Các tay kiếm Việt Nam giành được 3 HC vàng tại SEA Games 22. Ảnh: Lan Anh |
Bắn đĩa bay là môn thể thao quý tộc ở Việt Nam một phần vì chi phí quá tốn kém. Chỉ riêng chuyện đạn, giá một viên khoảng 15.000 đồng, mỗi xạ thủ đều bắn tập không dưới 50 viên/ngày. So về sự chơi sang, môn đấu kiếm cũng chẳng thua kém gì.
Một cây kiếm giá gần 200 USD, mặt nạ cũng cỡ 60 USD, áo thi đấu làm từ sợi kim loại cũng từ 150-200 USD, lại thêm giầy, bao tay... Một lưỡi kiếm thôi chưa đủ, VĐV được trang bị vài mũi kiếm dự bị. Đối với một tay kiếm tập luyện thường xuyên, chuyện một tuần gẫy vài ba mũi kiếm cũng là chuyện thường. Tính tổng cộng, một tay kiếm để có thể lên sàn, cần xấp xỉ 1.000 USD. Hơn hai chục năm trước, khi đấu kiếm mới du nhập vào Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang (hiện là Giám đốc Sở TDTT Hà Nội) đã xin nhập cả một container kiếm và các trang thiết bị thi đấu từ Liên Xô trị giá 15 lượng vàng, tương đương tiền mua vài căn nhà mặt phố thời bấy giờ.
Cảnh nhà nghèo đã khiến cho các kiếm sĩ Việt Nam nhiều phen muối mặt. Có lần tham dự một giải quốc tế, các VĐV của Việt Nam bị BTC nhắc nhở phải đi mua hàng xịn thay vì dùng mấy bộ đồ chất lượng "làng nhàng". Ban huấn luyện vội mua ngay hai thanh kiếm lên tốn mất 1.000 USD. Nhưng rồi, các tay kiếm Việt Nam cũng chẳng đạt được thành tích gì khi quên mất rằng thanh kiếm sử dụng lần đầu sẽ cứng đờ, phải qua sử dụng vài lần mới "dẻo" được.
Cũng vì thế, mà sau khi sử dụng hết container thiết bị trên, môn đấu kiếm cũng không phát triển ở Việt Nam nữa. Các kiếm sỹ Việt Nam cũng đành ngậm ngùi gác kiếm trở thành võ sư wushu (HLV trưởng đội tuyển Nguyễn Xuân Thi), karatedo (HLV Quốc Trọng)... Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng nỗi khó khăn của các VĐV đấu kiếm Việt Nam cũng chưa giảm bớt. Chuyên gia Trung Quốc Nhiêu Bân (đang huấn luyện cho đội kiếm chém nữ) cũng phải thốt lên: "VĐV Việt Nam chịu đựng cảnh ăn khổ, ở khổ, tập luyện cực nhọc giỏi thật".
Vung tay chi tiền mua quần áo, kiếm, mặt nạ thôi chưa đủ. Trang thiết bị để tổ chức một giải đấu cũng tốn kém bộn tiền. Từ ngày 6 tới 8/5 tại Hà Nội, để tổ chức một giải đấu chỉ có sự tham dự của chỉ 20 tay kiếm, BTC giải đấu kiếm chém nữ hạng A F.I.E cũng phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng. Ông Phùng Lê Quang, Trưởng bộ môn đấu kiếm Ủy ban TDTT thở phào "Cũng may chỉ có chừng ấy VĐV thôi chứ nếu mà họ đăng ký thêm khoảng chục người nữa, thì chưa biết lấy tiền đâu mà chi trả".
Để tổ chức được giải kiếm chém hạng A, phải nộp thêm khoảng 500 euro, mà cũng phải chật vật lắm Việt Nam mới có thể hoàn tất. Cũng may, nhờ quan hệ tốt, Việt Nam mượn được của Hàn Quốc hai bộ đèn tín hiệu sử dụng trong thi đấu, Liên đoàn đấu kiếm thế giới (F.I.E) cũng tặng luôn 3 bộ đèn "xịn".
Những đòi hỏi về độ "xịn" của trang thiết bị cho các kiếm sỹ cũng không thừa vì sàn đấu kiếm không phải chỗ chơi đùa. Khi còn chơi kiếm, ông Hoàng Vĩnh Giang (giờ là Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam) cũng từng đổ máu trên sàn tập khi bị đối thủ đâm trúng mặt nạ, phải cấp cứu bệnh viện.
Tốn kém là vậy, nhưng theo ông Hoàng Vĩnh Giang, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, vẫn phải đầu tư bởi "tới lúc Việt Nam vào được Olympic thì có hàng triệu USD cũng chẳng đổi lại được".
Tuệ Anh