Sau khi dạo một vòng nhìn nhìn ngó ngó, vị khách hàng nọ đưa tay lấy chiếc giày trên kệ xuống xem. Chỉ cần thấy thế, nhân viên bán hàng vội chạy đến, quỳ một gối trước mặt người mua và phụ giúp họ thử giày. Cảnh này xảy ra trong một cửa hàng giày dép tại Thiên Tân. Đây không phải là nơi duy nhất ở Trung Quốc phục vụ khách hàng theo cung cách quỳ.
Nhiều nơi kinh doanh khác cũng yêu cầu nhân viên phải quỳ phục vụ khách hàng như một phương thức cạnh tranh mới của các ông chủ.
Tại Hàng Châu, các nhân viên phục vụ trong một phòng trà lớn của tỉnh đều phải quỳ khi phục vụ. Mỗi người đến đây thưởng thức ca nhạc tốn trung bình khoảng 100 nhân dân tệ (190.000 đồng VN) nhưng nơi này ngày nào cũng đầy kín khách.
Tại Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), khách hàng trong một tiệm uốn tóc nằm trên ghế bành thoải mái nghe nhạc và ngủ trong khi các nhân viên phải quỳ làm tóc, gội đầu. Mỗi một lần như thế khách tốn 10 nhân dân tệ (19.000 đồng VN). Tại Ninh Ba, một tiệm cắt tóc ở quận Hải Thự, nhân viên bắt buộc phải quỳ phục vụ. Ai không làm theo quy định của chủ tiệm sẽ bị phạt hít đất 100 cái sau khi khách ra về.
Theo Pháp Luật, tại Thượng Hải, một công ty gia chánh chuyên môi giới cung cấp bảo mẫu cho các gia đình đã huấn luyện các bảo mẫu phải quỳ cúi người trước mặt chủ ngay khi vừa bước vào cửa nhà để thể hiện lòng thành của mình. Ngoài ra, trong các trường hợp cần thể hiện quan hệ chủ và người giúp việc, các bảo mẫu cũng phải quỳ để phục vụ.
Khi quỳ, bảo mẫu phải cúi khom người, mắt không được nhìn thẳng vào mắt chủ nhưng miệng phải mỉm cười. Tuy huấn luyện như thế nhưng khi giới thiệu người làm cho các gia đình, công ty vẫn yêu cầu gia đình chủ không được coi thường người làm và phải cư xử với họ bình đẳng về nhân cách.
Cung cách quỳ phục vụ khách hàng đang phát triển khắp nơi ở Trung Quốc và đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Theo lời một nhân viên bán hàng trong cửa hàng giày phục vụ quỳ ở Cáp Nhĩ Tân, có nhiều khách hàng muốn tự mình thử giày chứ không thích có nhân viên bán hàng quỳ bên cạnh. Một số người cho rằng quỳ không phải là cách duy nhất thể hiện thiện ý tôn trọng khách hàng của người bán, vả lại phục vụ khách hàng là một nghề và bản thân nghề này phải được tôn trọng chứ không phải chủ muốn bắt người lao động làm gì cũng được.
Nhà xã hội học Châu Kính Cường đã nhận xét: “Tôi sinh ra ở nông thôn. Mỗi lần tết đến, tôi phải quỳ lạy ba mẹ mình. Do đó, trong tâm tưởng của tôi, quỳ gối là một nghi thức vô cùng thiêng liêng. Vì thế các nhà kinh doanh không thể đơn giản đưa nghi thức quan trọng này để nhằm thu hút khách. Tôi không biết những người bán hàng và mua hàng có phản ứng như thế nào khi phải quỳ phục vụ hoặc có người quỳ trước một mình. Tuy đây là thời buổi kinh tế thị trường, nhân viên bán hàng phải làm hài lòng khách nhưng không thể lấy nhân cách con người ra để đem lại doanh thu. Hơn nữa, chất lượng phục vụ và cách quỳ phục vụ hoàn toàn không có mối quan hệ với nhau. Cung cách của nhân viên bán hàng “đến có hỏi thăm, đi có lời tiễn” hoặc “mặt tươi miệng cười, chu đáo phục vụ” cũng là quá tốt rồi”.
Các học giả tại Trung Quốc cho rằng nhà kinh doanh có quyền lựa chọn kiểu phục vụ khách hàng, tuy nhiên cũng phải quan tâm đến yếu tố văn hóa dân tộc và khả năng tiếp nhận của người dân. Theo họ, nếu cách quỳ phục vụ cũng không nâng cao được chất lượng phục vụ cũng như chất lượng sản phẩm lên bao nhiêu thì không nên phổ biến cách phục vụ này.
Bên cạnh những ý kiến phản đối cũng có không ít người ủng hộ cung cách quỳ phục vụ. Bà Đặng Hồng là giám đốc một khách sạn ba sao tại Cáp Nhĩ Tân bày tỏ ý kiến: “Quỳ phục vụ chẳng có gì là ầm ĩ cả. Trong thực tế, cách phục vụ này rất phổ biến ở nhiều nước Đông Á”.
Anh Trần, nhân viên quản lý cửa hàng bán giày quỳ phục vụ, cho biết: “Chúng tôi chẳng nghĩ đến vấn đề luân lý, đạo đức gì ở đây cả. Chúng tôi chỉ muốn khách hàng cảm nhận được lòng tôn trọng của chúng tôi đối với họ. Nhân viên trong cửa hàng đều nghĩ đó là quy định của cửa hàng nên họ chẳng quan tâm gì nhiều?”.
Một số ý kiến khác cho rằng ở giai đoạn trước, do kinh tế còn khó khăn, đời sống người dân chưa được nâng cao nên hình ảnh các nhân viên bán hàng mặt lạnh như tiền đã trở nên quen thuộc. Nay cuộc sống người dân khá lên, cộng với kinh doanh trong cơ chế thị trường, các nhà kinh doanh phải nghĩ ra cách phụcvụ tốt hơn. Mặc dù cách quỳ phục vụ chưa quen thuộc với một số người nhưng đã thể hiện được ý nghĩa: Khách hàng là thượng đế.