Người Hà Nội có thú vui lâu đời là ăn quà chiều. Thời điểm bữa trưa vừa qua nhưng bữa tối chưa tới, người ta thường thòm thèm những món ăn quà vặt như chè, nộm, các loại bánh truyền thống. Đặc biệt trong tiết trời nóng nực gần 40 độ, các món chè thanh mát "chiếm sóng thị phần ăn uống" ở Hà Nội.
Trước đây, người thủ đô ưa chuộng những món cổ truyền như chè bưởi, chè sen nhãn hay các loại chè đỗ đen, đỗ đỏ nhưng hiện giới trẻ đổi gu thưởng thức sang những món chè được du nhập từ địa phương khác như chè dừa dầm Hải Phòng hay chè khúc bạch miền Nam.
Khoảng 10 năm trước, chè khúc bạch lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội với cửa hàng đầu tiên trên phố Hàng Tre, tạo nên cơn sốt, sau đó các quán "mọc lên như nấm" ở nhiều con phố. Sau thời gian hot trend, số lượng quán giảm đi, chỉ còn lại vài quán thực sự chất lượng. Một trong số đó là quán chè nằm trên phố Quang Trung, con phố trung tâm quy tụ nhiều hàng quán ăn uống.
Quán có thực đơn khá phong phú nhưng hầu như thực khách nào tới đây cũng gọi một bát chè khúc bạch trứ danh để thẩm định hương vị xem có ngon như lời đồn. Thực tế là phần lớn khách ăn đều dành lời khen cho món ăn bao năm không thay đổi chất lượng. Chè được đựng trong những chiếc bát sứ nông, hoa văn xanh lam, mang đậm phong cách Bắc bộ thời xưa.
Mỗi bát chè có khoảng hơn 15 viên khúc bạch với hai mùi vị chính là khúc bạch truyền thống và trà xanh. Viên chè được làm chuẩn nên không bị đặc cứng như thạch mà vẫn giữ được độ "núng nính", vị beo béo, ngầy ngậy mà không ngán. Viên trà xanh khá đậm vị. Mùa hè nhãn tươi, cùi giòn ngọt hơn. Nước đường chan lên chè có vị ngọt thanh, không quá gắt, thơm mùi lá nếp. Hạnh nhân thái lát được cho sau cùng để không bị ỉu. Hương vị ở đây được giảm ngọt nên ngay cả khi ăn không cũng đã vừa miệng, chưa cần bỏ đá.
Ngoài chè khúc bạch, quán còn có món sữa chua hoa quả cũng rất được ưa chuộng. Sữa chua nhà làm nên khá đặc, có cả vị phô mai, trộn kèm với hoa quả tươi của mùa hè, thêm một ít thạch và trân châu. Khi ăn, đảo đều các thành phần, cho thêm chút đá nếu thích. Món ăn vừa tươi ngon vừa giúp giảm cân, đẹp da. Chè khoai dẻo cũng nằm trong danh sách best seller. Tỷ lệ viên khoai dẻo khá nhiều, không bị độn thêm nhiều thạch, vị bùi bùi dẻo dẻo, đặc trưng của khoai.
Quán rất đông khách ngay cả vào mùa rét hay lúc trời nồm ẩm. Mùa hè, khách luôn ngồi kín từ trong nhà ra ngoài hiên. Shipper cũng xếp hàng nườm nượp để lấy chè. Tuy nhiên, do đông nhân viên nên khách không phải chờ lâu. Quán cũng nhận thanh toán quét mã nên rất tiện lợi cho khách hàng trẻ. Giá mỗi bát chè khoảng 30.000 trở lên, khá cao.
Điểm đặc biệt là khách tới đây không chỉ thưởng thức một món mà sẽ lạc vào "hợp tác xã" với ba quán gần nhau gồm chè, bánh tráng và thịt xiên nướng. Đây là combo hoàn hảo cho bữa quà chiều, vừa ăn lót dạ vừa ngắm phố xá.
Bánh tráng bé My từ lâu cũng rất nổi tiếng ở Hà Nội. Thực đơn gồm bánh tráng trộn, cuốn và nướng, luôn được bày vào mẹt tre dẹt hay rổ tre tạo hình con thuyền, lót lá chuối phía dưới và bày bánh lên trên. Kiểu bày biện này rất được thực khách ưa chuộng vì vừa đẹp để chụp hình, vừa bảo vệ môi trường.
Bên cạnh hàng chè khúc bạch còn có một quán thịt xiên nướng. Ở đây, thay vì để nguyên miếng thịt, chủ quán xay thịt rồi quấn vào que tre mới đem nướng giống nem thịt, ăn lạ miệng. Thông thường, thực khách có thể ngồi quán này và gọi đồ quán khác, ăn xong nhớ trả bát đĩa về đúng quán là được. Tuy nhiên, bạn nên hỏi lại nhân viên trước khi bê sang.
Bài và ảnh: Nguyên Chi