![]() |
Một quán “chạy” ở Hà Nội. |
Đông, SV năm 3 ĐH Luật, từng làm chân chạy bàn cho một trong số các quán ở ngay bên hồ Ngọc Khánh những 2 tháng giáp tết. Anh kể cho rất nhiều chuyện chạy của quán cóc lề đường.
Ngồi hóng gió tại một quán ở đây, mới có dịp quan sát cảnh nhộn nhịp của phố xá. Phía bên kia hồ là đường Nguyễn Chí Thanh đông người người và xe, phía trong thì không biết cơ man nào là đèn mờ giăng mắc. Chỉ có một đoạn vài trăm mét mà có đến mấy chục quán cà phê, giải khát và các dịch vụ giải trí. Quán lớn có, quán nhỏ có, sang trọng có, bình dân có... Mỗi quán một vẻ, nhưng cái chung nhất của các quán là đua nhau sắp xếp bàn ghế ra gần hồ. Mỗi quán vài bộ, chủ yếu là ghế nhựa. Đông giải thích là “để cho dễ chạy và nếu bị thu thì cũng đỡ tốn kém”.
Chứng kiến những lần chạy thường xuyên của quán xá thì phải kể đến con phố ăn đêm Nguyễn Quí Đức. Có cả trăm cái quán nhậu ở đây. Vỉa hè đối diện khu dân cư nhanh chóng tập trung vài chục cái quán chạy. Chỉ cần vài cân mực khô, cá chỉ vàng, xoài cóc cùng với quạt lò và chiếu cho thượng đế ngồi... thế là thành cái quán. Chính vì thế nên việc chạy cũng gọn nhẹ hơn nhiều. Cuốn chiếu lại, tất cả bỏ vào giỏ xách luôn đi, giống như người ta vẫn hay đi chợ vậy.
Hầu như tối nào công an cũng đánh ôtô đi dẹp, thu đồ nhưng cũng giống như đá ném ao bèo. Đâu lại vào đấy! Xe công an đi xong mọi thứ lại được bày ra như chưa hề có chuyện gì xảy ra trước đó ít phút!
Cổng phụ ĐH KHXH & NV lúc nào cũng đông SV dù trong hay ngoài giờ học. Đấy là bởi vì trước cổng “án ngữ” tới 5 cái quán cóc.
Theo tính toán của chị Đạt, một trong những chủ quán ở đó, tất cả bàn ghế, đồ đạc tính ra cũng chỉ có 500.000 đồng tiền vốn. Với bằng ấy thứ bỏ ra, ngày nào chị cũng thu về cả trăm nghìn tiền lãi. Chè đá, chè nóng, nhân trần, hạt dưa, bim bim... chỉ cần thế thôi là đáp ứng đầy đủ nhu cầu của SV trong giờ ra chơi và cả những người đến trường nhưng không thích học.
Không biết có phải vì chị Đạt nhớ tên đến 1/3 SV của trường không mà mỗi lần công an vào dẹp, tất cả khách lại giúp chị, mỗi người một ghế chạy tứ tung khắp nơi. Thế là công an đành phải bó tay. Tuy nhiên, đấy là câu chuyện của ngày trước. Bây giờ chị có cách khác hay hơn nhiều. Chỉ cần công an rẽ vào ngõ thôi, cách quán 200 mét là chị đã biết rồi. Có được điều đó là nhờ một hệ thống thông tin nhanh truyền miệng từ mấy người coi xe đầu ngõ.
Với những quán chạy bán hàng ăn đêm trên đường Xuân Thủy, việc chạy xem ra còn mệt nhọc hơn nhiều. PV Người Lao Động từng chứng kiến vụ chạy của một quán nhậu đối diện với ĐH Sư phạm I Hà Nội.
Bằng một thông tin nào đó, chủ quán biết trước 1 phút sau sẽ có đội công an an ninh đi dẹp trật tự. Thế là cả ông chủ và bà chủ người Thanh Hóa này tắt ngay điện, kéo bạt xuống, hô hào mọi người đứng nép vào một góc hoặc tránh ra sau nhà. Đội công an đi qua, thấy im lìm và không có động tĩnh gì, nghĩ là không có gì nên bỏ đi. Đợi một lúc, điện lại sáng, bếp lại hồng, người lại đông đúc, rượu lại cứ vào ba ra bảy như thường...
Thế nhưng, không phải bao giờ các quán chạy cũng “chạy” suôn sẻ. Sau khi bị bắt tại chỗ lấn chiếm lề đường, chủ quán lại van xin, lại hứa sẽ không tái phạm. Nhưng dân nhậu ai cũng hiểu rằng, đó là lời hứa của ngày hôm nay, còn ngày mai... ai mà biết được?