Lam Trường bắt đầu chơi điện tử với các trò video games rộ lên từ những năm 1989, 1990. Sau này, anh chuyển sang chơi trên máy tính (PC Games) và Playstation 1, rồi 2. Khi đi diễn, anh chơi trên Playstaion 1 loại xách tay. Mê chơi đến nỗi Lam Trường còn sắm riêng một chiếc kính đặc biệt thay cho màn hình để không ảnh hưởng đến người xung quanh.
Lam Trường rất chú ý bảo vệ mắt, tự dặn mình không quá tập trung vào màn hình khi chơi. Đánh giá về trò chơi điện tử, Lam Trường chọn tiêu chí theo thứ tự: nội dung, đồ họa, âm thanh. Anh cho biết, các trò chơi anh ưa thích thuộc loại cần sự suy đoán, kết hợp thao tác.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, trước sức hút của trò chơi điện tử, Lam Trường không phải là một ngoại lệ. Ngoài trò chơi điện tử trên máy vi tính, các máy chơi trò chơi ngày càng có nhiều mẫu mã mới, số lượng trò chơi nhiều. Sự đa dạng của máy - từ máy chơi cầm tay đen trắng, cho tới máy màu GameBoy, Playstation - đã thu hút người chơi không phân biệt độ tuổi.
Cậu bé Phạm Đức Trung ăn vội ăn vàng cho hết tô phở để chạy ngay ra ngoài quán, tay cầm chiếc phi thuyền nhựa. Đứng ngay trên vỉa hè đường Sương Nguyệt Ánh, cậu bé ấn nút khởi động, tiếng nhạc vang lên. Mắt dán vào màn hình, hai tay bấm lia lịa, đi kèm với những cú bấm là tiếng đạn bay chiu chíu. Chú bé đang chơi trò Cuộc chiến trên biển trên máy chơi games cầm tay.
Chiếc máy chơi games này là phần thưởng của mẹ cho sau khi kết thúc năm học lớp 1. Đi kèm nó là 3 trò chơi với nội dung khá hấp dẫn như Săn tàu ngầm, Bắn máy bay và Chiến binh.
Giá tham khảo: |
Lứa tuổi như Trung ít thích trò chơi xếp gạch (brick game) một thời đã rất thịnh hành. Đi đâu, người ta cũng bắt gặp hình ảnh từ em nhỏ đến người lớn mắt dán vào màn hình, tay bấm nhoay nhoáy. Giờ đây, các máy có trò xếp gạch vẫn tồn tại, nhưng thu nhỏ hình dáng lẫn đối tượng chơi, nhường chỗ cho những chiếc máy mới mang tên Computer Games, rất hợp thời.
Máy chơi games mới nhập từ Trung Quốc được bán với giá từ 40.000 tới 60.000 đồng. Chúng được tạo dáng khá hiện đại như mô hình phi thuyền hay là chiếc máy vi tính. Chiếc máy trò chơi mang hình phi thuyền của Đức Trung có thể điều khiển ở những nút bên dưới màn hình. Người chơi cũng có thể gắn thêm tay điều khiển vào khi chơi. Còn kiểu máy mô phỏng máy vi tính, người chơi dùng chuột để xoay, điều khiển sang trái, phải, tiến, lùi và bắn. Không thích dùng chuột, người chơi sử dụng bàn phím để điều khiển. Mỗi máy đều có ba trò chơi được tích hợp vào ba chíp bán kèm. Riêng chiếc máy Milennium Computergames có hình như kim tự tháp có tới 11 trò chơi, màn hình có thể xoay 360 độ. Máy chơi games đều dùng 2 pin tiểu AA. Một số máy có chức năng tự động tắt nếu nghỉ quá lâu để tiết kiệm pin.
Bên cạnh các máy chơi games của Trung Quốc, máy chơi games cầm tay GameBoy được giới thiếu niên ưa chuộng. Đặc điểm của máy là màn hình màu, tinh thể lỏng, các trò chơi phong phú. Giá máy Games Boy khá cao, từ 950.000 tới 1,2 triệu đồng tuỳ loại máy dạng Advance hay Advance SP.
Đầu tư một chiếc máy Games Boy xong, các thượng đế nhỏ sẽ bị các trò chơi hấp dẫn nhờ hình ảnh đẹp, sắc nét, âm thanh sôi động. Các hãng sản xuất không ngừng đáp ứng nhu cầu của thượng đế nhí bằng cách liên tục đưa ra các băng trò chơi mới, nhất là các trò chơi "ăn theo" truyện hay phim như Harry Potter, Chúa tể chiếc nhẫn... Đôi khi, trò chơi còn ra trước phim. Chẳng hạn phim về cậu bé phù thuỷ Harry Potter mới có tập ba, thì trò chơi trên Games Boy đã tới tập 4. Giá trò chơi dao động từ 150.000 đến 250.000 đồng tuỳ theo trò, trong đó trò mới có giá cao hơn.
Giữa máy chơi của Trung Quốc và Games Boy đã là một khoảng cách khá xa, huống chi máy chơi Playstation 2 của Sony còn cao cấp hơn Games Boy. Các trò chơi trên Playstation 2 chủ yếu là trò 3D nên thiết kế của nó phải kết nối với màn hình tivi. Nhờ vậy, màu sắc, hình ảnh của các màn trò chơi rất đẹp.