![]() |
Tàu cứu nạn đã quần đảo trên biển suốt hai ngày tìm kiếm người bị nạn. |
Thi thể cuối cùng được đưa vào bờ vào sáng 2/5 là của anh Đỗ Trung Kiên, người đã cứu sống 6 em nhỏ trên chiếc tàu tử thần. Không một mảnh vải che thân, sau hơn một ngày trôi nổi trên biển, thi thể anh gần như thối rữa, không thể nhận dạng được. Đến khi ông Đỗ Ngọc Sương, chú ruột của Kiên linh tính khác thường, đưa tay vạch đôi môi người đã chết thì mới nhận dạng được anh nhờ chiếc răng cửa bị gãy trong lần bị tai nạn giao thông trước đó. Tấm gương hy sinh cứu người của anh Đỗ Trung Kiên (1983), cư ngụ tại ấp Cái Nai, xã Đất Mới, huyện Năm Căn, làm nhiều người cảm phục.
Phóng viên báo Người Lao Động và Pháp Luật TP HCM ghi lại lời kể của các nạn nhân may mắn sống sót. Anh Kiên cũng là hành khách trong chuyến tham quan Hòn Khoai hôm ấy. Khi tàu bị phá nước, anh và một số thanh niên đã cởi quần áo để nhét vào các lỗ hổng của thân tàu, nhưng vô ích vì tàu bị dòng nước tuôn vào quá mạnh. Vốn bơi lội rất giỏi, nên khi thấy các em nhỏ đang vật lộn, gào khóc giữa sóng biển, Kiên đã lao mình xuống vớt từng em một và đưa lên thuyền đánh cá của ngư dân một cách an toàn. Đến khi cố gắng cứu thêm cháu nhỏ thứ 7 đang kêu cứu ngoài khơi, anh Kiên đã đuối sức và chìm dần xuống đại dương.
Tại nhà ông Đặng Quang Vinh (1952), một ngôi nhà nhỏ nằm gần cửa biển Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, vào một chiều mưa tầm tã. Từ ngày xảy ra tai nạn đến nay, nhiều gia đình có thân nhân được cứu sống đã tìm đến tạ ơn ông và xem ông là một trong những người hùng trong cuộc chiến giành lấy sự sống của cả trăm con người.
![]() |
Ông Vinh bên cạnh con thuyền đánh cá đã cứu sống 37 người. |
Với vẻ mặt đăm chiêu, ông Vinh thuật lại: Hôm ấy là ngày lễ, đáng lý ra ông cũng nghỉ xả hơi như các bạn tàu khác. Nhưng không hiểu sao, trong lòng ông cứ nôn nóng được đi biển một cách khác thường. Thế là, ông và 2 người con trai đã ra khơi. Vừa thả lưới xuống biển, một trong hai người con của ông chợt nhận thấy đằng xa có chiếc tàu lớn đang từ từ chìm dần rồi mất hút giữa biển.
Biết chuyện chẳng lành, ông Vinh vứt bỏ tất cả 22 giàn lưới (trị giá cả chục triệu đồng) xuống biển để điều khiển chiếc thuyền của mình tăng tốc chạy đến hiện trường. Cách chiếc tàu gặp nạn chừng 2 km, ông không thể tin vào mắt mình khi nhận thấy hàng trăm con người đang cố vùng vẫy, thét gào. Ông Vinh vừa quăng dây xuống nước cho các nạn nhân bám vào, vừa cùng hai người con trai vật lộn với sóng biển để đưa từng người một lên thuyền. Suốt gần một giờ ròng rã cứu nạn, thuyền của ông Vinh đã cứu được 37 người, trong đó có một người đã tử vong. Là một trong số 15 người sống sót trong gia đình 18 người đi trên tàu hôm đó, anh Huỳnh Văn Dôm (1962) xúc động nói: “Nếu không có chú ấy, chắc chắn tôi và rất nhiều người khác sẽ... làm mồi cho cá rồi”.
Thế nhưng khi kể lại, ông Vinh cứ tự trách mình: “Sức khỏe tui dạo này đã yếu, cộng với chiếc thuyền hơi nhỏ nên không thể cứu sống hết bà con. Thật bất công cho họ quá!”. Liên tục trong những đêm qua, ông không tài nào ngủ được. Mỗi khi nhắm mắt lại là ông thấy hiển hiện những cánh tay cứ vẫy gọi, cầu cứu một cách thê lương.
![]() |
Cha con anh Phạm Văn Cường may mắn được ông Vinh cứu sống. |
Anh Bùi Thanh Thương, công an xã Đất Mũi, Cà Mau, người trong nhóm đầu tiên đi cứu hộ tàu Diễm Tín kể lại với VnExpress: Nhận tin từ, 10 người đầu tiên (trong đó chỉ có 3 nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp) lên một ghe lớn lao ngay ra biển, dù chưa biết chính xác tàu đắm vị trí nào. Khi ghe tới được khu vực tàu đắm thì các nạn nhân đã bị sóng đánh dạt khắp nơi. Trời bắt đầu đổ tối, các anh phải chiếu đèn pha nhưng cũng rất khó khăn mới tìm được người bị nạn.
"Khi ôm những thân thể mềm oặt, đầu tóc rũ rượi không biết là còn sống hay xác chết, đầu tiên tôi không khỏi rùng mình. Mắt cay xè, môi mặn chát, nước mắt của tôi hoà lẫn nước biển. Nhưng không còn thời gian để sợ hãi nữa. Tôi và các thành viên khác chỉ mong sao vớt được nhiều người trong thời gian ngắn nhất. Nạn nhân còn dấu hiệu sống được chuyển sang ghe nhỏ đưa vào bờ cấp cứu", anh Thương giọng run run kể lại. Tổng cộng các anh vớt được gần 20 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Trong đó, có 4-5 xác chết.
Anh Nguyễn Công Toại (1974), Phó Công an xã Đất Mũi, là một trong số hàng trăm người vật lộn với sóng biển gần như suốt ngày để cứu nạn. Với chiếc tàu đánh cá mượn của một ngư dân địa phương, anh Toại và đồng đội đã cứu sống được 11 người và đưa vào bờ thi thể của 6 nạn nhân. Anh tâm sự: “Chúng tôi gần như không còn biết đến mùi hôi thối từ thi thể nạn nhân. Chỉ mong sao nhanh chóng đưa xác lên bờ để người nhà của họ còn kịp nhận mặt”.
Bác sĩ Phạm Minh Pha, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Năm Căn làm công tác cấp cứu nạn nhân ngay khi được đưa vào bờ. Công việc cứu chữa hiện đã hoàn tất nhưng khi tiếp chuyện với phóng viên VnExpress, giọng nói của ông vẫn gấp gáp như đang trực tiếp đối diện với thảm họa đắm tàu: “Tôi là bác sĩ đầu tiên có mặt tại bờ biển. Khi tôi đến, một dãy 11 xác nằm sẵn đó, chỉ có 2 người đàn ông trạc trung niên, còn lại là phụ nữ và học sinh. Gần 20 năm tác nghiệp, chứng kiến nhiều cái chết nhưng chưa bao giờ tôi thấy kinh hoàng và xót xa đến vậy. Nghe mấy anh biên phòng nói, khi vớt lên, có nạn nhân còn ngáp, còn la được, vậy mà lúc vào đến bờ không sống nổi".
Trước những tấm gương anh dũng, thậm chí hy sinh cả tính mạng của những người hùng giữa đại dương, ông Hà Tiến, Chánh Văn phòng UBND huyện Năm Căn, cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất lên cấp trên tuyên dương, tặng thưởng những tấm gương này, trong đó có truy tặng cho anh Kiên. Bởi nếu không có họ, chắc chắn nỗi tang thương ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc sẽ còn gấp nhiều lần”.