5 giờ chiều, không khí trên sân thượng Nhà Văn hóa Thanh Niên bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Những điệu nhạc nhẹ nhàng lả lướt hay sôi nổi, dồn dập trỗi lên, các chàng trai cô gái dìu nhau bước ra giữa sân; họ quay cuồng, quấn quýt bên nhau trông thật điệu nghệ...
Mới nhìn vào, nhiều người cứ nghĩ đó là một buổi dạ vũ được tổ chức ngoài trời, nhưng những người quen thuộc thì biết rõ đó là lớp dancing được tổ chức hằng tháng tại đây.
“Tôi nhảy tức là tôi tồn tại”, đó là câu triết lý kỳ quặc của Vân đang học nhảy tại đây. Mái tóc so le dài ngang vai, khuôn mặt trắng mịn với hai má lúm đồng tiền, là sinh viên năm thứ nhất của ĐH Kinh tế, lại là con gái độc nhất của một gia đình trí thức nên từ nhỏ Vân đã được bố mẹ kèm cặp kỹ lưỡng. Thi đậu ĐH, từ Phú Yên cô được bố mẹ gửi vào ở với cậu ruột tại quận Phú Nhuận. Hết học kỳ một của năm thứ nhất, Vân dọn ra ở trọ cùng hai cô bạn. Vốn là con nhà giàu, lại được tự do nên Vân kết bạn với nhiều giới khác nhau. Từ khi quen Dũng, một chàng trai hào hoa làm bên ngành hải quan, Vân thường xuyên về nhà muộn. Thời gian rảnh rỗi, Vân theo chàng công tử đến những chốn ăn chơi. Lý do dẫn cô đến đây học nhảy là “để chàng khỏi mất mặt với bạn bè”. Lúc mới vào học, Vân rụt rè bao nhiêu thì bây giờ cô mạnh dạn bấy nhiêu.
Nhiều bạn trẻ bỏ thời gian và tiền bạc đi học “ngón sở trường” này là để chứng tỏ với bạn bè mình không phải là con nhà quê mà là một người sành điệu. Nhung từng phải đau khổ khi không được một nhóm bạn cho gia nhập vào đội ngũ “những ngôi sao nhạc pop”. Điều kiện để được tuyển chọn là phải biết nhảy, vậy mà Nhung lúc đó cứ lớ ngớ, nhu mì như một cô gái nhà quê. Bị đám bạn chê là “quần ống dài”, tức khí; Nhung đăng ký học liền tù tì ba khóa. Sau một thời gian “mai danh ẩn tích” để tìm thầy luyện... nhảy, Nhung xuất hiện với một phong cách độc đáo, sành điệu. Đương nhiên cô đàng hoàng bước vào thế giới của “những ngôi sao nhạc pop” mà không còn bị phe nhảy chê bai.
Vốn là một cô bé học lớp 8 nhưng Bảo Dương không thua kém lớp đàn chị. Ngoài những buổi học chính khóa ở trường, Dương thường la cà cùng đám bạn con nhà giàu đến những nơi mà lứa tuổi của cô đúng ra không cần quan tâm. Sau những buổi đi chơi khá thú vị đó. Dương bắt buộc phải theo kịp đám bạn để “chứng tỏ mình”. Xin tiền ba mẹ đi học thêm Anh văn buổi tối song cô lại đem số tiền đó đi đăng ký học nhảy. Từ những điệu nhảy sơ cấp ban đầu, sau hai, ba khóa học, Dương tiếp thu và đem vào ứng dụng rất nhanh. Giờ đây, một ai đó nhìn thấy Dương uốn lượn, không ai nghĩ rằng cô đang là một học sinh lớp 8.
Đăng ký học cùng khóa với chúng tôi là một nhóm ba nữ sinh đang học lớp 11 tại một trường THPT ở quận 3; trong đó nổi bật là Tùng với dáng người cao gầy, khuôn mặt khá thánh thiện. Từng là học sinh giỏi nhiều năm liền nên Tùng được khá nhiều bạn bè quý mến. Trong lần đi dự sinh nhật một người bạn, Tùng bị chê là “quê mùa” vì không biết nhảy, thế là cô nhất quyết đi học. Lúc đầu, Tùng còn ngại ngùng nhưng sau đó được những người đi trước dìu dắt tận tình nên dần dần cô nhảy sành điệu hơn. Trong một lần được "đi thực tế " ở một quán bar, Tùng đã trổ hết tài năng của mình và được công nhận là một trong những “top ten" của khóa học ấy.
Giới trẻ đến vũ trường bây giờ ngoài một số ít ngồi nghe nhạc thì đại đa số đều lao vào nhảy múa quay cuồng. Người ta đua nhau đi học nhảy và sau đó đến vũ trường, quán bar để tìm một nơi thực hành biểu diễn hữu hiệu nhất. Họ chen nhau vứt bỏ hết mọi ức chế của những ngày làm việc mệt mỏi. Đổi cái mệt mỏi của stress lấy cái mệt bở hơi tai do nhảy múa, người ta cảm thấy hài lòng, mãn nguyện. Mệt mỏi, mồ hôi ra ướt sũng rồi điềm nhiên kéo áo lên lau khoe cả bụng và rốn! Quay cuồng trong tiếng nhạc như thế song những người này biết rất rõ từng “gu" nhạc, nào là disco, techno, pop, rock... Tùy theo nhạc mà những con người này gập mình theo từng điệu miên man không ai giống ai.
Sự can thiệp của lối sống dance vào cuộc sống giới trẻ hiện nay thật đáng kể. Nhạc dance đã ra đời và bùng phát như một cơn sốt khi pop-rock cuối những năm 1970 không thể “tiến hóa” hơn được nữa. Theo đó, người ta cứ nhảy với đủ các dòng nhạc và nhất là khi làn sóng nhạc disco tràn đến thì cuộc sống của giới trẻ dường như bị đảo lộn. Chưa bao giờ người ta nhảy nhiều như thế. Nhạc dance đã xóa nhòa mọi ranh giới về đẳng cấp xã hội, chủng tộc, lứa tuổi. Nhạc dance giúp nhiều người mở thêm một chiều không gian sống. Khi nhảy, người ta sống một cuộc sống khác, với tính cá nhân triệt để hơn. Có thể âm thanh dồn dập và các bước nhảy quay cuồng có tác dụng kích thích mọi giác quan của con người hơn là những giai điệu êm êm buồn ngủ; cũng có thể khi nhảy, bản thân mỗi người chứng tỏ được sự tồn tại của mình trong một thế giới riêng.
Nhiều người đi học nhảy cho biết, việc nhảy sành hay không còn tùy thuộc vào năng khiếu của mỗi người và phải có nhiều cơ hội thực hành thường xuyên. Không lẽ học xong về nhà đóng cửa phòng lại bật máy nhảy một mình? Vì thế, những nhóm bạn nhảy được hình thành từ lớp học nhảy, câu lạc bộ khiêu vũ và thậm chí các vũ trường. Có như thế thì những người đi học nhảy mới không bị “tụt kiến thức”. Làm quen với Mai ở một quán bar trong chuyến đi Vũng Tàu công tác gần đây, được biết cô đã từng lên Sài Gòn học nhảy ba tháng. Trong tiếng nhạc đập thình thịch muốn nghẹt thở, Mai. cho biết: “Mình rất thích nhảy và ngưỡng mộ những người nhảy đẹp. Ước mơ của mình là được làm vũ công để suốt ngày được “sống cùng điệu nhạc". Để biến ước mơ thành sự thật, hằng đêm cô thường xuyên có mặt ở những điểm chơi nóng bỏng, bỏ tiền ra để nhập vào “thế giới xập xình" với hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành người sành nhảy.
Bên cạnh việc học nhảy là một sở thích thì việc biết nhảy là một trong những “công cụ" hỗ trợ người ta trong công việc. Giang Hương, sinh viên của Trường Đại học KHXH&NV, cho biết: “Học nhảy là một trong những thế mạnh để phục vụ cho công việc sau này. Lỡ phải đi dự một bữa tiệc nào đó cùng sếp, mọi người ai cũng biết khiêu vũ còn mình chỉ biết ngồi xem thì khó coi lắm”. Có thể đó là lý do chính để nhiều bạn trẻ chọn các lớp học nhảy như bây giờ. Trong môi trường giao tiếp hiện nay, biết nhảy giúp các bạn trẻ tự tin hơn, ở đó họ có dịp thể hiện mình và mở rộng các mối quan hệ, giao lưu xã hội. Cũng vì sở thích nhảy nhót, nhiều bạn trẻ đã trở thành những dancer chuyên nghiệp, tham gia vào các vũ đoàn lớn của thành phố như ABC, Hoàng Thông; song đó chỉ là số ít, còn đại đa số là học để biết, để chứng tỏ mình và để... quan hệ làm ăn.
Theo Công An TP HCM, bên cạnh thú giải trí lành mạnh, rèn luyện tốt vế thể chất thì phía sau sàn nhảy còn có những sự trao đổi chóng vánh về mặt thể xác nhằm đáp ứng đủ mọi nhu cầu về tiền bạc, vật chất và thỏa mãn thú vui của bản thân. Nhiều bạn trẻ đi học nhảy và quyết tâm nhảy thật sành điệu chỉ để vào các bar “xin tiền” khách. Màn xin tiền thật độc đáo, chỉ cần một động tác uốn mình thật nhẹ nhàng hay một cú va chạm vô tình là có thể làm quen. Chỉ cần có thế, nhiều cô gái sẵn sàng qua đêm với chàng để đổi lấy sự săn đón hằng ngày và đáp ứng tiền bạc cho nàng hằng đêm vào bar nhảy nhót. Trong lớp học nhảy, Thu Huyền, một cô gái xinh đẹp, biết cách ăn diện và nhất là rất dễ kết thân với bạn trai để có những cuộc vui “tới bến”. Cứ mỗi tối, sau khi học xong những điệu nhảy cơ bản trên lớp học, cô nhanh chóng “kết” một chàng bất kỳ và cùng chàng đến quán bar để “thực hành” một cách triệt để. Rất nhiều cô gái trẻ hiện nay đã tự buông thả mình để đổi lấy những thú vui chóng vánh.
Thay vì “ngồi đồng” ở quán cà phê, karaoke hay lên mạng thì số đông bạn trẻ rủ nhau đi học nhảy. Từ một vị trí độc tôn của giới trẻ quý tộc, dancing đang ngày càng trở nên đại chúng hơn trong mọi tầng lớp. Không như giới mày râu, các cô nàng thích đến quán bar nhảy nhót là muốn chứng tỏ mình, chịu chơi và biết cách ăn chơi. Tuy nhiên, trong một không gian tràn ngập khói thuốc và âm thanh chát chúa, những cô gái đi vào các quán bar, vũ trường được một người nhìn nhận không mấy thiện cảm. Dẫu về cơ bản, dance là một thú giải trí phổ biến nhưng sẽ đi về đâu nếu hằng đêm các chàng trai, cô gái cứ giết thời gian và thể hiện mình qua những điệu nhảy quay cuồng?