- Trong nghệ thuật, Quốc Trung là người khó tính, vậy ở ngoài đời, anh nghiêm khắc với con cái như thế nào?
- Với con, tôi rất khó tính. Từ bé, tôi không được bố mẹ chiều nên khi làm bố, tôi không có quan niệm chiều con. Nhưng tôi không quá nghiêm khắc mà vẫn chơi với các con như những người bạn.
- Thiện Thanh, con gái lớn của anh với Thanh Lam đang nuôi ước mơ trở thành ca sĩ. Với tư cách là một nhà sản xuất, anh đánh giá thế nào về giọng hát của con gái?
- Ngày trước, Thiện Thanh học piano và gần đây mới chuyển sang học thanh nhạc. Cháu cần có thời gian để tiếp thu thêm kỹ thuật. Thiện Thanh không có giọng hát khỏe, phong cách âm nhạc đặc biệt mà khá nhẹ nhàng. Ở phương Tây, rất nhiều nghệ sĩ thành công dù không có chất giọng tốt. Điều quan trọng là cần có đam mê. Tôi chưa thể nói trước được về tương lai của con gái. Hãy cứ để cho con bé học tốt đã.
- Còn về cậu con trai Đăng Quang thì sao?
- Đăng Quang là người rất chăm chỉ và thực sự đam mê với piano. Tháng 6 tới, Đăng Quang sẽ tham gia một cuộc thi âm nhạc ở châu Âu với nhiều vòng thi khó khăn nên hiện tại, cháu nỗ lực tập luyện. Mỗi ngày, Đăng Quang đều tập đàn từ 6 đến 10 tiếng. Tôi không có gì để phàn nàn về con trai cả, chỉ có cô con gái thì làm tôi phiền lòng bởi thi thoảng dính vào yêu đương.
- Chị Thanh Lam sợ con gái yêu dại khờ giống mẹ, còn anh, anh có lo lắng đến mức quản lý cả chuyện yêu của con?
- Có chứ! Tôi không quản theo kiểu quá nghiêm khắc nhưng có hỏi bạn trai của con là người thế nào và uốn nắn con sống tốt. Bình thường cô bé rất nghe lời bố nhưng khi có người yêu thì quên hết. Thiện Thanh vẫn còn nhỏ nên đôi khi, việc yêu đương sẽ làm ảnh hưởng đến học tập.
- Không ít khán giả tò mò khi anh mời ca sĩ hải ngoại Hương Lan tham gia 'Cầm tay mùa hè' vào ngày 14/6 mà không phải những cái tên diva vẫn gắn bó với anh như Thanh Lam hay Trần Thu Hà. Lý do nào để anh chọn một giọng hát ở dòng nhạc quê hương như Hương Lan?
- Việc có diva hay không diva còn phải phụ thuộc vào ý tưởng của chương trình. Thanh Lam và Hà Trần đã hát ở Cầm tay mùa hè các mùa trước rồi, nếu mời họ nữa thì có lẽ sẽ hơi nhạt. Tất nhiên, đó cũng chỉ là một lý do, điều quan trọng là họ chưa có gì mới. Có lẽ phải chờ đến một thời điểm thích hợp, họ sẽ trở lại chương trình.
Còn về Hương Lan, tôi coi chị ấy là diva ở dòng nhạc quê hương trữ tình. Tôi yêu thích giọng hát của chị và dòng nhạc quê hương. Thời tôi mới lập ban nhạc Phương Đông, tôi đã sử dụng rất nhiều chất liệu đờn ca tài tử để đưa vào các sản phẩm âm nhạc.
- Mặc dù Hương Lan nổi tiếng ở dòng quê hương và âm nhạc của Năm Dòng Kẻ, Nguyễn Đình Thanh Tâm khá thú vị nhưng tại thị trường Hà Nội, đây không phải là những cái tên thu hút để bán vé. Anh phản ứng thế nào nếu có ý kiến cho rằng, anh quá mạo hiểm khi tập hợp 3 cái tên này vào một show diễn?
- Cầm tay mùa hè là chương trình thường niên, đã chịu nhiều khó khăn để tiếp tục bước sang mùa thứ 4 nhằm mang tới cho khán giả những thử nghiệm âm nhạc độc đáo. Tôi phải tính toán làm sao để chương trình có thể tồn tại lâu dài. Nếu làm show mà cứ lỗ hoài thì nó không có giá trị gì. Mặt khác, Cầm tay mùa hè cũng không phải là chương trình thương mại thuần túy có sự xuất hiện của các diva, mà nó có concept riêng về âm nhạc và mỗi năm chỉ làm một lần. Do đó, tôi đặc biệt chú trọng đến chất lượng nghệ thuật của show diễn nhằm giữ uy tín.
Các nghệ sĩ tham gia chương trình năm nay không phải là những ngôi sao đang hot nhưng đều có cá tính âm nhạc hấp dẫn. Hương Lan đã khẳng định được tên tuổi của chị trong mấy chục năm qua. Nhóm Năm Dòng Kẻ không có lượng người hâm mộ đông đảo như các ca sĩ trẻ nhưng âm nhạc của họ lại rất hay. Tôi ngạc nhiên khi họ có thể duy trì được nhóm trong thời buổi bây giờ. Album mới của họ cũng là sản phẩm mà tôi đặc biệt yêu thích.
- Cả ba nghệ sĩ của 'Cầm tay mùa hè' đều thuộc 3 dòng nhạc rất khác nhau. Vậy làm thế nào để anh kết hợp, hòa quyện họ trong chương trình?
- Dù khác nhau nhưng tôi có cách để họ có những điểm chung. Cụ thể, Hương Lan sẽ hòa giọng cùng Năm Dòng Kẻ ca khúc Lý mười thương, song ca với Nguyễn Đình Thanh Tâm bài Tát nước đầu đình. Tôi nghĩ, sự kết hợp giữa Hương Lan và Thanh Tâm sẽ hơi khó khăn nhưng tôi đã tìm ra điểm để họ có thể chia bè hợp lý. Một điểm thú vị khác trong show diễn, tôi sẽ trộn hai bài hát Ông lái đò của Hương Lan với Đò Ngang của Năm Dòng Kẻ.
- Hương Lan phản ứng thế nào khi anh mời hát chung với Năm Dòng Kẻ và Thanh Tâm?
- Chị ấy không hỏi mà tôi phải trình bày, giải thích về chương trình từ ý tưởng, việc chọn bài, phối khí. Hương Lan là người rất cẩn thận, kỹ tính và không chấp nhận hát những gì không phải là dòng nhạc của mình. Tôi không muốn ‘phá’ hình ảnh quen thuộc của chị theo kiểu biến nhạc quê hương ngọt ngào thành nhạc hiphop, dance, mà chỉ làm cho nó mới, hấp dẫn hơn. Nhạc quê hương vẫn là như thế, nhưng trong Cầm tay mùa hè, nó sẽ hiện đại và hay hơn. Show diễn không phải là buổi hòa nhạc để tôi trưng trổ chuyện phối khí, hòa thanh. Tôi chỉ cố gắng tạo bệ phóng về hòa âm để tôn người ca sĩ lên và tạo cảm hứng cho họ hát thăng hoa.
- Trước 'Cầm tay mùa hè', chuỗi chương trình 'Không gian âm nhạc' hay 'In the Spotlight' đã phải dừng lại vì thua lỗ và không thể tìm được những cá tính âm nhạc độc đáo nhằm đem tới sự mới mẻ cho công chúng. Bản thân anh khi duy trì 'Cầm tay mùa hè' đã gặp áp lực như thế nào?
- Rất khó cho tôi duy trì chương trình khi đời sống âm nhạc của nước ta chưa phát triển. Thứ nhất, giá thành thuê rạp hát cao. Thứ hai, muốn có chất lượng nghệ thuật chuẩn, tôi buộc phải thuê hệ thống âm thanh, ánh sáng ở bên ngoài và mất thời gian lắp đặt. Cầm tay mùa hè không phải tour diễn ở khắp các tỉnh, thành mà chỉ diễn ra một đêm duy nhất. Do đó, giá sản xuất rất cao. Nếu làm âm nhạc mà tiếc tiền, không đầu tư cẩn thận thì chất lượng chương trình sẽ giảm.
Dù rơi hoàn cảnh khó khăn thế nào, tôi vẫn phải giữ chất lượng nghệ thuật nhưng đồng thời cũng phải tính toán, những gì tôi thu về có đủ chi phí hay không. Nếu chỉ đầu tư sân khấu với màn hình led khủng mà không chú trọng đến concept âm nhạc thì chương trình không khác gì mấy show tạp kỹ. Có thể khán giả không thích các nghệ sĩ trong show diễn năm nay nhưng khi đến với Cầm tay mùa hè, chắn chắn họ sẽ được nghe chất lượng âm nhạc tốt.
Nói thật, chỉ có show Cầm tay mùa hè đầu tiên là tôi có lãi, còn 2 show tiếp theo thì may mắn không lỗ quá nhiều. Có chăng, tôi không nhận lương vì lấy công làm lãi và không phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ. Tôi cố gắng đi kiếm tiền bằng các công việc khác để bù vào, ví dụ như làm giám khảo.
- Vậy sao năm nay anh lại không ngồi ghế nóng một cuộc thi truyền hình nào?
- Chắc là bây giờ tôi sẽ không làm giám khảo nữa. Tôi phải cảm thấy vui thì mới tiếp tục nhận lời, còn khi những ý kiến đóng góp của tôi không có hiệu quả, tôi đành đi làm việc khác. Tôi không muốn nói quá nhiều về chuyện này. Dù sao tôi cũng gắn bó với Vietnam Idol, The Voice mấy năm liền nên không thể nói xấu ban tổ chức hay chương trình. Chỉ biết rằng, 3 năm làm giám khảo các gameshow như vậy là đủ rồi. Mỗi lần nhận lời một cuộc thi, tôi phải đi đi, lại lại giữa Hà Nội - TP HCM trong vòng 6 tháng, mất rất nhiều thời gian. Năm nay, tôi muốn tập trung làm những dự án riêng.
- Nhiều nghệ sĩ từ chối làm giám khảo gameshow vì cho rằng đó không phải là công việc chuyên môn và nó sẽ làm họ bị cuốn vào thế giới giải trí. Bản thân anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi không nghĩ vậy, chuyện này tùy thuộc vào tính cách của họ. Có thể họ có chuyên môn nhưng lại không hoạt ngôn hoặc họ ngại nói trên truyền hình. Tôi cũng đâu phải người hoạt ngôn nên tôi nói ít vậy thôi. Tôi mà nói nhiều thì chỉ bị ném đá thôi.
Mặc dù không làm giám khảo nhưng tôi vẫn theo dõi Vietnam Idol. Tôi xem chương trình vì Đông Hùng. Cậu ấy là ca sĩ trẻ mà tôi yêu mến. Từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn đến giờ, cậu ấy luôn nhờ tôi tư vấn và xin lời khuyên.
Tôi thấy, làng nhạc bây giờ có sự cạnh tranh khá gay gắt, muốn nổi tiếng thì ca sĩ phải có điều đặc biệt. Vấn đề của các ca sĩ trẻ Việt Nam là họ không có kiến thức và điều kiện tiếp xúc với môi trường chuyên nghiệp để tự mình xây dựng đường đi nước bước chuẩn xác cho bản thân. Họ toàn tự mình mày mò, dò dẫm. Ở Việt Nam, tôi đếm trên đầu ngón tay những ca sĩ có kiến thức về sản xuất âm nhạc. Có lẽ vì thế mà chúng ta mới có trào lưu ăn xổi, háo danh…
- Sau Uyên Linh, tại sao anh không chọn một giọng ca triển vọng để nâng đỡ?
- Tôi làm cho Uyên Linh như thế là đủ rồi. Còn với những giọng ca trẻ, ai muốn hỏi tôi ý kiến thì tôi đều sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng tôi không phải công ty "chăn gà" hoặc quản lý ca sĩ, nên chỉ có thể giúp họ về ý tưởng và chia sẻ những kinh nghiệm. Tôi không thích công việc quản lý hay lăng xê.
- Anh nhận làm giám đốc âm nhạc cho rất nhiều chương trình như 'Giai điệu Tự hào', 'Rockstorm'… Có khi nào vì áp lực đồng tiền mà anh làm những show anh không thích?
- Ở nước ngoài, có nhạc sĩ giàu lên chỉ nhờ việc viết nhạc phim, nhưng ở Việt Nam thì 10 năm mới có một phim hay, mỗi phim lại chỉ có thể giúp tôi sống được trong một tháng. Do đó, tôi bắt buộc làm nhiều công việc khác, nhưng nó phải nằm trong chuyên môn của tôi.
Cái kém nhất của tôi là chuyện áp lực đồng tiền. Không phải tôi là con nhà giàu, được bố mẹ chiều chuộng cho tiền đâu, nhưng chưa bao giờ tôi bị đồng tiền chi phối. Thực ra điều này cũng không hay ho mấy vì nhiều lúc tôi không có ý thức kiếm tiền. Nhưng nói chung, với tiền, tôi không khó tính và dễ bị thỏa mãn. Chỉ cần cát-xê mấy triệu tôi cũng thấy vui rồi.
Quỳnh Như thực hiện