Mẫu điện thoại mới của hãng S. màu đen tuyền, vì vậy đội ngũ tiếp thị chạy rong cũng "chơi" trang phục tuyền màu đen. Xe Vespa có dán decal tên sản phẩm bên hông và phía trước xe. Anh chàng cầm lái mặc đồ đen. Cô gái ngồi sau mang đôi giày bốt đen, váy ngắn màu đen, áo lơ lửng màu đen, cầm một xấp quảng cáo cũng màu đen.
Phần trắng nổi bật đập vào mắt người đi đường là phần da eo lưng trống trải giữa váy và áo của cô gái. Và phần này cũng được tận dụng để quảng cáo. Nhà quảng cáo đã vẽ tên sản phẩm lên vùng nhạy cảm này.
Kiểu quảng cáo chạy xe trong ngoài đường không lạ với người dân thành phố. Sở VH-TT TP HCM cho rằng cách chạy trong ngoài đường này gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn giao thông nên không cấp phép hoạt động.
Dù vậy, hình thức quảng cáo này vẫn tồn tại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tận dụng kiểu quảng cáo này mà không thèm xin phép. Dù vậy, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý.
Theo Pháp lệnh Quảng cáo thì việc quảng cáo trên mọi phương tiện đều phải tuân thủ quy định về quảng cáo, phù hợp quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo đảm bảo mỹ quan đô thị, cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
Trong các văn bản hướng dẫn về "phương diện quảng cáo" đều đề cập đến "vật" như băng rôn, áp phích, xe đẩy, nón, túi xách và các quy định điều kiện cụ thể cho từng "vật". Tuy nhiên, không có quy định nào nhắc đến người, đặc biệt là người đẹp.
Bà Minh Thu Hương, Phó phòng Quản lý quảng cáo (Bộ Văn hóa thông tin) cho biết hiện chưa có quy định cụ thể điều chỉnh quảng cáo trên cơ thể. Theo bà, ngành quảng cáo phát triển rất nhanh, luật pháp có thể dự đoán, đón đầu xu hướng nhưng không thể bao quát từng chi tiết cho từng loại hình. Nếu một kiểu quảng cáo mới trở nên rầm rộ, gây ảnh hưởng lớn thì cơ quan quản lý mới ra văn bản điều chỉnh.
Theo bà Hương, tuy chưa có văn bản điều chỉnh cụ thể nhưng các quy định hiện hành đã yêu cầu doanh nghiệp phải xin phép khi thực hiện quảng cáo. Vì vậy, chưa xét về yếu tố mỹ quan, an toàn, phản cảm hay không thì riêng chuyện doanh nghiệp không xin phép, không thông báo đã là sai rồi. Khi doanh nghiệp thông báo, xin phép, cơ quan quản lý sẽ cân nhắc yếu tố mỹ quan, an toàn để cho phép thực hiện hay không.
Nếu doanh nghiệp xin phép quảng cáo loại hình này, 99% sẽ bị từ chối cấp phép. Các Sở VH-TT sẽ không cấp phép với lý do chưa thấy quy định cụ thể điều chỉnh nên không đủ căn cứ để cấp phép.
Điều này cũng giống trường hợp quảng cáo bằng cách chạy xe ngoài đường hay quảng cáo bằng màn hình di động. Trên thực tế, vì không có quy định cụ thể điều chỉnh việc cho phép hay không cho phép nên Sở VH-TT cứ cho rằng quảng cáo như vậy là thiếu an toàn, mất trật tự, gay phản cảm rồi "cắt" luôn.
Chính tình trạng trên dẫn đến việc doanh nghiệp muốn làm thì cứ làm chẳng cần xin phép. Cũng như việc chạy rong, việc vẽ lên người cũng nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau, gây nhiều cảm xúc khác nhau.
Anh P., người chứng kiến cảnh quảng cáo trên đường, cho biết ngay cả quần áo của cô cũng đã "có vấn đề". Vì vậy cô gái đã gây ấn tượng buộc anh phải chú ý, để rồi nhìn thấy tên sản phẩm được vẽ trên vùng nhạy cảm. Tuy nhiên, kích cỡ quần áo, màu sắc, rồi thêm vị trí "đặt quảng cáo" đã tạo nên sự phản cảm, không như nhiều đoàn xe chạy rong trước mà người đi đường từng thấy trên đường phố.
(Theo Pháp Luật TP HCM)