Thời tiết rét ẩm ở Hà Nội khiến nhiều người ngại ra đường vì di chuyển vất vả. Nhưng chính những khi trời đất ẩm ương, các món ăn ấm nóng dường như ngon hơn. Những quán hàng vỉa hè nơi góc phố cổ cũng đông khách hơn ngày thường. Quán bánh chuối bánh khoai ở ngã tư Hàng Điếu - Bát Đàn những ngày này cũng đón lượng khách tấp nập ra vào, từ khi mở cửa lúc 14h tới khi đóng lúc 21-22h, đôi khi ùn tắc một đoạn đường.
Quán chỉ bán hai loại là bánh chuối và bánh khoai chiên, có tuổi đời hơn 30 năm, trở thành địa chỉ ăn uống bình dân quen thuộc của người dân thủ đô. Bánh chuối không phải món độc quyền hay hiếm gặp nhưng nhiều người vẫn thích tìm tới địa chỉ đầu phố Hàng Điếu vì đã quen vị xưa. Theo chủ quán, chỉ cần nhiệt độ xuống dưới 25 độ là quán sẽ đông hơn hẳn bình thường vì món ăn hợp trời lạnh. Nhưng ngay cả trong những ngày nắng, quán vẫn có lượng khách ổn định.
Không gian nhỏ, lượng khách đông nhưng quy trình chế biến nhanh gọn nên khách không phải chờ quá lâu. Chỉ có ba người làm hàng, trong đó có vợ chồng chủ quán. Bà Nga cán chuối, thả vào chậu bột còn ông Thành, chồng bà, là người trực tiếp rán chuối trong chảo mỡ, ngoài ra còn có người phụ giúp thu tiền, đưa đồ cho khách.
Bánh chuối ở đây là loại chiên dài đúng kiểu truyền thống, gợi nhớ món ăn thời bao cấp. Chủ quán tiết lộ ông bà phải dùng tới 7 loại bột chứ một loại không đủ làm nên hương vị níu chân thực khách, trong đó có bột nếp, bột mì, bột gạo, dùng men chứ không dùng bột nở nên khi ăn sẽ không thấy mùi bột nở át đi hương vị chuối. Chuối được bóc vỏ sẵn, sau đó cho vào miếng nilon, cán dẹt bằng thanh gỗ lim. "Mặt bàn" để ép chuối cũng là chiếc ghế gỗ lim gia truyền chắc chắn. Sau khi chiên sơ qua, bánh được cho vào khay để ráo bớt mỡ, rồi tiếp tục cho qua chảo lần hai cho nóng và giòn hơn. Điểm đặc biệt là quán không dùng dầu ăn mà sử dụng mỡ gà tự rán nên hương vị đặc biệt.
Miếng bánh chuối có lớp vỏ rất giòn nhưng không bị cứng, bên trong là lớp bột dẻo dẻo. Chuối không phải loại ngọt gắt mà vẫn còn vị chua chua ngọt ngọt, ăn không ngấy. Tuy nhiên, không nên ăn ngay sau khi vừa rán mà để một lúc cho nguội bớt một chút, ăn sẽ ngon hơn. Nhiều người còn mua bánh chuối về để tủ lạnh, khi nào ăn thì cho vào nồi chiên không dầu làm nóng lại, hương vị cũng khá ngon. Còn nếu mua mang về, chủ quán khuyên không nên buộc miệng túi mà để mở, về tới nhà bánh vẫn giòn vỏ, không bị ỉu.
Ngoài bánh chuối, quán còn bán cả bánh khoai nhưng phần nhân cũng độc đáo hơn nơi khác. Thay vì làm khoai thái sợi, ông Thành và vợ thái khoai thành lát to, xếp thành hình tam giác, ở giữa kẹp vài miếng chuối, rắc chút vừng rồi mới chiên. Khách yêu cầu bánh khoai không ông bà cũng không bán vì khoai thái lát khó chín hơn khoai sợi vì miếng to, phải thêm chuối vào giữa mới có khoảng hở để chín dễ dàng hơn. Bánh khoai cũng có vị giòn xốp, thơm mùi khoai lang và vừng, vị ngọt của cả khoai và chuối giúp xua tan cái lạnh mùa đông Hà Nội.
Quán không có chỗ ngồi với bàn ghế cố định vì đặc thù của món ăn này là mua mang đi, thi thoảng mới có người ngồi lại trên những chiếc ghế nhựa, nép vào lề đường, quây quanh chảo dầu nóng hổi, ngắm đường phố hối hả qua lại ngày cuối năm. Tuy nhiên, chỗ để xe hạn chế, đi ôtô sẽ phải đậu khá xa nên phần lớn khách mua mang đi.
Hàng bánh chuối nằm sát hàng thịt xiên nướng và bánh mì, tạo thành tổ hợp ẩm thực nho nhỏ cho góc phố. Khách tới đây mua hàng không chỉ có người dân phố, còn có khá đông khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều khách Tây không biết món ăn này nhưng đi ngang qua thấy chủ quán rán bánh trong chảo thì tò mò dừng lại hỏi thăm và mua ăn thử. Giá một chiếc bánh khá rẻ, khoảng 10.000 đồng một chiếc, thích hợp cho bữa xế chiều ngày lạnh.
Bài và ảnh: Nguyên Chi