Tiếc thay, hoạt động này thường được gói gọn trong công thức: họp báo (cho có) + thông cáo báo chí, hồ sơ báo chí (cho tiện sao chép) + phong bì (nhất định phải có) + tiệc buffet (có người đọc là búp-phê, thật đúng nghĩa động từ bouffer trong ý nghĩa đớp hít)!
Đã có những nhân viên PR của một số công ty huỵch toẹt: chừng đó đủ để “mua” phóng viên! Thậm chí có người vồ được một quyển sách còn đề quyết (theo sách) rằng muốn lăng xê thương hiệu, sản phẩm thì cứ gõ cửa báo này, báo kia, mà quên chỉ bảo cái đạo “gõ cửa” là làm sao. Không chỉ miệt thị báo chí mà còn miệt thị cả khách hàng như trong một buổi mạn đàm về chiêu thị, người ta thản nhiên “kháo” với nhau như một chân lý rằng “dân VN mê khuyến mãi”.
Chưa bao giờ các hoạt động PR, và cả quảng cáo, ở VN lại rầm rộ và thái quá như thế khi xem tất cả như những con cừu của ông Panurge (một con nhảy xuống sông, cả bầy nhảy theo), hơn cả sự mong muốn của các ông chủ thuê mướn họ!
Những người đứng lớp môn PR, trong giới hạn của mình, đã cố giải thích ý nghĩa và đạo đức của nghề PR là gì, rằng quan hệ với báo chí là gì, cũng đã nêu tấm gương của P.P.D.A. (tên tắt của một ngôi sao thời sự truyền hình Pháp) bị tì vết như thế nào vì đã nhận lời mời đi du lịch cùng gia đình như ông hoàng, bà chúa bởi một tập đoàn cá mập...
Thế nhưng, trong mớ bòng bong đó ít nhất cũng nổi lên một điều: trên thương trường người ta ra sức tranh thủ, quan tâm chiêu dụ khách hàng của mình bằng các công cụ quảng cáo và PR. Vì sao vậy, nếu không phải để sống còn, phát triển và bành trướng?
Thế một nhà nước có cần tranh thủ, quan tâm chiêu dụ người dân cũng hăng hái và đúng bài bản như các công ty trên thị trường? Có ý kiến: đã có công tác dân vận rồi. Đúng, nhưng được quan niệm, đào tạo, truyền đạt và thực hiện như thế nào? Bằng những cái nhìn và phương pháp của đầu (và của giữa) thế kỷ 20, mà thực tiễn đã chứng minh là thất sách, là thất bại, hay bằng những cái nhìn và phương pháp của khoa học xã hội và nhân văn như là ngọn đèn pha soi đường chứ không là cái dàn đèn sân khấu?
Thật ra giữa dân vận và nghề PR cũng chẳng khác gì nhau: từ nguyên dân của từ dân vận và public của từ public relations (quan hệ quần chúng) cũng chỉ là một: người dân, publicus. Vấn đề là quan niệm người dân là gì và từ đó cư xử với người dân như thế nào?
Môn PR cùng các bộ môn đồng hành gọi là “vua” (le client est roi, khách hàng là vua). Là “vua” thì chiều “vua” vậy! Chưa là khách hàng thì chiều để trở thành khách hàng, đã là khách hàng cũng tiếp tục chiều để mãi mãi là khách hàng. Cho dù cuối cùng vẫn là để mê hoặc “vua” - “vua” chứ không phải “thượng đế”, vì vua thì dụ được chứ thượng đế làm sao dụ!
Nếu hiểu rằng “PR là một chức năng quản lý nhằm đề ra, triển khai và tiến hành các chính sách, chương trình nhằm tạo ảnh hưởng nơi dư luận hay phản ứng của công chúng về một ý (tư) tưởng, một sản phẩm hay một tổ chức” (Novel trends in public relations), thì sẽ thấy làm chính trị, làm dân vận, làm công chức, làm gì gì đi nữa cũng là làm PR trong từng công việc, từng tiếp xúc với người dân. Tiếp xúc như thế nào? Hãy học như học nghề PR. Đầu tiên hãy bắt đầu bằng đừng nghĩ, đừng nói kiểu “dân nó...”.
Một cựu đại sứ tại Anh, cùng dạy môn PR, tắc lưỡi: “Phải chi môn này được dạy cho công chức!”. Dân chủ bắt đầu từ quan hệ với người dân, từ PR là như thế.
(Theo Tuổi Trẻ Chủ Nhật)