Quang Hùng MasterD tên thật Lê Quang Hùng, sinh năm 1997 ở Thừa Thiên Huế. Anh tham gia chương trình The Debut 2018, là tác giả các ca khúc Vì yêu là nhớ, Em lỡ yêu sai anh, Là bạn không thể yêu, Thiệp cưới trên bàn, Sao ai vẫn chưa về, Ký ức, Tìm lại nỗi nhớ, Xin em đừng về nơi này...
Anh được biết đến từ năm 2020 với bài hát Dễ đến dễ đi, được nhiều người nổi tiếng ở Thái Lan cover, hiện có 67 triệu lượt xem trên YouTube. Bài hát hút hàng trăm triệu lượt xem trên TikTok Thái Lan, sau đó phổ biến ở Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc với phiên bản khác nhau. Hồi tháng Ba, anh đoạt giải Nghệ sĩ trẻ triển vọng ở Asia Top Awards, tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Hiện, Quang Hùng MasterD được đề cử giải thưởng Ngôi sao của năm 2024 ở hạng mục Anh trai tài năng.
Sau thành công của chương trình Anh trai say hi, Quang Hùng MasterD cho biết anh tiến thêm nấc thang trong sự nghiệp, chạy show gấp 10 lần trước đây, được khán giả trong nước yêu thích và thoát mác "con ghẻ quốc dân, con cưng quốc tế". Tuy nhiên trước khi gặt hái hào quang, anh từng trải qua thời gian chật vật, khó khăn. Dịp này, Quang Hùng chia sẻ với Ngôi Sao về hành trình theo đuổi đam mê âm nhạc.
- Hành trình âm nhạc của anh bắt đầu như thế nào?
- Năm 18 tuổi, tôi theo học Học viện Âm nhạc Huế nhưng được nửa năm tôi không tiếp tục nữa vì muốn vào TP HCM vừa học vừa làm nhạc. Ban đầu bố mẹ tôi không ủng hộ, sợ tôi xa nhà, cơm nước bệnh tật chẳng ai lo. Dù bố mẹ ngăn cản, tôi nghĩ là đây là ước mơ của mình nên bắt buộc phải đi. Thấy tôi quyết liệt, bố mẹ cũng xuôi lòng.
Một mình vào TP HCM, tôi phải đối mặt nhiều thứ. Tôi tự hỏi: Phải bắt đầu từ đâu? Làm sao kiếm tiền để trụ lại thành phố? Những câu hỏi tôi tự đặt ra nhưng không biết giải đáp. Tôi đã xin vào rất nhiều công ty sản xuất làm. Tôi nhớ có thời điểm sắp phải đi ngủ bụi vì hết tiền thuê nhà và còn nhiều khó khăn khác lúc mới lập nghiệp.
- Với những khó khăn đó, làm thế nào anh vượt qua và trụ lại TP HCM?
- Năm 2019 tôi xin vào một công ty quản lý nghệ sĩ. Làm được vài tháng công ty ngưng hoạt động, tôi chơi vơi chẳng biết làm gì tiếp theo. Khi tôi đang ở phòng thu, cô chủ nhà gọi điện: "Hùng ơi, phải đóng tiền nhà". Tôi nghĩ hôm nay chắc là ngày cuối mình ở TP HCM, mai sẽ về lại Huế. Quá buồn, buổi tối đó tôi cảm hứng viết full ca khúc Đừng khóc một mình để tự an ủi: "Đừng khóc một mình Hùng ơi, vì những câu chuyện đâu ai hiểu được..."
Cũng trong tối đó, một anh đoàn phim Thiếu gia ở đợ gọi tôi hỏi: "Em có ca khúc nào không, bán cho anh đi". Tôi liền gửi bài Đừng khóc một mình, anh ấy khen hay, bảo tôi hát luôn vì ca khúc hợp giọng. Mọi chuyện chỉ diễn ra trong một ngày, sang hôm sau tôi chốt ký hợp đồng bán bài hát cho đoàn phim khoảng mười mấy triệu. Ca khúc còn lọt top 7 Zing MP3 nữa. Nhờ bài hát này tôi có tiền tiếp tục ở lại TP HCM. Tôi xem Đừng khóc một mình như tấm vé cứu cuộc đời mình.
- Năm 2020 anh nổi tiếng tại Thái Lan với ca khúc 'Dễ đến dễ đi', thành công này giúp tình hình tài chính của anh thay đổi ra sao?
- Khi ca khúc Dễ đến dễ đi được mọi người đón nhận, gia đình tôi gặp chuyện, bố mẹ kinh doanh thất bại, tôi phải chuẩn bị số tiền lớn để giúp gia đình. Tôi nghĩ nếu lúc đó không có Dễ đến dễ đi, chắc tôi stress lắm.
Với tôi, âm nhạc cứu tôi rất nhiều. Đó là năm 2021, ba mẹ tôi kinh doanh gặp rủi ro. Dịp Tết về Huế, tôi thấy bố buồn, bảo gia đình đang bị nợ, tôi hoang mang. Tôi nghĩ, tại sao ngay lúc mình có chút gì đó trong âm nhạc, công việc khởi sắc, gia đình lại gặp chuyện. Tôi chấp nhận dùng số tiền mình kiếm được từ ca khúc Dễ đến dễ đi giải quyết nợ nần cho gia đình. Rồi tôi gác lại tất cả, trở vào TP HCM tiếp tục với con số 0.
- Có được những thành quả đầu tiên ở Thái Lan, khiến anh bị gắn liền với danh xưng "con ghẻ quốc dân, con cưng quốc tế", anh nghĩ sao?
- Lúc đầu nghe cũng vui tai nhưng nghe nhiều tôi chạnh lòng. Dần dần điều này quá quen thuộc nên tôi thấy bình thường. Tôi chỉ muốn viết nhạc, làm sao tốt hơn để những khán giả chưa biết mình sẽ biết đến mình nhiều hơn.
- Trong sự nghiệp của mình, ngoài bị gán danh xưng không mong muốn, còn điều gì khiến anh ưu tư?
- Một điều lo lắng từ bên trong, có thời gian tôi phải đối diện với căn bệnh rối loạn thần kinh thực vật, khiến tôi phải suy nghĩ nhiều. Tôi không biết mình mắc bệnh này từ lúc nào, chỉ nhớ một ngày đẹp trời đi ra đường bỗng nhiên sợ mọi thứ, không dám gặp đám đông. Vào phòng thu tôi cũng bức bối, cầm mic lên hát là sợ.
Ngày xưa tôi làm nhạc cả ngày, bây giờ nghe nhạc hai tiếng tôi mệt. Đi hát karaoke với bạn bè 30 phút là không thở được. Tôi nghĩ nếu bệnh cứ tiếp diễn làm sao mình làm ca sĩ được. Đỉnh điểm đêm đó tôi mệt quá không chịu được phải nhập viện. Bác sĩ khuyên phải tạm dừng làm nhạc lại. Lý do mắc bệnh là vì tôi ở nhà làm nhạc quá nhiều, ít ra đường tiếp xúc mọi người, nó như bệnh trầm cảm. Bệnh này đôi khi người ta tưởng tôi giả vờ, sáng thấy tôi đang tươi cười, tối lại thấy tôi khác đi.
- Gia đình phản ứng như thế khi hay tin anh bệnh?
- Bố mẹ bảo tôi về lại Huế, không được đụng âm nhạc nữa, phải ăn uống nghỉ ngơi đúng giờ. Bố mẹ cũng hứa sẽ không đòi hỏi bất cứ điều gì ở tôi.
Tôi thử về Huế 10 ngày nhưng chán lắm, không đụng vào máy tính, piano là không chịu được nên bắt buộc tôi phải quay lại TP HCM làm nhạc. Tôi bảo với bố mẹ dù có mua thuốc tốt nhất, uống thứ bổ nhất trên đời, tôi cũng không khỏe lại được. Hãy để tôi thỏa mãn, thăng hoa đam mê, mặc dù có bị mệt tôi vẫn thích. Bố bảo tôi lì quá, đành cho tôi vào lại TP HCM.
- Làm cách nào để anh duy trì lửa đam mê không bị gián đoạn?
- Lửa đam mê của tôi không bị tắt, nó vẫn mãnh liệt, chỉ có bệnh rối loạn thần kinh thực vật khiến công việc gián đoạn. Tôi nhớ lúc đó cố gắng đi tập thể dục, thức dậy sớm, uống thuốc Bắc, thuốc Nam nhưng bệnh không bớt. Chỉ có khi trở vào Sài Gòn, phải đối mặt với nhiều áp lực thử thách, căn bệnh mới cải thiện. Tôi nghĩ có lẽ do tôi bị chai lì nên không còn sợ gì. Tôi biết cách tự an ủi bản thân, sau đó bệnh đỡ dần.
- Hiện tại tình hình sức khỏe anh ra sao?
- Bệnh của tôi cải thiện được 80% rồi. Đôi lúc vẫn hay sợ đám đông, lên sân khấu cũng có lo lắng nhưng không nhiều. Khi xưa tôi càng sợ, nỗi sợ càng tăng. Giờ tôi đối mặt luôn, tự an ủi mình, lúc đó nỗi sợ sẽ tự hạ xuống.
Bây giờ tôi không uống thuốc nữa mà tự điều trị bằng âm nhạc. Buổi tối đi ngủ tôi hay mở nhạc du dương cho đầu óc thoải mái. Vì đây là tâm bệnh nên tôi biết phải đẩy lùi từ tâm mình. Tôi quyết sẽ không để căn bệnh trồi lên một giây nào nữa.
- Thói quen làm việc thức khuya, giờ giấc không ổn định, ảnh hưởng gì đến bệnh của anh?
- Tôi thức khuya nhiều lắm. Tôi biết điều này không tốt cho sức khỏe. Có những ngày tôi cố gắng đi ngủ sớm nhưng công việc không cho phép, vì khi đã vào guồng bắt buộc phải hoàn thành, tôi không muốn trễ nải. Tuy nhiên tôi cố gắng điều chỉnh chế độ ăn, hạn chế dầu mỡ, đồ chiên để giữ giọng giúp hệ tiêu hóa khỏe hơn. Trộm vía tôi là người ăn không bao giờ mập, dù không thường xuyên tập thể dục. Trước kia tôi có tập gym với PT mà giờ bận hơn nên không tập được nữa.
- Cuộc sống và công việc anh thay đổi ra sao, sau dấu ấn tại chương trình 'Anh trai say hi'?
- Điều thay đổi lớn nhất là tôi đã nói chuyện nhiều hơn và tự tin giao tiếp. Trước giờ tôi sống rất low-key, hướng nội ít nói. Vào Anh trai say hi, tôi có nhiều tình cảm từ đồng nghiệp, nhờ đó tôi được học thêm kiến thức, kinh nghiệm âm nhạc của nhiều người, ví dụ như rap vì trước đó tôi chưa biết nhiều về rap.
Sau Anh trai say hi, tôi cũng không áp lực tài chính như xưa. Trước kia một tháng tôi chạy 2-3 show, giờ một tháng tôi chạy 20 show. Sau chương trình này tôi cảm thấy mình không còn là "con ghẻ quốc dân nữa". Anh trai say hi như cột mốc để tôi kết nối, gần gũi hơn với khán giả trong nước thông qua các sáng tác, tiết mục của mình.
- Áp lực lớn nhất hiện tại của anh là gì?
- Tôi áp lực làm sao để sáng tác nhiều ca khúc hay hơn nữa, đáp lại tình cảm khán giả. Điều tôi trăn trở nhất là muốn làm mình khác đi, sợ rập khuôn trong âm nhạc. Tôi mong sau này sẽ tổ chức được concert riêng, nhưng sắp tới tôi dự định phải cố gắng ra album để có đủ bài hát trong concert.
Ngô Sáng