chồng mới cưới sống cùng cha mẹ dễ xảy ra bất hòa, vì khoảng cách thế hệ, tâm lý khác nhau, đặc biệt là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Một vấn đề khác cũng được đề cập tới là cô dâu chú rể sẽ cần nhiều không gian riêng tư để xây đắp cuộc sống mới, vì vậy nhiều người lựa chọn cách sống riêng.
Nhưng cũng không ít gia đình chỉ có duy nhất một người con trai, khi đón con dâu về thì việc con cái ở cạnh, phụng dưỡng cha mẹ là điều đương nhiên. Đây là lý do khá phổ biến để vợ chồng mới cưới phải có trách nhiệm sống chung cùng cha mẹ.
Vì không muốn ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ nhạy cảm mẹ chồng - nàng dâu, nên khi chuẩn bị cưới, nhiều cô dâu tỏ thái độ rõ ràng về việc sống chung. Nếu may mắn, cô sẽ được chú rể đồng thuận, nhưng cũng có không ít chàng trai muốn sống tại nhà để chăm sóc cha mẹ.
Dù trong bất cứ trường hợp nào, muốn ở chung hay ở riêng, điều quan trọng nhất là đôi uyên ương phải ủng hộ nhau, cùng chung quan điểm, khi đó bạn mới có thể thuyết phục được gia đình đồng ý với lựa chọn của mình.
Khi sống chung cùng cha mẹ, đôi uyên ương sẽ cảm nhận được không khí ấm cúng của gia đình. Ảnh: Motherpad. |
2. Những ưu điểm và nhược điểm của việc sống chung, sống riêng
Trong hai phương án sống chung và sống riêng, mỗi lựa chọn đều có những ưu, nhược điểm nhất định.
* Sống chung:
- Ưu điểm: Đôi vợ chồng trẻ có thể cậy nhờ bố mẹ trong chuyện lo liệu công việc nhà hoặc ít nhất là được bố mẹ ủng hộ về mặt tinh thần, lại có thể thường xuyên quan tâm, chăm lo tới cho bố mẹ. Hơn thế, khi sống tại nhà bố mẹ, cô dâu chú rể mới cưới sẽ không phải lo lắng tới tiền thuê nhà hay tìm nhà thuê khi hết hạn.
- Nhược điểm: Không phải cô dâu nào cũng tìm được tiếng nói chung với bố mẹ chồng, dễ nảy sinh những bất đồng khi sống chung. Một số trường hợp chú rể về sống chung với gia đình nhà cô dâu sẽ gặp phải những sức ép về tâm lý, cảm thấy không thoải mái trong cuộc sống hàng ngày.
* Sống riêng:
- Ưu điểm: Khi sở hữu một tổ ấm riêng, chỉ có hai người, đôi uyên ương sẽ thỏa thích làm theo ý mình mà không phải lo lắng tới thái độ của bố mẹ. Một số cô dâu còn có ý kiến, khi sống riêng họ sẽ thảnh thơi hơn vì không phải lo liệu cho cả một gia đình lớn.
- Nhược điểm: Điều cần cân nhắc lớn nhất khi quyết định ra riêng là đôi uyên ương phải dựa hoàn toàn vào kinh tế và sự thu vén cuộc sống của hai người. Ngân sách cho việc thuê nhà và chi trả cuộc sống là điều không đơn giản đối với đa số các cặp vợ chồng mới cưới. Một nhược điểm khác khi chọn sống riêng là cả hai sẽ phải chịu trách nhiệm với toàn bộ công việc trong nhà, hai vợ chồng phải thay phiên nhau quán xuyến việc nhà, đôi khi có thể gây ra áp lực, mệt mỏi vì không có ai giúp đỡ, phụ trợ.
3. Cách giải quyết
- Nếu ngay từ đầu, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu tương lai không tốt, thì bạn nên tránh sống chung.
- Khi đã không muốn sống chung, cô dâu chú rể tương lai phải nói chuyện rõ ràng, thống nhất để hai người đều vui vẻ, cả hai phải chấp nhận với điều mình đã chọn và không nên tỏ thái độ không vừa lòng trong cuộc sống sau này.
- Nếu vẫn có thể sống chung cùng cha mẹ, nhưng hai bạn lại muốn có khoảng không gian riêng thì cso thể chọn cách ở cùng bố mẹ vài tháng, rồi sau đó thuyết phục cha mẹ cho ra ngoài sống. Bạn có thể thuê nhà hoặc mua nhà gần bố mẹ để tiện đi về, thăm hỏi các bậc phụ huynh hàng ngày.
- Với trường hợp cô dâu là con một, gia đình ít người, bố mẹ không có ai chăm sóc, cô dâu muốn sau đám cưới ở nhà gái, nhưng chú rể không đồng ý thì có thể giải quyết bằng cách hai người lần lượt sống cùng cả nhà trai và nhà gái. Bạn có thể sống ở nhà trai một tháng hoặc một tuần, sau đó chuyển snag sống ở nhà gái một tháng hoặc một tuần tiếp theo.
Với bất cứ trường hợp nào, đôi uyên ương cũng nên thảo luận việc này với bố mẹ cả hai bên và được sự đồng ý của cả hai gia đình để tránh xảy ra các mâu thuẫn sau này.
Linh Linh