Sau khi thỏa thích trải nghiệm khu phố đậm màu sắc tương lai Marina Bay - Civic District, diễn viên - travel blogger Quang Đại tiếp tục hành trình hoài niệm về những ngày thơ ấu qua các hoạt động đậm chất di sản và văn hóa của người Peranakan tại khu phố được mệnh danh "thiên đường ẩm thực" của đảo quốc sư tử.
Đồng hành cùng Quang Đại trong chuyến đi là anh Edmond, một người Peranakan sinh ra và lớn lên tại khu phố Katong - Joo Chiat, rất am hiểu về nền văn hóa này. Anh là ông chủ đời thứ ba của doanh nghiệp di sản nổi tiếng Kim Choo Kueh Chang.
Hành trình đưa travel blogger Việt Nam trải nghiệm khu phố thân thuộc khiến anh Edmond cảm thấy như được sống lại ký ức tuổi thơ. Đồng thời chuyến đi cũng khơi dậy cảm giác hoài niệm về những ngày thơ ấu trong Quang Đại.
Sống lại tuổi thơ với các món bánh truyền thống và bữa ăn gia đình
Cơ sở ẩm thực truyền thống Kim Choo Kueh Chang ra đời năm 1945, do bà của Edmond sáng lập với sứ mệnh bảo tồn văn hóa ẩm thực địa phương, bán rất nhiều loại bánh (kueh) Nyonya. Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trở thành Trung tâm Thông tin Du khách Singapore (Singapore Visitor Centre) tại đảo quốc.

Anh Edmond (phải) giới thiệu cho Quang Đại về ý nghĩa đằng sau những lớp bánh Lapis cầu vồng nhiều màu. Ảnh: Singapore Tourism Board
Các loại bánh (kueh) tại đây ngoài màu sắc bắt mắt còn có phần nhân đa dạng từ mặn đến ngọt và được nướng hoặc hấp trên lửa than theo cách truyền thống. Người Peranakan thường làm bánh này tại nhà. Mỗi gia đình sẽ có công thức, cách làm riêng và lưu truyền qua các thế hệ để giữ gìn di sản.
Du khách có thể ghé thăm Kim Choo Kueh Chang từ 9h-21h mỗi ngày tại số 111 East Coast Road để thưởng thức các loại bánh đa dạng và đặc trưng như bánh gạo Nyona, bánh Lapis cầu vồng, Ang Ku Kueh, Kueh Bingka Ubi, Kueh Bugis...
Ngoài được ăn món bánh với hương vị hoài niệm về tuổi thơ, bữa ăn gia đình quây quần bên mâm cơm nóng hổi, thơm ngon, vừa ăn vừa trò chuyện cũng là nét đặc trưng của những con người Peranakan.
Để trải nghiệm chân thực nhất bữa cơm ấm cúng của người Peranakan, anh Edmond đã đưa Quang Đại đến với Rumah Bebe. Căn shophouse (nhà ở kiêm cửa hàng) hai tầng này được xây dựng vào năm 1928, nổi bật trên con phố cổ với kiến trúc độc đáo đậm chất quý tộc của người Peranakan thời xưa. Nơi này hiện trưng bày đồ đạc, trang phục, giày dép, bao gồm cả bánh nyonya và các món ăn truyền thống khác của người Peranakan.
Cửa ra vào, cửa sổ, vách ngăn ở sảnh, lan can... đều làm bằng gỗ tự nhiên nguyên khối với các chi tiết chạm khắc thủ công, dát vàng tinh xảo. Đồ nội thất trong nhà cũng được tuyển chọn kỹ càng với lối bày trí trang nhã, pha lẫn giữa phong cách thoải mái, hiện đại và nét duyên dáng đậm hơi thở cổ xưa, mang lại cho du khách cảm giác như được sống trong lịch sử và văn hóa di sản của người Peranakan hoàng tộc.
Ngày nay, nhà hàng Nyonya Nosh@Rumah Bebe chuyên phục vụ các món ăn nhà làm thơm ngon, chế biến theo kiểu truyền thống. Toàn bộ quá trình từ bước sơ chế nguyên liệu đến nêm nếm, đầu bếp tại đây không sử dụng chất điều vị.
Rumah Bebe mở cửa từ 9h30-18h30 tại số 113 đường East Coast và nghỉ vào mỗi thứ Hai. Các món ăn đặc trưng thường được phục vụ tại đây: Ayam Buah Keluak, Kuah Bakwan Kepiting hoặc Nasi Ulam.
Họa tiết thủ công và tranh tường gợi nhớ ký ức đầy màu sắc thuở bé
Điểm đến tiếp theo anh Edmond đưa Quag Đại đến là nơi khiến nam travel blogger thích thú nhất trong ngày - cửa hàng chuyên bán trang phục của người Peranakan Rumah Kim Choo. Tại đây, nam diễn viên lần đầu được mặc thử trang phục truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng.
Các bộ váy áo Nonya kebaya tại cửa hàng là loại áo truyền thống thường được may bằng vải voan dệt, bề mặt trơn, chất liệu mỏng nhẹ với nhiều màu và sắc độ khác nhau. Áo này thường được trang trí bằng các họa tiết thêu gọi là sulam, tạo nên bằng sự kết hợp các mũi thêu như mũi đục lỗ, đột thưa, bó bạt và thùa khuyết.

Quang Đại thích thú ướm thử chiếc áo truyền thống của người Peranakan tại cửa hàng Rumah Kim Choo. Ảnh: Singapore Tourism Board
Du khách có thể đến Rumah Kim Choo ở số 111 đường East Coast từ 9h-21h hàng ngày để thử những trang phục truyền thống này. Bạn cũng có thể mua trang sức Peranakan, váy Nyonya Kebaya, những đôi hài đính cườm màu sắc rực rỡ... về làm quà cho bạn bè, người thân.
Tại khu phố độc đáo Katong - Joo Chiat, Quang Đại còn khám phá những địa điểm chụp ảnh rực rỡ sắc màu, được các tín đồ mê check-in "sống ảo" yêu thích. Bức tranh tường khiến Quang Đại mê mẩn nằm ở hẻm Medley, địa chỉ số 113 đường East Coast. Bức tranh tường thể hiện đôi cánh Mosaic mang tên Medley Alley của các họa sĩ Nicia Lam, Yullis Lam, Novena Angela và Valerie Neo luôn là điểm check-in yêu thích của du khách. Đôi cánh được ghép bằng những viên gạch Majolica, một loại gạch trang trí trong các căn shophouse của người Peranakan.

Hẻm Medley Alley với bức tranh tường nghệ thuật được vẽ bởi chính những họa sĩ người Peranakan cùng con phố Koon Seng với những căn nhà đầy màu sắc là một trong những điểm khiến Quang Đại mê mẩn nơi này. Ảnh: Singapore Tourism Board
Ngoài tranh tường, những căn shophouse đầy màu sắc nằm dọc theo phố Koon Seng, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Peranakan cũng mang lại cho khu phố diện mạo cổ điển pha lẫn hiện đại. Nơi đây được ví như một "viên ngọc quý" của đảo quốc, thu hút nhiều bạn trẻ đến check-in mỗi ngày.
"Tôi có thể đi dạo trên con phố Koon Seng cả ngày không chán.", Quang Đại chia sẻ.
Trở về thời thơ ấu sáng tạo với thế giới đồ cổ và âm nhạc
Điểm đến kế tiếp của hành trình quay về tuổi thơ của Edmond và Quang Đại là bộ sưu tập những món đồ cổ tại bảo tàng tư nhân Wee’s Collection ở số 512 đường Changi. Nơi đây mở cửa 24/7, chuyên mua, bán và cho thuê các mặt hàng cổ từ thời hậu chiến cho đến những năm 1970, bao gồm đồ gốm Penarakan, đĩa vinyl, sách cũ, tranh ảnh, thư từ, vật dụng tráng men, các loại đồng hồ cổ lẫn điện tử và biển báo.
Ngoài ra, một cửa hàng thú vị khác mà bạn có thể ghé thăm tại khu phố này đó là cửa hàng RetroCrates. Bạn sẽ tìm thấy bộ sưu tập đĩa than với những nhạc phẩm cổ điển thiên về analog tại đây. Cửa hàng mở cửa từ 12h-18h hằng ngày tại số 448A đường Joo Chiat, hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho những người có tâm hồn hoài cổ, yêu thích những bản nhạc jazz và giai điệu lãng mạn mà chúng mang lại.

Bộ sưu tập đĩa than tại RetroCrates khiến Quang Đại và Edmond mê mẩn. Ảnh: Singapore Tourism Board
Kết thúc một ngày khám phá phố Katong - Joo Chiat, Edmond và Quang Đại ghé vào quán bia craft Blue Smoke by The 1925 Brewing ở số 261 Joo Chiat. Quán mở cửa từ thứ Ba đến Chủ Nhật lúc 16h-24h; mở sớm lúc 12h các ngày thứ 6, 7, Chủ Nhật. Tại đây, chàng travel blogger lần đầu được thưởng thức các loại bia thủ công với hương vị đậm chất Peranakan, do chính người bản địa pha chế.
Với lịch trình gợi ý từ anh Edmond và Quang Đại, du khách sẽ có một ngày dạo chơi thú vị khắp khu phố Katong - Joo Chiat mang màu sắc rực rỡ này, thưởng thức ẩm thực đặc trưng, tìm hiểu văn hóa địa phương, có bộ hình lưu lại kỷ niệm ấn tượng và tìm thấy những món quà lưu niệm độc đáo... Lưu ngay những địa điểm tại khu phố này cho lịch trình vi vu đảo quốc sư tử sắp tới của bạn.
Quang Đại khám phá khu phố Katong - Joo Chiat đậm chất văn hóa Peranakan. Video: Singapore Tourism Board
Thy An