![]() |
Nói khái quát, cụ thể về khả năng, kinh nghiêm của bạn là cơ hội bạn tìm được việc |
Khắc Thịnh, hiện phụ trách marketing cho một công ty cổ phần truyền thông chia sẻ những kinh nghiệm "đau thương" trong phần tự giới thiệu khi xin việc.
Thịnh cho biết: Lần đầu tiên là khi xin vào làm cho một đại gia trong lĩnh vực truyền thông, khi người phỏng vấn liên lạc yêu cầu mình tự giới thiệu ngắn gọn ngoài CV. Nghĩ đơn giản nên trả lời rất nhanh "tôi sinh ra và lớn lên tại TP HCM, đã tốt nghiệp đại học và có kinh nghiệm làm việc 3 năm trong lĩnh vực marketing. Tôi thích và mong muốn được tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này". Kết quả, Thịnh rớt cùng hàng loạt người khác vì "tự giới thiệu" quá đơn giản và không có điểm gì nổi bật.
"Rút kinh nghiệm, lần thứ hai khi gặp một nhà phỏng vấn chuyên về marketing trên mạng có câu hỏi tương tự, tôi đã trả lời cụ thể hơn: 'Tôi có kỹ năng viết tốt và có khả năng về quan hệ cộng đồng; tôi đã làm việc cho nhiều công ty trong lĩnh vực này và đã được rất nhiều lời khen từ cấp trên và các đồng nghiệp. Tôi có khả năng làm việc với áp lực cao; giao tiếp tốt'. Cứ nghĩ mình trả lời như thế là quá ổn, vậy mà vẫn trượt", Thịnh nói.
Ức quá, Thịnh tìm tới người trúng tuyển đợt đó thọ giáo thêm. Anh kể lại: "Anh bạn đó trả lời thế này: Tôi có 4 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành marketing và bán hàng. Hơn một năm qua, tôi làm việc cho một công ty thương mại điện tử, nhờ đó đã tích lũy được các kiến thức về thị trường và xuất bản trực tuyến. Tôi sử dụng vi tính thành thạo và có khả năng phân tích. Tôi làm việc tập thể được và luôn sẵn sàng đón nhận thử thách".
Lúc đó thì Thịnh biết tại sao người đó được chọn, vì chỉ vài câu vắn tắt mà anh ta đã đưa được khái quát nhưng lại khá cụ thể về quá trình làm việc, các kỹ năng, kinh nghiệm và tính cách của anh ta. Đó là điều Thịnh không làm được. Thịnh cho biết thêm: "từ bài học đó, tôi đã 'tút' lại phần tự giới thiệu của mình và có được công việc hiện tại".
(Theo Lao Động)