Quảng cáo của OXY trong game PTV - Giành lại miền đất hứa. |
Các đại gia như Nokia, Microsoft, Motorola hay Sony trước đây vốn chỉ quen đưa thương hiệu của mình lên những tấm pa-nô quảng cáo lớn ở trung tâm đô thị thì nay đã phải chịu chi tiền chỉ để logo hay sản phẩm của mình xuất hiện trong các trò chơi. Vì họ biết rằng đây là một phương thức hết sức hiệu quả để có thể tiếp cận với người tiêu dùng và các công ty Việt Nam cũng không hề chậm chân trong xu hướng mới này.
Theo Giám đốc Trung tâm Game Online FPT Telecom Phạm Thành Đức, những thống kê cho thấy cách đây 2 năm, tổng trị giá quảng cáo trong game toàn cầu là chưa tới 100 triệu đôla một năm. Đến nay con số này đã lên 300 triệu và dự kiến đạt tới doanh số 1 tỷ đôla mỗi năm trong 4 năm tới.
Theo ông Đức, ở Việt Nam game online mới xuất hiện 1 năm, nhưng các nhà quảng cáo chớp lấy thời cơ để trở thành những người đầu tiên tấn công vào môi trường quảng cáo mới. Những khởi sắc gần đây trong hợp tác thương hiệu giữa các công ty lớn cho thấy nhiều hứa hẹn. Trong 3 tháng đầu năm 2006, doanh số quảng cáo của game PTV – Giành lại miền đất hứa đã là 500 triệu đồng. Ước tính trong năm nay, 2 game của FPT là MU VN – Xứng danh anh hùng và PTV – Giành lại miền đất hứa sẽ có riêng doanh số thu từ quảng cáo là 6 tỷ đồng. Ông Đức tỏ ra lạc quan nói: “Cộng đồng game online ngày một phát triển, dịch vụ quảng cáo trong game cũng sẽ trở thành điểm nhắm hấp dẫn của ngành quảng cáo”.
Game online = giải trí + thời sự. Phương trình này được các đại gia trong làng game online khai thác triệt để. Ở VN, hiện tượng này được các nhà phát hành tìm cách đưa vào game online vào mùa SEA Games năm 2005. Sau đó, không hẹn mà nên, trong game online xuất hiện rất nhiều các dịch vụ ăn theo để giữ chân khách hàng trong game. MU–Xứng danh anh hùng (www.muonline.vn) cập nhật liên tục tỷ số cho các game thủ đang chơi game vào giờ đá bóng. Võ lâm truyền kỳ tổ chức cá cược kết quả. Còn PTV- Giành lại miền đất hứa (www.ptv.com.vn) tổ chức tường thuật trực tiếp trận đấu trên màn hình game.
Ngay trong mùa SEA Games, khá nhiều game thủ tâm đắc với “dịch vụ gia tăng” của game là vừa chơi game mà vẫn được cập nhật đầy đủ tỷ số các trận đấu. Thị trường game càng màu mỡ, các thượng đế chơi game càng được chiều chuộng. Hầu như tất cả các ngày lễ tết, các game thủ đều được chăm sóc rất chu đáo. Game thủ PTV được lì xì tiền ảo mừng tuổi khi năm mới đến. Dịp Lễ Tình nhân, những nam game thủ MU VN được tạo điều kiện tối đa để trao trái tim tình yêu cho những nữ chiến binh xinh đẹp từng sát cánh chiến đấu bên mình. Hay đến ngày cá tháng tư (1/4), game thủ MU VN cũng bị nhà phát hành cho “ăn thịt lừa”...
Hay trong game âm nhạc Audition của Hãng Emotion.Inc (Hàn Quốc) xuất hiện chưa lâu và đang làm mưa làm gió ở nhiều nước, sân khấu nhạc đã chừa sẵn chỗ cho quảng cáo. Trên truyền hình, mỗi khi ống kính chĩa vào sân khấu giữa, một thương hiệu to đùng sẽ xuất hiện ngay dưới chân các ca sĩ, rất bắt mắt khán giả. Trên sân khấu Audition cũng vậy, ngay dưới chân game thủ, bất cứ thương hiệu nào cũng có thể xuất hiện và chỉ cần chi tiền cho nhà sản xuất.
Ông Đức cho rằng, sự phát triển của ngành quảng cáo trong game nói chung và game online nói riêng hoàn toàn đi theo những bước phát triển của truyền hình và báo chí trước đây. Đó là khi lượng độc giả, khán giả tăng cao, cơ hội đưa thông tin về sản phẩm, dịch vụ đến số đông người tiêu dùng cũng tăng cao.
(Theo Người Lao Động)