- Vợ chồng anh vất vả thế nào khi nuôi dạy 5 người con ở Mỹ?
- Nuôi con trên đất Mỹ thì muôn vàn vất vả. Vậy nên đa số người ta chỉ dám sinh 2-3 đứa. Chi phí nuôi con thực ra không tốn kém nhưng đòi hỏi rất nhiều thời gian và trách nhiệm. Ở đây, bố mẹ không được để trẻ dưới 11 tuổi ở nhà mà không bố trí người giám sát. Việc ăn uống, đi lại của các bé đều phải do cha mẹ quản lý. Như tôi, ngày nào cũng tất bật từ sáng đến tối mới xong việc. Ngoài học ở trường, tôi còn cho các con học bơi, võ thuật, múa hát... Riêng việc đưa đón chúng cũng hết ngày. Chưa kể đi chợ, nấu ăn, dọn nhà và chăm sóc y tế cho các con như: khám sức khỏe định kỳ, khám răng, làm giấy tờ bảo hiểm...
Nhiều lúc, tôi nghĩ mình không thể chống đỡ nổi và chỉ muốn bay về Việt Nam ngay tức khắc. Nhưng nhớ lại ngày đầu quyết tâm bỏ cả sự nghiệp để sang vì các con, tôi cố gắng nhẫn nại. Tôi chỉ mong thời gian trôi nhanh, các cháu chóng lớn sẽ bớt vất vả.
- Anh chịu áp lực ra sao khi gồng gánh cuộc sống của gia đình bảy thành viên nhưng hai năm qua không có thu nhập do dịch bệnh?
- Tôi xác định qua bên này định cư thì cũng đã sắp xếp và chuẩn bị tài chính. Bao năm qua, tôi chăm chỉ đi hát mà không ăn chơi, chỉ có sở thích sắm đồ hiệu. Nhờ vậy, tôi tích lũy được số tiền rất tốt, đủ để nuôi các con khôn lớn và lo cho hai vợ chồng cuộc sống an nhàn khi về già. Bây giờ, chuyện kinh tế thì tôi không bận tâm, chỉ ngoại trừ những biến cố quá lớn.
- Khối tài sản của anh lớn cỡ nào mà đủ sống dư dả đến cuối đời?
- Tôi có tiền tiết kiệm, một số bất động sản ở Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra tôi vẫn làm việc nếu dịch bệnh lắng xuống, vì tôi rất yêu nghề.
Hồi mới nổi tiếng, tôi đắt show lắm nên tích lũy được một khoản nhưng không biết làm gì thì đi mua đất. Tính tôi lo xa nên lúc có con lại lo xa hơn, càng cố gắng làm lụng để tậu cho mỗi đứa một căn nhà. Sau này, điều lo xa ấy đã vô tình mang cho tôi thành công. Những ngôi nhà và đất mà tôi mua đều tăng giá 7-8 lần ở hiện tại.
Qua Mỹ cũng vậy, tôi mua một căn nhà từ 16 năm trước giá 500 nghìn USD, hiện tại là tầm 750 nghìn USD (khoảng 17 tỷ đồng). Tôi cho thuê căn nhà ấy để phụ thêm vào sinh hoạt phí của gia đình.
- Mỗi tháng, gia đình anh chi dùng hết bao nhiêu tiền?
- Không dưới 10 nghìn USD (230 triệu đồng), đấy là toàn bộ học phí, y tế của các con đã được chính phủ hỗ trợ.
- Anh chia sẻ lúc ở Việt Nam có sở thích sắm hàng hiệu. Thú vui ấy được thay đổi thế nào khi qua Mỹ?
- Tôi dạo này bớt yêu hàng hiệu rồi, có lẽ vì đã già. Gần đây, tôi chẳng mua thêm món đồ nào còn trước đó thì lâu lâu mới chọn một thứ mà mình thích nhất. Đổi lại, vợ tôi bắt đầu đam mê túi xách. Cô ấy "nghiện" những chiếc túi đắt đỏ nên tôi phải nhường phần tiêu xài của mình. Nếu cả hai chúng tôi cùng thay nhau shopping, chắc sớm muộn các con cũng đói. (cười)
Tôi nói đùa vậy thôi chứ không phiền lòng trước sở thích mua sắm của vợ. Phụ nữ đa phần đều thích ăn diện và sắm sửa, nhất là khi kinh tế ổn định. Tôi nghĩ đơn giản rằng cuộc sống này rất ngắn nên nếu làm ra được tiền thì phải biết hưởng thụ chứ không nên trở thành nô lệ của nó. Vì thế, vấn đề chi tiêu của bà xã tôi không tiếc, miễn là ở trong ngưỡng cho phép, không làm ảnh hưởng đến kinh tế lâu dài.
Trước giờ, tôi vẫn đưa ra mức chi tiêu phù hợp, đó là tiền cho hạng mục vui chơi, mua sắm phải ở dưới 10% số tiền tích lũy. Bản thân tôi cũng thích mua đồ cho bà xã vì thấy cô ấy hạnh phúc, tôi cũng vui theo.
- Có điều kiện kinh tế tốt, tại sao anh không tìm người giúp việc để giảm bớt gánh nặng chăm con?
- Ôi, đây là vấn đề nan giải của vợ chồng tôi. Tôi sẵn sàng trả lương cao (2.200 USD ~ 50 triệu đồng) mà tìm hoài không được. Có lẽ tiểu bang Texas nơi chúng tôi sống không có nhiều người Việt. Trong khi đó người Mỹ hay người một số nước khác lại không chọn công việc này.
- Anh nghĩ mình sẽ trụ được bao lâu nếu không có người hỗ trợ?
- Trước khi sang Mỹ, tôi đã lường trước những khó khăn nhưng không nghĩ sẽ vất vả đến thế. Một số người bạn còn đoán chắc tôi sẽ phải quay về Việt Nam chỉ sau ba tháng. Vậy mà thắm thoắt cũng gần ba năm trôi qua, hôm nào cũng như hôm nào, tôi dậy từ 6h30 để lo cho con đến 1h sáng hôm sau vẫn chưa đi ngủ. Thấy người ta đi làm mỗi ngày tám tiếng còn mình ở nhà nghe thật thảnh thơi mà "cày" hơn 15-16 tiếng. Nhưng tôi nghĩ mình vẫn cố gắng được. Mỗi khi mệt quá tôi lại nhớ về lý do mình bỏ cả sự nghiệp để sang đây và động viên bản thân bước tiếp.
- Căng thẳng từ cuộc sống thường nhật ảnh hưởng thế nào đến tình cảm giữa anh và bà xã?
- Tôi nghĩ không chỉ trong hoàn cảnh vất vả thì vợ chồng mới mâu thuẫn mà nhiều cặp đôi sống nhàn nhã, sung sướng vẫn cãi vã đấy thôi. Vợ chồng tôi cũng vậy, nhiều lúc bất đồng quan điểm về vấn đề nào đó thì dẫn đến tranh cãi. Nhưng tính vợ tôi trẻ con lại kém chịu đựng nên tôi hiểu và góp ý nhẹ nhàng sau đó. Hơn nữa, việc chăm con đa phần là trách nhiệm của tôi, nên cũng không có vấn đề gì căng thẳng với vợ.
- Anh kiếm tiền, chăm con vậy vợ anh làm gì?
- Vợ tôi sinh cho tôi 5 người con là quá tuyệt vời rồi. Cô ấy rất sợ đau nhưng vì tôi thích đông con nên cố gắng chiều ý chồng.
Trong nhà, ai có lợi thế về mảng nào thì đảm nhiệm mảng đó chứ không nhất thiết phải phân công. Vấn đề kinh tế gia đình thì ngay từ ban đầu đến bây giờ, tôi vẫn luôn là người phụ trách. Vốn dĩ vợ tôi cũng không giỏi chi tiêu, tính toán, cũng không lo được vấn đề kinh tế nên tôi quán xuyến. Tôi cũng nhạy bén trong đầu tư nên kiêm luôn cả việc quản lý tài chính lẫn giúp chúng sinh lời.
- Thấm thía những khó khăn của gia đình đông con, ý định sẽ sinh thật nhiều con của anh giờ thế nào?
- Nói thật là lúc ở Việt Nam, chúng tôi có 3-4 người giúp việc nên mới dám sinh nhiều. Khi đó, tôi chỉ lo vấn đề tài chính và dạy dỗ con cái nên rất an nhàn. Chứ như hiện tại, tôi không dám sinh thêm nữa vì đã quá mệt. Trừ khi về lại Việt Nam sống thì tôi sẽ suy nghĩ...
Quách Thành Danh 44 tuổi, có biệt danh "Ông hoàng nhạc miền Tây", từng nổi tiếng với bản hit Tôi là tôi. Năm 2013, anh kết hôn với người vợ kém tám tuổi và lần lượt sinh các con Mộc Nhiên, Hạo Nhiên, An Nhiên, Phúc Nhiên, Tuấn Nhiên. Các con của anh đang học lớp ba, lớp hai và mẫu giáo bé.
Lam Trà