Ngày 16/11, xếp hàng trước vành móng ngựa là 10 bị cáo có khuôn mặt non choẹt. Phân nửa họ (được tại ngoại) vẫn còn mặc chiếc áo trắng học sinh. Chứng tỏ “bản lĩnh” của những thằng con trai mới lớn, đi đánh dằn mặt đối thủ giùm bạn mà họ phải có mặt tại đây, trong phiên tòa phúc thẩm này để xin giảm án.
Bản án sơ thẩm trước đó đã tuyên phạt các bị cáo với mức án khá nặng. Người nhẹ nhất cũng 3 năm tù, nặng nhất 13 năm. Nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, các bị cáo mỗi người mỗi cách. Người trình bày sự ân hận muộn màng, có bị cáo chỉ ấp úng như cậu học trò chưa thật sự thuộc lòng khi trả bài... Tựu trung đều có nguyện vọng mong được mức án nhẹ, sớm được tự do để tiếp tục việc học hành còn dang dở. Ngồi bên dưới, những ông bố, bà mẹ lặng lẽ thở dài.
Tại phiên tòa, lời nói sau cùng của bị cáo không chỉ đơn thuần mang tính thủ tục mà nó phản ánh thái độ cuối cùng của bị cáo sau khi HĐXX đã hỏi và nghe xét hỏi. Đó là tâm nguyện, mong muốn của người phạm tội. Hầu hết bị cáo đều nhắc tới cha mẹ, người thân với những niềm ân hận, xót xa, những lời xin lỗi muộn màng, ước mong được làm lại cuộc đời.
Lời nói sau cùng của bị cáo là cơ hội để họ nói được tất cả những gì mà phần thẩm vấn, tranh luận trước đó họ không có điều kiện nói ra. Có người nói rõ hơn về nguyên nhân phạm tội của mình, có người xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, nhưng đôi khi chỉ là lúc để bị cáo giải tỏa nỗi ân hận, cắn rứt lương tâm.
Tại phiên xét xử 11 người liên quan vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), bị cáo Lâm Nghĩa Hòa - chủ cửa hàng sắt Nam Thông - khi nói lời sau cùng không cầu xin giảm án hay khoan hồng mà chỉ xin được các thân nhân, hương hồn nạn nhân tha thứ. Điều ấy, theo ông, chính là để lương tâm mình thanh thản, bớt ray rứt. Bị cáo cũng nhận trách nhiệm chính về mình mà xin giảm nhẹ tội cho các bị cáo liên quan khác.
Một thẩm phán có hơn 10 năm kinh nghiệm xét xử các vụ án hình sự cho biết: “Có nhiều trường hợp suốt từ khi thẩm vấn đến bào chữa, tranh luận bị cáo không thừa nhận tội phạm nhưng bất ngờ khi được nói lời sau cùng họ lại nhận tội. Qua thái độ của các bị cáo khi nói lời sau cùng, HĐXX có cơ sở quyết định có nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ “ăn năn hối cải” của bị cáo, động cơ quan trọng giúp họ trở thành người tốt sau quá trình cải tạo.
Trong một vụ án giao thông xét xử tháng 7, bị cáo Tiến gây ra vụ tai nạn làm chết 4 người đi đường, bị thương một số người khác, có thể phải nhận khung hình phạt cao nhất theo tội danh truy tố là 10 năm tù. Khi nói lời sau cùng, Tiến chẳng xin giảm nhẹ cho mình mà chỉ quì lạy từng thân nhân nạn nhân để xin được họ tha thứ. Việc ấy đã khiến HĐXX không thể tuyên án ở mức phạt tù cao nhất của bởi sự thành tâm, ăn năn hối cải của bị cáo.
Theo Tuổi Trẻ, những lời nói sau cùng của các bị cáo trước khi nghị án cũng thường chính là những ước mơ, sự hướng thiện của người phạm tội. Dù bị cáo là kẻ giết người, có thể bị coi là mất hết nhân tính, đáng phải kết án tử hình nhưng trong lời nói sau cùng họ vẫn có mong muốn được sống, được đoàn tụ với gia đình, người thân.
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Ánh Minh (Việt kiều) về hành vi vận chuyển ma tuý, VKS đề nghị án tử hình. Minh khóc, chỉ mong bản án của tòa còn cho cô cơ hội để gặp lại 2 con nhỏ hiện vẫn ở Đài Loan mà bị cáo không có tin tức gì kể từ khi bị bắt...