![]() |
Quán bán đàn vỉa hè của ông Tân. |
Quán của ông Tân bán đủ các nhạc cụ, từ guitar, sáo đến mandolin, từ bán buôn, bán lẻ đến dạy, sửa chữa đàn. Trước đây, khi làm nghề sửa xe đạp, có những lúc, ông thẫn thờ nhớ lại những buổi văn nghệ trong đoàn Văn công Quân khu bốn. Từ thời thiếu sinh quân đến lúc trở thành bộ đội, đi dọc bờ biển miền Trung, hễ ở đâu có văn nghệ là ông tham gia. Rồi ông quyết định bỏ sửa xe đạp chuyển sang bán guitar ở vỉa hè gần Đại học Bách khoa để có thể sống với đam mê của mình, sống để cho đỡ nhớ những ngày đã qua.
Nếu như tất cả các quán cóc vỉa hè với đủ các thành phần khách ngồi nhâm nhi cốc trà, tách cà phê, bàn đủ chuyện trên trời dưới đất thì quán ông độc nhất chỉ có sinh viên. Câu chuyện trong quán cóc này xoay quanh chuyện nhạc cụ, thanh âm, là sự cảm nhận, đồng điệu tâm hồn qua những bản nhạc. Có những lúc hứng lên, ông vừa đàn vừa hát, âm thanh ngân vang một góc phố.
Tuy chưa qua một trường lớp đào tạo bài bản nhưng nhờ cái tai âm nhạc cộng hưởng đam mê nên ông cũng biết chơi nhiều nhạc cụ dù có thứ chỉ biết sơ sơ. Lớp học “nghệ thuật” ngay trên vỉa hè, thày một ghế, trò một ghế. Thày bảo đến đâu, trò tập đến đó. Nguyễn Hoàng Nam, khoa Công nghệ, nói: “Vào trung tâm học đàn đắt lắm, học của bố vừa rẻ lại nhanh, chẳng cần sách vở. Bố chỉ cho tên dây, cung giữa các nốt, các gam cơ bản, vài cách đệm, hai ba hôm học một bài, về nhà tập lại. Giờ mình đã trở thành chủ trì khoản guitar trong phòng, trong những buổi sinh nhật hay đi chơi của lớp đấy”.
Nói là mở quán bán nhưng nhiều hôm, cả ngày ông không kiếm được xu nào. Gặp sinh viên thôi lại đành phục vụ riêng miễn phí. Sinh viên đến quán đủ tâm trạng, vui có, buồn có, rồi có khi túm năm tụm ba kéo đến nịnh ông chơi đàn. Nhiều người lần đầu đi qua, trông vào tưởng ông già và sinh viên không bình thường. Vào quán, "bố" đánh đàn, hát "con" nghe rồi lại cũng có khi "con" chơi "bố" ngồi thưởng thức. Bên cửa sổ kí túc, mấy "nàng" sinh viên cũng tranh thủ ngó ra nghe. Trong những sinh viên thường đến quán, ông nhớ nhất một cậu tên Hải, ra trường cách đây cũng phải 6-7 năm. “Lần ấy, chẳng hiểu nó có chuyện gì, tự nhiên nó đi mua rượu mời bố. Rồi tôi đánh bài “Thuyền và biển”, bài mà nó vẫn thỉnh thoảng cùng đứa bạn gái đến gạ tôi hát. Mặt cu cậu lúc ấy trông tâm trạng lắm. Chơi xong bài hát nó mới chia sẻ: “Con chia tay người yêu rồi”.
Chân bước chậm chạp dần nhưng ngày nào ông Tân cũng dọn hàng cóc này. Mười năm trôi qua, với ông Tân, cuộc sống quán cóc vỉa hè bên kí túc này là cả một miền kỷ niệm đầy ắp. Ông không nhớ nổi hết từng gương mặt sinh viên đến quán ông nghe đàn, chỉ biết sinh viên đã tặng cho ông cái tên thân thương là bố - bố guitar.
Đặc biệt không kém quán guitar là quán trà của những người câm ở vỉa hè đường Tôn Đức Thắng, đoạn giao với Đoàn Thị Điểm. 18h, khi ánh đèn cao áp hắt xuống, chị Nguyễn Quỳnh Loan, một người bị câm, chủ quán bắt đầu lỉnh kỉnh dọn quán trà đá. Nơi đây, tối tối, chiếc quán của chị trở thành điểm đến của không thể thiếu những thanh niên câm điếc đến tụ họp, bàn những câu chuyện đời thường.
20h, chiếc quán nhỏ ken đặc khách, hơn 20 người ngồi ấm cúng, không còn một chỗ. Không nói được, chị hồ hởi trao đổi với tôi qua tờ giấy và cây bút: “Ban đầu chỉ có một, hai người câm đến, rồi người nọ mách người kia, quán dần trở thành nơi tụ họp của những người đồng cảnh”.
Dưới ánh đèn, những cánh tay khua khua chỉ chỏ trông y như những nghệ sĩ xiếc. Khẩu ngữ không lời được hoạt động hết công suất bằng từng cử chỉ của ngón tay. Một thanh niên vừa bước tới quán lắc đầu, đưa lên 5 ngón tay ám thị. Chị chủ quán viết ra giấy cho tôi biết, anh thanh niên này nói hôm nay chỉ chở được 5 khách thôi, không tốt lắm. Anh tên Quân, chưa vợ, quê Hà Tây, ra Hà Nội làm nghề xe ôm đã được hai năm. Ở đây, người khỏe mạnh kiếm sống còn khó thế mà tháng nào anh cũng gửi tiền về phụ giúp bố mẹ già ở nhà. Cách đây ba tháng, mẹ anh bị ốm nặng, những người bạn câm quen nhau từ quán trà đá này bảo nhau giúp đỡ anh hơn 5 triệu về quê chữa bệnh cho mẹ.
Đa phần khách tới quán đều có hoàn cảnh khó khăn, và cùng bị câm điếc nên họ cũng dễ gần gũi, chia sẻ với nhau. Dù với họ, cuộc sống cơm áo gạo tiền như càng đè nặng lên đôi vai. Nhưng sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, có người cách xa hàng chục cây số nhưng vẫn không quên thói quen tìm đến quán nước để được san sẻ. Đó cũng là lý do mà quán cóc của trà đá của chị Loan chỉ 18h mới mở. Còn ban ngay, khách lại cùng với những công việc thường nhật của mình.
Hoàng, một thanh niên bị câm bẩm sinh, ở trọ một mình bên Gia Lâm, làm nghề chở hàng thuê nói: “Ngày nào, cũng làm việc mệt mỏi, nhưng mỗi tối không được đến quán, tôi cảm thấy bí bách như không được trở về nhà vậy”. Không chỉ đến trò chuyện, tâm sự mà mọi người đến đây còn giúp đỡ nhau trong công việc. Cũng từ quán này, Hoàng đã giới thiệu cho Nam, Tuân, Hải, những thanh niên câm điếc bẩm sinh chưa có việc, làm sang chợ Long Biên đẩy hàng thuê, mỗi đêm cũng kiếm được trăm nghìn.
Gần đây, những thanh niên con nhà khá giả Hà Nội nhưng cũng bị câm điếc cũng tìm đến quán để được chia sẻ. Họ “cập nhật” và bàn luận những thông tin thời sự như chuyện ông trùm khủng bố Bin Laden lại vừa xuất hiện, lũ lụt ở miền Trung hay tai nạn máy bay ở Thái Lan bị chết gần trăm người… Ngay đến câu chuyện phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, rồi người dân đổ xô đi mua mũ cũng được bàn tán… bằng tay rôm rả.
Duy Phương