Có chuyện về một đôi vợ chồng trẻ. Sau tiệc cưới họ ôm theo thùng tiền mừng của khách đi từ nơi đãi tiệc về nhà bằng taxi. Khi xuống xe đã quên thùng tiền trên xe. Dù sau đó có công an vào cuộc, nhưng rồi khổ chủ vẫn không thể nào tìm lại được thùng tiền. Những chuyện mất đồ trên xe như thế có thể kể mỗi ngày.
Ngày 25/6, ông Phạm Văn Hãn, nhà ở đường Hoàng Việt, quận Tân Bình, đón taxi của một hãng khá nổi tiếng đi từ đường Trương Định, quận 3, TP HCM về nhà. Sau khi nghe một cuộc điện thoại khi còn ngồi trên xe, theo thói quen thường hay đi xe riêng, ông bỏ điện thoại trên ghế ngồi và lúc xuống xe đã quên không cầm theo. Chỉ một phút sau, phát hiện quên điện thoại, ông Hãn liền gọi vào số điện thoại của mình, nhưng máy đã bị khóa. “Nhìn chiếc xe hòa vào dòng xe đông đúc trên đường phố, tôi giận run người nhưng không kiện cáo gì được vì bắt xe dọc đường lại không nhớ số xe”, ông Hãn bức xúc.
Tương tự ông Hãn nhưng có phần may mắn hơn là trường hợp của ông Đỗ Văn Hùng ở Gò Vấp, TP HCM.
Ông Hùng kể, vào trung tuần tháng 10 vừa qua, ông có dịp đi công tác ở Hà Nội. Buổi tối, sau một chầu nhậu “sương sương” với bạn bè, ông lên taxi đi về khách sạn và cũng bỏ quên điện thoại trên xe. Lập tức ông điện thoại vào số máy của mình nhưng không ai cầm máy. Kiên trì gọi đến mấy chục cuộc mới có tiếng trả lời. Sau khi trình bày rằng ông sẵn sàng chuộc lại điện thoại mà không kiện cáo gì vì trong máy lưu giữ nhiều thông tin quan trọng. Lúc đầu bên kia ra giá 2 triệu đồng, điều đình mãi cuối cùng 2 bên thống nhất sẽ được chuộc với giá 1 triệu đồng. Khi ông Hùng hỏi thăm chiếc xe của hãng taxi nào thì tài xế phản ứng: “Đừng lôi thôi! Muốn chuộc hãy chuẩn bị 1 triệu đồng gởi ở phòng tiếp tân khách sạn sẽ có người đem điện thoại đến và lấy tiền”. Y hẹn, sáng hôm sau có một cô gái đem chiếc điện thoại đến lễ tân khách sạn và lấy 1 triệu đồng như đã thỏa thuận.
Mới đây, anh David Ruppert (người Mỹ) đang công tác tại VN đón taxi màu đỏ đi từ quận 2, TP HCM về khách sạn Chim Hoàng Yến, quận 1, khi xuống xe đã bỏ quên chiếc bóp, trong đó có toàn bộ giấy tờ tùy thân và 3.000 USD.
Vừa bước vào sảnh khách sạn, phát hiện bị mất bóp, anh liền nhờ lễ tân khách sạn gọi giùm đến một hãng taxi (hãng có taxi màu đỏ) để xác định tài xế xe, nhưng hãng này cho biết không thể tìm được vì khách chỉ nhớ chi tiết “đi taxi màu đỏ” mà trên thực tế tại TP HCM có đến 7 hãng taxi có xe màu này. Hãng taxi này đưa ra phương án cho khách hàng gặp mặt tài xế để nhận dạng và hai bên đối chất (nếu nhận dạng được). Nhưng mấy ai đi taxi mà nhớ mặt tài xế nên khách hàng đành bỏ cuộc.
Ông Bình nhà ở quận 10, TP HCM kể, mới đây, ông cùng 2 người bạn đi taxi từ đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, TP HCM về đường 3 Tháng 2, quận 10. Sau khi xuống xe ông phát hiện đã bỏ quên trên xe 16 triệu đồng đựng trong chiếc bìa sơ-mi nhưng tài xế chối biến. Vụ việc sau đó đã được Công an quận Gò Vấp, nơi hãng taxi đặt trụ sở, giải quyết. Trong cuộc đối chất giữa khách hàng và tài xế, tài xế phản ứng: “Tiền xe hết 32.000 đồng, ông đưa 35.000 đồng còn bắt tôi trả lại 3.000 đồng tiền dư mà không hề có ý định “bo” thì lấy đâu ra 16 triệu đồng để bỏ quên”. Kết quả, công an cũng đành chịu vì không đủ chứng cứ buộc tội tài xế này.
Nhiều hãng taxi cho biết trên taxi của các hãng thường có bảng điện chạy hàng chữ bằng hai thứ tiếng Việt và Anh với nội dung: “Xin quý khách vui lòng kiểm tra lại hành lý trước khi rời khỏi xe” nhưng rất nhiều khách đi xe không chú ý.
Một số hãng taxi cũng thừa nhận, có tới 90% vụ việc khách khiếu nại bỏ quên đồ trên xe không tìm lại được vì không có bằng chứng giải quyết. Thường thì tài xế chỉ trả lại đồ cho khách khi giá trị món hàng để quên không lớn (chẳng hạn như chiếc điện thoại đời cũ giá chỉ vài trăm ngàn đồng, hay đơn thuần chỉ là giấy tờ), vì khi trả lại tài xế vừa được nhận tiền thưởng của khách lại vừa được công ty biểu dương, hãn hữu lắm mới có trường hợp tài xế trả lại tiền.
(Theo Người Lao Động)