Những ngày qua, cộng đồng từ khắp mọi miền đất nước đều chung tay san sẻ khó khăn với những nạn nhân trận lũ lụt vùng cao. Bên cạnh những lời động viên còn có cả những món quà như: quần áo, thực phẩm, nước sạch… được gửi đi. Thế nhưng, những chuyến xe chở những món quà từ thiện, điển hình là quần áo khi đến nơi dường như không được hoan nghênh. Điển hình như câu chuyện được đăng tải mới đây về hàng trăm bộ quần áo cũ được chuyển lên xã Lao Chải, Mù Cang Chải nhưng đồng bào nơi đây không mấy mặn mà.
"Quần áo miền xuôi không hợp với người vùng cao mình rồi. Hình ảnh được ghi lại tại một bản vùng đang được cứu trợ. Đừng mang quần áo cũ lên bản nhé mọi người. Phong tục của một số tộc người, họ không mặc lại quần áo cũ của người khác đâu", chia sẻ viết.
Bức ảnh sau khi được đăng tải đã gây chú ý và nhận về nhiều lượt chia sẻ từ các diễn đàn, đã có nhiều tranh cãi xảy ra. Tài khoản Hoang Le Nguyen cho hay: "Người ta đổ đống nên nhìn tưởng như là rác miễn phí nhưng ai đã thử sờ tận tay thấy tận mắt chưa? Đã gọi từ thiện là tùy tâm và đều quý, chứ đừng nhìn đổ đống như vậy rồi sỉ nhục những người đã quyên góp". "Nhìn mà chán nhể. Mất bao nhiêu công sức để mang lên cho trẻ con có áo ấm mặc mà nhìn họ vứt đi thế này cảm thấy khá thất vọng", Facebooker Việt Dũng bày tỏ.
"Nhìn cảm thấy tự ái quá, người ta có lòng mà lại như vậy. Đổ đống nhìn như một bãi rác, mất công thật ấy", tài khoản Minh Nhâm cũng viết.
Nhưng có những ý kiến lại tỏ ra khá gay gắt, cho rằng "của cho không bằng cách cho", chê trách việc làm tự thiện không đúng cách. "Của cho không bằng cách cho. Đâu phải thứ gì gắn tem "từ thiện" là đem cho được. Cho quần áo cũ khác gì đổ rác miễn phí, giờ dưới phố đổ rác còn tốn tiền nữa. Những hành vi từ thiện kiểu bầy đàn a dua, theo phong trào cần phải dừng lại ngay", tài khoản Long Long bình luận. "Muốn đi từ thiện mà không đi thực địa thì lại chẳng như vậy, không phải cứ cho là sẽ có người nhận", Facebooker HSC cho hay.
Ngoài ra nhiều quan điểm bày tỏ sự thông cảm. "Dân tộc chỗ em họ cũng không lấy quần áo chị ạ. Đi dạy học thấy trẻ con cứ cởi truồng, rét căm căm mà không mặc gì, lại chân đất. Mình đi xin quần áo và mang quần áo con mình xuống cho mà nó không lấy. Mặc vào nó cởi ra", Facebooker Hiền Nguyễn Thị chia sẻ. "Cứ theo phong tục thì chết đói chết khát mất. Có lẽ cần chọn lọc quần áo cẩn thận, cái gì có thể mặc thì mang lên còn không mặc được hoặc không hợp thì sẽ bỏ lại. Mang đến nên bỏ ra cho mọi người chọn, thích thứ gì lấy chứ không phân phát", một Facebooker cho ý kiến.
Ying Ying