Các quán cà phê cần sa chật kín khách du lịch chỉ sau hơn một tháng Thái Lan dỡ bỏ lệnh cấm bán cần sa. Từng là quốc gia có luật nghiêm khắc với những ai buôn bán và sử dụng ma túy, năm 2018, Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa cần sa dùng cho mục đích y tế. Ngày 9/6/2022, người dân Thái Lan được phép trồng cây cần sa tại nhà, sau khi chính quyền nước này chính thức rút cây cần sa khỏi danh sách các chất ma túy bị cấm.
Theo quy định, cần sa chỉ được sản xuất và tiêu thụ cho mục đích y tế, không phải để giải trí, đồng thời chỉ cho phép chế phẩm có chứa ít hơn 0,2% tetrahydrocannabinol (hợp chất gây ảo giác chính). Ông Siripakorn Cheawsamoot, Phó thống đốc cơ quan du lịch quốc gia, cho biết: "Luật không bao gồm sử dụng cần sa để giải trí. Do đó, việc dùng chất này để xúc tiến du lịch tập trung vào khía cạnh y tế".
Quy định không thực sự rõ ràng tạo ra sự bùng nổ của các quán cà phê cần sa ở Thái Lan. Theo Mirror, quán cà phê cần sa RG420 khai trương tháng 7 ở Khao San - khu phố Tây nổi tiếng nhất Bangkok - trở nên đông khách. Đây được xem là cửa hàng đầu tiên ở xứ sở chùa vàng có phòng hút cần sa. Sau chưa đầy một tuần kinh doanh, Ong-ard Panyachatiraksa, người điều hành cửa hàng, cho biết mỗi ngày cơ sở kinh doanh của mình đón tiếp hàng trăm khách. Người này đang dự định mở thêm nhiều chi nhánh khác. Chia sẻ với Reuters, anh này nhận xét, cần sa và du lịch là một "cặp bài trùng".
Chủ sở hữu Carl Lamb của quán Chi Bar ở Koh Samui cho hay nhiều du khách gọi điện tới đây để xác nhận xem có đúng là được phép hút cần sa ở Thái Lan hay không. Một số khách đã đặt phòng cho đêm Giáng sinh. Quán bar này cung cấp thực đơn pha chế CBD (hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong cây cần sa), thậm chí còn bán công khai cần sa có nồng độ cao theo gram và các khớp cuộn sẵn.
Quy định này ra đời trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến Thái Lan sụt giảm mạnh sau dịch. Nửa đầu năm 2022, quốc gia này mới chỉ đón hai triệu du khách, đối lập với con số kỷ lục 40 triệu khách vào năm 2019. Doanh thu từ ngành du lịch đóng góp khoảng 12% GDP của Thái Lan ở thời điểm trước đại dịch. Do đó, các chủ cơ sở kinh doanh nhận xét đây là một động thái "cứu" ngành du lịch.
Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan không khuyến khích du khách đến xứ chùa vàng chỉ để hút loại chất cấm này. Ngày 17/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul trả lời: "Chúng tôi không chào đón kiểu du khách đó", khi được hỏi về việc khách du lịch nước ngoài sử dụng cần sa để giải trí.
Cảnh sát sẽ không bắt giữ người hút cần sa tại nhà vì mục đích y tế hay sức khỏe. Tuy nhiên, nếu hút cần sa tại các khu vực công cộng và gây rối, họ có thể bị buộc tội vì gây ra "mùi khó chịu" với mức phạt 25.000 baht (16 triệu đồng) cùng ba tháng tù. Ngoài ra, người dưới 20 tuổi cũng không được phép sử dụng.
Đạo luật hoàn chỉnh về việc sử dụng cần sa đang được quốc hội Thái Lan thảo luận, dự kiến hoàn thành vào tháng sau và có thể ảnh hưởng tới các cơ sở kinh doanh cần sa cho du khách. Akira Wongwan, một cố vấn của ủy ban quốc hội, đồng thời cũng là một nhà kinh doanh cần sa y tế, mong muốn luật về việc sử dụng chất này trong giải trí cần được phân theo từng vùng.