“Cháo me cá của bác đây”, nhân viên phục vụ không cần khách gọi vẫn bưng đến đúng người. Đó là bàn số 21, nơi có người khách to béo quá cỡ đang ngồi. Chừng 30 bàn ăn thì đến một nửa là khách quen, không cần gọi món ăn nhưng phục vụ vẫn biết để mang lại. Đó là một quán ăn dinh dưỡng, khách đến đây ăn là cốt để trị bệnh. TP HCM hiện có hàng chục quán ăn như vậy.
Đến quán H20, số 216 Pasteur, quận 3, để thưởng thức những món ăn dinh dưỡng trị bệnh theo lời giới thiệu của một người bạn. 10h30, chưa phải lúc để dùng bữa trưa, cũng không còn sớm để điểm tâm sáng nhưng khách thì đông lắm.
Bị căng thẳng và mệt mỏi, tôi không biết nên chọn món ăn nào cho phù hợp. Đang lúc bối rối, một cô gái có cái mũ của cô tiên xanh tiến lại. Bàn bên cạnh có 2 “khách lạ”. Cơ thể suy nhược của người khách bàn bên được nhân viên giới thiệu món cháo lá dứa cua với công dụng bổ khí huyết. Giọng cô gái giới thiệu món ăn khá thuyết phục: “Lượng calo của một bát cháo loại này vừa đủ 280, không quá nhiều đối với tình trạng sức khỏe của chị”. Thực đơn của quán này cũng có nét riêng, dưới mỗi món ăn có ghi hàm lượng calo mà món đó cung cấp. Lướt qua những món ăn chống suy nhược cơ thể, từ 200 calo đến 360 calo, tôi chọn miến cua hồng sâm với giá 25.000 đồng/bát.
Màu vàng nhạt của bát miến cua hồng sâm thêm vào mấy hạt tiêu lắc rắc trông thật ngon mắt. Những miếng thịt cua trắng vàng, lại cả những sợi sâm màu đất, nhìn đã muốn ăn. Cho vào miệng, vị sâm nhân nhẩn đắng tan đều trong miệng. Không quen với món ăn đắng nhưng vị đắng này thật khác..., có cái gì ngòn ngọt sau mỗi lần nuốt. Bên kia, người khách to béo đang ăn một bát cháo me cua nóng hổi. Cạnh đó, một người phụ nữ mang thai ăn ngon lành bát súp cua nhân sâm. Sau bát miến cua hồng nhân sâm, người tôi tỉnh ra, khỏe hẳn. Tiết trời hơi se lạnh của Sài Gòn mùa mưa hình như đã ấm lên. Có lẽ, người đàn ông bên cạnh nói đúng: Khỏe thì việc gì cũng thấy bình thường.
TP HCM hiện có hàng chục quán ăn dinh dưỡng, phục vụ nhu cầu ăn kiêng để giữ gìn sức khỏe của các loại khách hàng. Ở quận 1, người ta có thể đến quán Nhà Đỏ, số 2 Nguyễn Huệ. Về quận Tân Bình, lại có Nhà hàng Dinh dưỡng, số 193 Bành Văn Trân; quận 3 lại thêm Boco’s... Mỗi quán có một cách bày trí và những thực đơn cũng khác nhau. Ở Nhà hàng Dinh dưỡng số 193 Bành Văn Trân, ngoài những bàn ghế thông thường, còn có một phòng dành cho các bé vừa ăn, vừa chơi. Chị Nguyễn Thảo Vy, nhân viên phục vụ, cho biết: “Ngoài thức ăn thay đổi để chữa chứng biếng ăn của trẻ, chúng tôi còn sắm những đồ chơi này để tạo niềm vui cho các bé khi đến đây”. Đến Nhà Đỏ, bên cạnh thức ăn hỗ trợ chữa bệnh, khách còn được tư vấn loại nước uống phù hợp...
Anh Trần Tự Cường, một người cân nặng 87 kg, cao 1,69 mét, khách hàng của quán Boco’s, số 158 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, kể với PV Người Lao Động: “Tôi bị dư cân và đang điều trị bệnh cao huyết áp. Thực đơn của tôi là những món nhiều chất xơ, ít chất béo. Ở quán này, tôi có thể nói về tình trạng sức khỏe của mình và chọn món ăn phù hợp”. Chị Phạm Thanh Thủy là khách thường xuyên của các quán dinh dưỡng. Chị biết món ăn nào tốt và cần thiết cho những người muốn chữa loại bệnh nào.
Khâu chế biến ở đây không như ở những quán ăn thông thường khác. Người chủ phải biết lượng calo cần thiết cho những loại bệnh cụ thể. Đối với bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, phải dùng những món ăn ít năng lượng, nhiều chất xơ. Với những người bệnh này, họ khuyên dùng thêm món ăn chế biến từ cá biển. Với trẻ em cần phát triển chiều cao thì có bê cốt lết bít tết, tôm xốt nấm đông cô, xà lách phô mai... Điều đặc biệt là những món ăn này được chủ quán cẩn thận nêm nếm gia vị khi khách hàng có yêu cầu.