Chị Loan bên quán trà. |
18h, trời mưa phùn và giá rét. Dưới ánh đèn cao áp, dòng người tấp nập ngược xuôi. Tôi tấp xe vào vỉa hè đường Tôn Đức Thắng, đoạn giao với đường Đoàn Thị Điểm. Vài chục người đang ngồi quây quần bên hai quán trà cách nhau mấy bước chân.
Cũng vài bao thuốc lá, dăm phong kẹo lạc, phích nước sôi, bộ ấm chén, một số bàn ghế nhựa... giống như bao quán cóc khác ở đất Hà thành, thế nhưng hai quán nước này có điểm đặc biệt: chủ quán và đa phần khách hàng đều là những người câm điếc. Nơi đây từ lâu đã trở thành địa điểm để những người câm điếc tìm đến tâm sự, giãi bày, thêm niềm tin vào cuộc sống vốn đã không mấy vui vẻ vì sự khiếm khuyết của bản thân mỗi người...
Nhìn những cánh tay hoạt động hết công suất với hàng loạt động tác đẹp như múa, tôi chỉ biết họ đang "nói chuyện" với nhau rất sôi nổi về một chủ đề nào đó. Tôi dùng tay... gọi một một cốc trà nóng rồi bắt chuyện với mọi người. Không ai đáp lại lời tôi nói. Lấy cuốn sổ tay, viết mấy câu giao tiếp thông thường, tôi đưa cho từng người một.
Anh trai ngồi bên phải, chị gái ngồi bên trái... người thì móc trong túi ra tấm thẻ giao tiếp có ghi rõ ràng những dòng chữ: "Tôi là người câm điếc bẩm sinh. Tôi không biết chữ. Làm ơn nói to và đừng lấy tay che miệng..."; người thì khua tay, lắc đầu, ú ớ điều gì đó. Tôi cảm thấy lạc lõng vì "bất đồng ngôn ngữ".
Bất ngờ, chị chủ quán đưa tay cầm lấy cuốn sổ, chăm chú đọc rồi ra hiệu mượn tôi cái bút, viết lên giấy những dòng chữ thật đẹp, đúng chính tả và ngữ pháp: "Mình sẽ giúp bạn nói chuyện với mọi người. Bạn cứ đặt câu hỏi, mình hỏi mọi người rồi sẽ viết ra giấy câu trả lời".
Cả buổi tối, cuốn sổ được chuyển đi chuyển lại từ tay tôi qua tay chị chủ quán. Qua cuộc bút đàm, tôi "nghe" được những mẩu đối thoại rất đỗi đời thường nhưng ẩn sau đó là tình người sâu sắc. Đây là câu chuyện của hai thanh niên: "Hôm nay kiếm được nhiều không?". "Đứng mỏi chân, có 3 người thuê bốc hàng, được 50.000".
"Thế là ấm rồi còn gì!". "Chẳng thấm vào đâu cả. Cháu nó vẫn ốm nằm một chỗ, thuốc thang tốn kém lắm". "Cố mà chạy chữa cho nó nhưng đừng tham việc quá, lỡ ốm đau là cả nhà chết đói đấy". "Biết vậy nhưng vẫn phải nai lưng ra mà làm chứ". "Vài hôm nữa, dồn được 200.000, mày cầm tạm mà chi tiêu, lúc nào có đưa tao cũng được"...
Chị chủ quán năm nay 37 tuổi, tên là Nguyễn Quỳnh Loan (ngụ tại ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa). Vợ chồng chị Loan mở quán trà này từ năm 2003 sau khi họ tổ chức đám cưới được ít hôm. Anh Hải chồng chị Loan cũng là người bị điếc, nói ngọng nặng. Hai con người khuyết tật cùng nhau xây tổ ấm từ hai bàn tay trắng, sống qua ngày bằng quán nước trà nhỏ tại vỉa hè gần nhà.
"Ban đầu thưa khách lắm. Một số người ngồi xuống ghế, thấy hai đứa cứ khua tay múa chân, miệng nói không nên lời thì thở dài rồi bỏ đi. Cũng may, có những người thông cảm, thường lui tới uống chén nước, ăn cái kẹo lạc, hút điếu thuốc ủng hộ", chị Loan viết. Tình cờ có một người câm điếc ghé qua quán nước của vợ chồng Hải. Ba người nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Những buổi tối sau đó, người khách mới quen đều tới uống trà cùng với 3-4 người bạn cũng bị câm, điếc.
Người nọ giới thiệu người kia, dần dần quán nước của chị Loan trở thành điểm hẹn của những người câm điếc. Chỉ tay sang quán nước bên cạnh, chị Loan viết vào cuốn sổ tay: "Khách ngày một đông, chị Lâm ở bên kia cũng mở thêm quán bán nước để những người câm điếc có thêm "đất" để tâm tình". Chị Lâm và chồng cũng bị câm điếc bẩm sinh. Họ tự nguyện đến với nhau và đã có một cháu trai khỏe mạnh, lành lặn. Quán nước là nguồn sống của cả gia đình chị Lâm.
22h. Trời vẫn đổ mưa. Người uống trà lục tục kéo nhau ra về. Chị Loan thu dọn ấm chén. Anh Hải xếp ghế nhựa rồi chất lên xe chuẩn bị chở vợ về nhà. 18h ngày mai, quán trà người câm lại đỏ đèn, những cánh tay sẽ "nói" tiếp những câu chuyện đời thường...
(Theo Thanh Niên)