Bắt đầu với những gánh xiếc rong chuyên bán cao đơn hoàn tán thỉnh thoảng đậu lại nơi góc chợ, bãi đất trống ven đường và bày ra lắm trò kỳ lạ, hấp dẫn.
Khỏi phải nói các bà các cô đi chợ và nhất là lũ nhóc như tôi đã mê mẩn như thế nào khi xem các nhà ảo thuật đường phố trổ tài biến những xấp giấy loại thành xấp tiền mới toanh, nuốt quả bóng bàn rồi lấy ra đằng… tai, hoặc khiển những chú khỉ quần áo sặc sỡ diễn trò cưỡi xe đạp, gánh nước, đi học. Ớn lạnh nhất là những pha nuốt kiếm, nằm trên bàn chông dằn đá tảng lên bụng cho người quai búa tạ nện xuống… Nhưng mười lần như chục, cứ sắp đến pha hấp dẫn nhất thì các tay quản trò bắt đầu vòng vo câu giờ rồi chuyển sang quảng cáo đủ loại thuốc trên đời, từ kẹo xổ sán lãi, thuốc nhức răng, trật đả hoàn cho đến thuốc dưỡng thai hiệu Con Nai rồi.
Tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn… Họ rao rất nhuyễn, có bài bản vần điệu, lên bổng xuống trầm, nhịp theo tiếng trống, tiếng phèng la, như thể đang hát lối hay nói vè. Bọn nhóc chỉ cần nghe vài lần đã thuộc dù chẳng đứa nào biết Tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn là cái giống gì!
Sau này lớn lên, nhiều khi nhớ lại tôi không khỏi cười thầm: sao tài thế, mấy sư phụ ở gánh xiếc rong đã khéo biết áp dụng cái kiểu quảng cáo “câu giờ” lúc cao trào hấp dẫn, chẳng khác nào truyền hình thời hiện đại!
Cũng như gánh xiếc rong, những chiếc xe bán hàng lưu động kèm chiếu phim quảng cáo từng là niềm vui thích của tôi ngày xưa. Đâu từ nơi xa tít tắp, một năm vài lần, chiếc xe quảng cáo thuốc lá MIC hoặc Mélia lại đậu ở thị xã. Nơi bến xe vắng khách, buổi tối, mấy người phụ xe trèo lên trần xe, căng tấm vải trắng. Máy chiếu chạy sè sè, âm thanh ồm ồm, phim đen trắng nhiều vết xước dọc ngang, đôi khi lổ đổ những hạt trắng như mưa. Vậy mà bọn tôi cứ chăm chăm không rời mắt. Trước khi vào phim chính bao giờ cũng “khai vị” bằng đoạn phim ngắn quảng cáo, đại khái có một cô rất đẹp mặc váy, đội mũ lưới dắt lông chim cong cong, bàn tay thon dài cầm điếu thuốc rất điệu nghệ, đang ngồi vắt chân trên chiếc ghế cao ở quầy bar, có vẻ như chờ ai đó; lát sau anh chàng tới, mũ phớt đội hơi lệch, khuôn mặt điển trai với nụ cười hơi… đểu, nhón lấy bao thuốc trên bàn và lập tức… cận cảnh nhãn hiệu thuốc lá! Nhưng nhớ nhất vẫn là phim “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” chiếu sau đó, trong đó có đoạn các chàng ngự lâm so gươm với “phe nó”, đâm qua chém lại thế nào cuối cùng một chàng ngự lâm chém đứt… thắt lưng đối thủ làm hắn ta phải vội vã một tay túm lấy quần và lùi lại, loạng choạng rơi tòm xuống nước! Bà con được một trận cười thích chí.
Mới rồi, ngồi uống cà phê với một ông giám đốc rạp phim, nghe ông ấy tính chuyện bán giờ quảng cáo vào đầu buổi chiếu phim ở các rạp, tôi bỗng liên tưởng đến những buổi chiếu phim ngoài trời kèm quảng cáo của hãng thuốc lá MIC. Mấy mươi năm đã qua, ai dè chuyện cũ cũng chẳng khác mấy chuyện mới.
Bước vào thời đại sóng radio và truyền hình bắt đầu phủ các nơi thì quảng cáo đã thành một thứ kỹ nghệ, rầm rộ hơn và hiện đại hơn. Thỉnh thoảng mở radio nghe ca nhạc lại nghe luôn những đoạn quảng cáo kem đánh răng Hynos với “anh Bảy Chà da đen” hoặc xe gắn máy của hãng Suzuki mới sang… Lúc ấy tôi đã là học sinh trung học, thôi những trò nghịch ngợm trẻ con, thôi háo hức với những gánh xiếc rong… cho nên nghe thì rất thích, rất bái phục mấy tay làm quảng cáo giỏi, nhưng không còn mê mệt như thuở nhỏ. Nhưng lúc ấy lại có thế hệ nhỏ tuổi khác suốt ngày nghêu ngao những câu như: “Anh yêu em, anh yêu kem, anh yêu luôn anh Bảy Chà da đen!” hoặc “An toàn trên xa lộ, thanh lịch trên đường phố, tiện lợi khi vào ngõ hẹp”.
Ra vậy, hết lứa trẻ con này đến lứa khác, thế giới quảng cáo vẫn không thôi mê hoặc chúng. Giờ đây ở vào cái tuổi đã bắt đầu mệt mỏi với mọi thứ ồn ào, náo nhiệt, tôi lại chứng kiến cảnh đám nhóc tì “ăn quảng cáo, ngủ quảng cáo”. Có thằng cháu trai ba tuổi gọi tôi bằng bác mê quảng cáo trên ti vi đến nỗi chỉ chịu ăn cơm khi xem quảng cáo. Ba mẹ thằng nhóc bèn nghĩ ra một cách: nhờ người thu hết cả những đoạn phim quảng cáo mà nó thích và đến giờ cho ăn là mở vidéo cho cu cậu vừa xơi cơm vừa thưởng thức phim quảng cáo! Một thằng cháu khác mê quảng cáo không kém: cứ mỗi khi theo ba mẹ đi siêu thị là nó cứ nằng nặc đòi phải mua những món mà nó thích xem quảng cáo trên ti vi. Đem chuyện lũ cháu kể cho nhiều người nghe mới hay rằng rất nhiều đứa trẻ khác cũng “đồng điệu”.
Vậy đó, quảng cáo đã có từ xưa lắm rồi. Thế giới của những gì thuộc về quảng cáo tác động ghê gớm đến đầu óc của lũ trẻ và nó sống dai hơn ta tưởng. Giải thích như thế nào có lẽ là việc của các chuyên gia tâm lý. Còn tôi, tôi hiểu rằng, với trẻ con đầu óc trong sáng và hiếu động, những gì giàu màu sắc, rộn ràng, hài hước và kỳ lạ đều có sức cuốn hút mạnh mẽ. Và nó có thể trở thành những hồi ức thú vị, đáng nhớ hoặc ấn tượng khó phai, ấn tượng tốt lẫn xấu. Thành thử nếu có điều gì khiến nhà làm quảng cáo phải cẩn trọng thì đó chính là niềm tin và sự trong sáng của các em.
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)