Cách hồ Xuân Hương khoảng 6 km, đồi Dã Chiến là điểm ngắm toàn cảnh thành phố in dấu chân của nhiều phượt thủ bởi ngoài vị trí lý tưởng, giúp bạn chụp đủ kiểu ảnh "sống ảo" mang đậm nét Đà Lạt thì khu vực này có không ít quán ăn, tiệm cà phê phong cách chất lừ. Trong đó, quán Dã Chiến khá có tiếng, được đặt theo tên ngọn đồi, chuyên bán các món bò, là một trong những điểm đến quen thuộc của dân du lịch bụi. Quán nằm ngay mặt tiền đường Quang Trung, rất dễ tìm.
Hoạt động hơn 7 năm nay với kiểu xây dựng đơn giản như những quán nhậu bình dân, không có gì đặc sắc, nhưng Dã Chiến luôn đông khách vào giờ cơm trưa hoặc tối dù không gần trung tâm thành phố, bởi món ăn hợp khẩu vị nhiều người. Thỉnh thoảng quán hết bàn, bạn phải chờ lâu mới tới lượt. Nhờ tọa lạc trên đồi mà quán có không gian mở phía sau nhìn xuống thung lũng, rừng thông, cũng là chỗ ngồi được nhiều thực khách lựa chọn vì khá thoáng. Các vị trí bàn còn lại trong quán thì hơi tối do thiếu ánh sáng, đồng thời không gian bị bí do khói nướng từ bếp than tỏa ra nhiều, dễ ám mùi gây khó chịu.
Quán phục vụ nhiều món nướng và lẩu từ bò. Thực đơn phong phú gồm nạm bò, gân bò, nhũ bò, pín bò, phèo... Trong đó món đinh phải kể đến là bò tơ 10 món chiếm trọn cảm tình của thực khách, nhất là cánh đàn ông. Chủ quán chia sẻ, thịt bò được lấy từ một mối quen, nuôi kiểu chăn thả nên thịt ngon hơn so với thịt bò nuôi công nghiệp. Khách chọn món tùy theo khẩu phần. Giá từ 150.000 đến 400.000 đồng/phần, đắt nhất là pín bò tiềm thuốc bắc.
Thịt bò tơ mềm, thái thành từng khối sau đó ướp kỹ trong nhiều giờ cho thấm. Đầu bếp kết hợp các loại gia vị với nhau theo công thức riêng, ướp khéo léo nên dù trình bày không mấy đẹp mắt vẫn có thể làm nhiều thực khách thích mê. Khi ăn, bạn tự nướng bằng lò đất than hồng. Miếng thịt thấm vị đậm đà, chấm với muối ớt xanh hoặc ăn không đều ổn. Lưu ý không nên nướng quá lâu hoặc để nguội, thịt sẽ bị dai. Nướng tới đâu ăn tới đó để thưởng thức trọn vẹn hương vị của nó. Mỗi đĩa thịt giá 200.000 đồng, kèm vài miếng đậu bắp và đĩa rau thơm ăn chung cho đỡ ngấy.
Lẩu bò Dã Chiến được xem là món đặc trưng ở đây. Đa phần khách ghé quán đều gọi một phần có giá 300.000 đồng, vừa đủ 3 - 5 người ăn no nê. Lẩu nấu trong nồi nhôm, đặt trên bếp cồn. Vị nước lẩu ngọt thanh, đậm đà chính là thứ ghi điểm đầu tiên đối với thực khách. Nước lẩu hầm xương, nấu chung vài loại nấm, có một lớp váng dầu nhưng không quá béo. Phần cái gồm thịt bò, nạm bò, gân bò... hầm mềm dễ ăn.
Ở quán có một kiểu ăn lẩu khiến nhiều người thích thú là khách tự làm trứng gà ta lòng đào. Thực khách gọi riêng một đĩa trứng gà ta khoảng 10 - 20 trứng còn sống. Đợi nước lẩu sôi thì từ từ thả nguyên quả trứng vào, chờ khoảng 3 - 5 phút tùy bạn muốn ăn chín vừa hay sống. Sau đó vớt ra, đập nhẹ đầu, bạn húp trọn vị béo ngậy của trứng gà hoặc dùng chung với nước lẩu tăng vị béo. Lẩu ăn kèm vài loại rau như mồng tơi, rau cải, rau má và bún tươi hay mì gói.
Địa chỉ này thích hợp dành cho cánh đàn ông và nhóm bạn trẻ tụ tập hơn là họp gia đình hay hẹn hò lãng mạn bởi bên trong quán rất ồn, khó trò chuyện. Tuy nhiên nếu bạn muốn tìm một điểm dùng bữa trên đường đi đồi chè Cầu Đất hay Trại Mát thì đây là gợi ý không tồi. Tầm chiều tà, nhiệt độ trên phố núi giảm thì còn gì hợp lý hơn khi ngồi xì xụp húp nước lẩu ấm bụng, nhâm nhi miếng thịt bò tơ mềm nhai đã miệng trong tiết trời se lạnh, lại được ngắm cảnh núi rừng. Điểm trừ là đôi lúc quán quá đông, phục vụ chậm khiến khách phải chờ lâu mới có món.
Bài và ảnh Vi Yến