Chị Thùy, nhân viên kế toán một công ty tư nhân, là người giỏi làm ăn, biết chắt chiu, dành dụm nên anh Đức, chồng chị, rất tin tưởng giao toàn bộ tiền lương, của chìm, của nổi cho chị quản lý.
Tuy trong tay cầm tiền nhưng lúc nào chị Thùy cũng thấy lo lắng, bất an, sợ chồng đem tiền cho anh em bà con bên đó, rồi lại sợ trái gió trở trời ốm đau bệnh hoạn không ai lo... Nghĩ thế, nên chị lén giấu mỗi tháng vài triệu đem gửi ngân hàng, sổ cất riêng bên nhà chị không cho ai biết.
Khi có trong tay được vài chục cây vàng, chị mua luôn một căn nhà nhỏ. Nhằm lúc giải tỏa mở đường, căn nhà nhỏ của chị trở thành nhà mặt tiền. Chị sửa sơ rồi cho thuê mỗi tháng được bốn năm triệu. Tiền đẻ ra tiền, chị lại mua thêm căn nhà khác.
Vừa mua xong là sang tay lời vài chục cây. Thế mà niềm vui đó chị không hề dám chia sẻ với ai vì sợ chồng con biết. Đã thế, chị còn mua bảo hiểm nhân thọ cho anh mức cả trăm triệu với người thừa hưởng khi anh không may bị tai nạn qua đời... là chị.
Theo Người Lao Động, tình cờ khi người thuê nhà đến kiếm chị để trả tiền, anh mới hay vợ mình có tới hai ngôi nhà riêng mà cả đời anh cũng không dám mơ. Nhìn lại chỗ mình ở nhà tôn vách mục và những bữa cơm đạm bạc, anh đau đớn cảm thấy như ai bóp nghẹt trái tim mình. Cùng lúc đó anh lại nhận được thư cảm ơn của công ty bảo hiểm, anh mới hay nếu chẳng may mình bị chết vì đứng tim, thì chị sẽ có thêm vài trăm triệu tiền bồi thường. Giờ đây anh mới thấm thía tại sao lương anh mỗi tháng hơn hai triệu đồng mà ngày nào anh cũng chỉ được ăn cơm với đậu hũ!
Ngao ngán cho cuộc đời đổi trắng thay đen, cho sự bạc bẽo của vợ anh lặng lẽ ra đi để lại trên bàn lá đơn ly dị. Mặc cho chị khóc hết nước mắt năn nỉ anh hãy vì con mà quay lại, anh mai mỉa hỏi trong lúc bòn chét cho riêng mình chị có để ý chăm sóc cha con anh không? Quả thật là vì quá lo để mua đất, sửa nhà... chị dồn hết tiền vào các dự án riêng của mình mà chẳng mấy quan tâm chăm sóc chồng con. Mặc dù chị lý luận rằng của cải ấy trước sau gì vẫn là của chung của gia đình, nhưng lại không giải thích được tại sao mình lại giấu nó làm của riêng?
Vợ chồng anh Giang đều có thu nhập rất cao, mỗi tháng tới sáu bảy triệu đồng. Họ không phân định rạch ròi ai là người quản lý tài chính, ai chịu trách nhiệm chi tiêu trong gia đình. Khi đi chợ, siêu thị, ăn uống... ai có tiền thì người ấy trả. Thỉnh thoảng kẹt tiền, chị thản nhiên lục bóp của anh lấy xài. Ngược lại, lúc túng bấn, anh cũng kêu vợ chi viện cho chút ít.
Họ sống rất thoải mái không có tình trạng ai phải nộp tiền, ai là thủ quỹ... Cho đến một ngày, cơ quan anh Giang phân cho anh chị một suất mua lô đất với giá khá rẻ. Anh về bảo chị đưa một trăm triệu trả đợt một. Chị thản nhiên lắc đầu bảo không có, kêu anh lấy tiền bên anh mà đưa. Anh giận dữ bảo bấy lâu nay không có quỹ riêng, bao nhiêu tiền lương anh đều chi cho cuộc sống trong gia đình. Chị cũng bảo tiền lương chị để chi tiêu hằng ngày, nên anh phải để dành khi hữu sự. Cãi nhau chán, không có tiền đặt cọc, hai người đành phải nhường quyền ưu tiên mua đất cho người khác. Lúc này anh Giang mới thấm thía lời khuyên hữu lý của mẹ: “Con là đàn ông, lẽ ra không nên giữ tiền riêng. Nhưng mẹ thấy vợ con nó xài hoang phí quá, con nên giữ lại một ít phòng thân để sau này có chuyện gì thì khổ”.