Năm 2005, tiền vệ Quốc Vượng cùng những đồng đội Văn Quyến, Văn Trương, Phước Vĩnh, Bật Hiếu, Hải Lâm cùng dính án bán độ tại SEA Games 23. Khi đó, 6 cầu thủ U23 cùng thống nhất thắng U23 Myanmar cách biệt một bàn mỗi người sẽ có 20-30 triệu đồng sau trận đấu. Sau khi trở về nước, việc đánh độ bị phanh phui và số cầu thủ này dính án treo từ 2-4 năm tù.
9 năm sau, số cầu thủ dính án bán độ tại CLB Ninh Bình trong trận gặp chủ nhà Kelantan (Malaysia) tại AFC Cup 2014 đã lên đến con số 11. Thậm chí, bầu Hoàng Mạnh Trường cho biết con số có thể lên đến 14 cầu thủ nếu đường dây cá độ tiếp tục được điều tra mở rộng.
Từng dính án phạt nặng, cựu tuyển thủ Quốc Vượng chia sẻ anh không có quyền rao giảng, dạy khôn gì ai từ quá khứ của chính mình. Bản thân cầu thủ sinh năm 1983 chia sẻ khi thấy nhiều đàn em ở CLB Ninh Bình dính án cá độ, anh thương và lo nhất cho những người sau lưng họ. Ai sai lầm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng khổ nhất là gia đình, vợ con, bạn gái cầu thủ dính án.
Quốc Vượng chia sẻ: "Tôi vẫn có cảm giác nền bóng đá Việt Nam chưa thực sự trong sạch, trong lành để chính cầu thủ an tâm chơi bóng. Phải nói thẳng rằng những người trong đội ngũ lãnh đạo CLB từ HLV, lãnh đạo cũng chưa thật sự nghiêm túc làm bóng đá. Muốn phát triển bóng đá phải làm từ gốc nghĩa là thay đổi từ chính những người quản lý. Nếu những người đứng đầu đội bóng vẫn giữ cung cách cũ, không chỉ Ninh Bình mà còn nhiều CLB khác cũng sẽ xảy ra chuyện này".
Cầu thủ đứng đầu vụ cá độ SEA Games 2005 tâm sự: "Bóng đá là một môn thể thao giải trí và việc trong sạch hóa không chỉ từ cầu thủ mà nhiều phía. Tại sao có chuyện cầu thủ cá độ như thế phải hỏi chính người quản lý họ hàng ngày đầu tiên. Việc làm bóng đá để mang lại niềm vui cho người hâm mộ có phải mục tiêu các CLB hay không".
"Cá nhân tôi từng ân hận với sai lầm thời tuổi trẻ và phải trả giá cho chính lỗi lầm ấy. Khi thấy chuyện cũ tái diễn, tôi thấy buồn, xót xa trước vết xe đổ tái hiện vào lúc này", Quốc Vượng kết thúc câu chuyện với tiếng thở dài.
Anh Tuấn