Phim độc lập Portrait of Lady on Fire (tựa gốc tiếng Pháp: Portrait de la jeune fille en feu, tạm dịch: Bức chân dung một tiểu thư trên ngọn lửa) được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2019, cùng năm với Parasite (Ký sinh trùng) của Hàn Quốc.
Parasite gây tiếng vang trên ảnh đàn quốc tế khi giành được hàng loạt giải thưởng lớn, đặc biệt là 'Phim xuất sắc' tại Cannes và Oscar. Trong khi đó, Portrait of a Lady on Fire lặng lẽ được tôn vinh là bộ phim đáng xem nhất nhì giai đoạn 2019 - 2020. Thậm chí, ở cuộc bình chọn "100 phim điện ảnh hay nhất mọi thời đại" lần thứ 8 (năm 2022) của tạp chí Sight and Sound thuộc Viện phim Anh (BFI), tác phẩm được xếp hạng 30, bỏ xa "bạn đồng hành" Parasite (vị trí 90).
Portrait of a Lady on Fire là câu chuyện của giới nữ được kể bởi một tập thể phụ nữ tài giỏi do đạo diễn Célin Sciamma dẫn dắt. Bộ phim – như tuyên bố của đạo diễn – phá vỡ toàn bộ quan niệm truyền thống về nữ giới trên phim ảnh, vốn đã sớm định hình bởi nhãn quan nam giới (male gaze), khi nó cố tình không thỏa mãn bất cứ nhu cầu nào thuộc về khán giả là phái nam dị tính. Ngược lại, Portrait of a Lady on Fire đã thiết lập tiêu chuẩn mới về nhãn quan nữ giới (female gaze) trong nghệ thuật thứ 7, bằng cách trao cho các nhân vật nữ tư cách chủ thể có đầy đủ quyền tự quyết.
Lấy bối cảnh tại bán đảo Brittany nước Pháp vào nửa cuối thế kỷ thứ 18, phim kể về chuyện tình lãng mạn ngắn ngủi giữa họa sĩ Marianne (Noémie Merlant đóng) và tiểu thư Héloïse (Adèle Haenel đóng) – con gái một nữ bá tước giàu có. Bà bá tước thuê người vẽ chân dung Héloïse để gửi đến Milan cho vị hôn phu quý tộc. Rắc rối ở chỗ Héloïse luôn từ chối tạo dáng cho các họa sĩ trước đó, bởi nàng phản kháng cuộc hôn nhân này. Để tiếp cận Héloïse, Marianne giả làm bạn đồng hành cùng nàng đi dạo bờ biển mỗi ngày, lén tranh thủ quan sát và ghi nhớ những chi tiết quan trọng rồi về tái hiện thành tranh.
Từ những cuộc trò chuyện trên bãi biển có các vách đá kỳ ảo đến những sự tiếp xúc mới mẻ thông qua âm nhạc, sách vở, hai cô gái trẻ dần chạm vào tâm hồn nhau. Và 5 ngày cuối cùng trên bán đảo, khi bà bá tước đi vắng, ngắn ngủi nhưng kịp đủ cho mối tình chớm nở thăng hoa cùng sự tự do tuyệt đối của những người phụ nữ trong khung trời riêng của họ.
Đạo diễn kiêm biên kịch Célin Sciamma tiết lộ cô đã khám phá nhiều tác phẩm của những nữ nghệ sĩ sống ở thế kỷ 18, nhất là tại Pháp, bất kể hoàn cảnh hạn chế họ ra sao. Do đó, Sciamma muốn "sửa sai" lịch sử bằng cách tạo ra câu chuyện của riêng mình, dựa trên tư duy hiện đại.
Sciamma khiến nhiều người kinh ngạc khi để những người phụ nữ làm rất nhiều thứ chưa từng được đề cập trong một bộ phim cổ trang: tự do tranh luận về Thần thoại Hy Lạp, uống rượu, hút thuốc, dùng thuốc phiện, bị kinh nguyệt hành, chơi bài và đặc biệt là phá một cái thai lỡ mang ngoài ý muốn. Tất cả điều đó đều được nhân vật chủ động thực hiện, không có bất cứ sự hoài nghi hay phán xét nào. Họ chỉ đơn giản tôn trọng sự lựa chọn của mỗi cá nhân và giúp đỡ trong khả năng có thể, bất kể tuổi tác, địa vị xã hội.
Cảnh phá thai của nàng hầu Sophia là phân cảnh mang ý nghĩa xã hội rất lớn. Trên giường Sophia nằm còn có hai em bé. Khi cố gắng kìm nén sự đau đớn về thể xác, Sophia tìm thấy niềm an ủi từ đứa trẻ. Sự tương phản cực độ này lập tức cho khán giả nhận thức rõ rệt về khác biệt giữa việc muốn hay không muốn sinh con với lòng yêu thương trẻ nhỏ.
Còn một sự hoán đổi thú vị khác để nêu bật ý tưởng ca ngợi bình đẳng của Sciamma. Vào buổi tối, ba cô gái trẻ quây quần bên lò sưởi phòng bếp. Người hầu Sophia ngồi thêu thùa trong khi cô chủ Héloïse nấu ăn, còn Marianne uống rượu. Cả ba đều rất tự nhiên tận hưởng niềm vui trong hoạt động của mình.
Hơn tất cả, trọng tâm của phim là khắc họa mối tình say đắm giữa nàng họa sĩ tài hoa Marianne và vị tiểu thư Héloïse luôn khát khao vươn tới những giá trị lý tưởng cốt lõi của cuộc đời. Đạo diễn Sciamma giống như đã tặng cho hai nàng tất cả sự thông tuệ và tinh tế của bản thân cô. Marianne ngoài vẽ tranh giỏi còn biết chơi đàn, biết bơi, am hiểu văn học. Héloïse hiếu học, cầu tiến, nhạy cảm, quyết liệt.
Những cuộc đối thoại đầy súc tích với nhiều hàm ý sâu xa giữa hai người luôn kích thích trí tuệ của khán giả. Một Marianne đầy kiêu hãnh. Một Héloïse đầy thách thức. Biên kịch đã để cho cảm xúc của họ về nhau nảy sinh thật chậm rãi, dồn nén từ những ánh nhìn đầu tiên cho đến khi họ bị cuốn hút lẫn nhau không cách nào dứt ra được. Và lúc khán giả bắt đầu sốt ruột, tình yêu mới bật ra và bùng nổ. Những nụ hôn nồng nàn, những mơn trớn vuốt ve dịu dàng vô tận khơi dậy muôn vàn cảm xúc quyến rũ, say mê.
Không cần cảnh làm tình, không cần tập trung vào những bộ phận nhạy cảm, các cảnh ân ái trong Portrait of a Lady on Fire vẫn đủ sức khiêu gợi những ham muốn nhục dục sâu xa của nữ giới, đồng thời ngầm phản ánh khái niệm tình yêu thuần khiết được không ít phụ nữ tôn thờ. Đây là biểu hiện cụ thể và mạnh mẽ nhất cho lập ngôn tôn vinh nhãn quan nữ giới của đạo diễn Sciamma.
Có lẽ là lần đầu tiên, trong một bộ phim chính kịch lịch sử đại chúng, tình yêu đồng tính của hai phụ nữ - vốn luôn bị ràng buộc, ngăn trở bởi định kiến giới cùng các tập quán thuộc xã hội phong kiến nam quyền – diễn ra tự nhiên như đích đến tất yếu của hành trình tâm lý. Không ai phải sợ hãi hay thấy tội lỗi, che giấu hay né tránh người ngoài. Điều này khiến cho cuốn phim trở thành độc nhất vô nhị trên ảnh đàn thế giới.
Qua ống kính của nhà quay phim nữ Claire Mathon, bất cứ khung hình nào được cắt ra từ phim cũng đủ tiêu chuẩn trở thành một bức tranh hoàn hảo bởi sự kết hợp tuyệt vời về màu sắc, ánh sáng, bối cảnh, bố cục.
Trái với hội họa luôn hiện diện khắp các thước phim, âm nhạc trong phim lại cực kỳ tiết chế. Phim được sáng tác riêng bài hát một câu độc đáo Fugere non possum (tiếng Latin), dùng cho cảnh các nông phụ trong làng hát vang quanh đống lửa như một kiểu đồng ca. Ngoài ra, phim chỉ sử dụng bản concerto Mùa hè trong tác phẩm giao hưởng Bốn Mùa của Antonio Vivaldi (nhà soạn nhạc nổi tiếng người Italy ở thế kỷ 18) hai lần.
Lần đầu là những thanh âm rời rạc do Marianne vừa đàn vừa giải thích để Héloïse hiểu. Lần thứ hai, bản concerto trở lại khi dàn nhạc giao hưởng tấu vang phần Presto, bắt đầu cảnh one-shot dài ba phút. Ống kính máy quay đại diện cho ánh nhìn của Marianne chú mục vào Héloïse, trong khi nàng đang tập trung toàn bộ tinh lực lắng nghe giai điệu quen thuộc của nhiều năm về trước. Góc quay cận thu vào tầm mắt khán giả (hay là Marianne) những chuyển biến cảm xúc liên tục trên gương mặt Héloïse: buồn đau pha lẫn nuối tiếc, vui sướng hòa trong thương tưởng.
Cú one-shot không khỏi khiến người sành phim nhớ đến cảnh kết của bộ phim nổi tiếng Call Me by Your Name với bốn phút Elio nhìn đăm đăm vào ngọn lửa qua đôi mắt ngấn lệ. Thế nhưng, Sciamma đã có sự thiết lập tốt hơn, bởi cảnh quay như gói gọn tất cả kỷ niệm của hai người chưa từng thôi nhớ nhau: tình yêu, nghệ thuật, tri thức, bức chân dung, trang sách số 28... vào cùng một khung hình. Mối tình kết thúc buồn nhưng vẫn chứa chan hy vọng.
An Nhiên
Chuyên mục 'Mỗi tuần một phim hay' cập nhật bài viết tại mục Phim lúc 0h thứ 6 hàng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Tháng 3 của chị em phụ nữ, Ngôi Sao hân hạnh giới thiệu 5 cuốn phim đậm màu nữ tính.