Tập 3 của phim tạo cao trào khi một cung nhỏ trong hoàng cung xảy ra hỏa hoạn, ông hoàng (con của vua) Hồng Thụ chết trong đám cháy lúc mới vài tháng tuổi. Nhiều tình huống cho thấy khả năng lớn, thái hoàng thái hậu (NSƯT Lê Thiện đóng) sai người phóng hỏa, lợi dụng cái chết của chắt nội để giá họa cho Hiền phi (NSƯT Minh Trang đóng), nàng dâu mà bà không vừa mắt.
Theo sử sách, ông hoàng Hồng Thụ yểu mạng vì ốm bệnh. Chuyện Hồng Thụ bị giết hại chỉ là chi tiết được thêm vào để tạo sóng gió trong kịch bản cung đấu. Thực tế, hư cấu là yếu tố không lạ trong dòng phim dã sử. Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng, chuyện bà cố hại chết chắt nội để thực hiện mưu đồ của mình là quá tàn nhẫn, vô đạo đức, đặc biệt trong bối cảnh cung đình Việt Nam.
Phản hồi về điều này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh khẳng định, không có chuyện thái hoàng thái hậu giết hại ông hoàng Hồng Thụ. Phim mới chiếu đến tập 6, nội dung phim không dễ đoán như vậy. Vụ cháy và cái chết của Hồng Thụ nằm trong âm mưu của một nhân vật khác. Thái hoàng thái hậu cũng chỉ là một trong các đối tượng bị tình nghi.
Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ thêm: "Là người cố vấn cho Phượng khấu, giáo sư sử học Lê Văn Lan động viên chúng tôi không nên bị lịch sử áp đặt. Tôn trọng chính sử là giữ đúng các cột mốc, sự kiện. Còn với mâu thuẫn con người, chúng tôi được quyền sáng tạo. Như ở bên Trung Quốc, 100 bản phim nói về 100 phiên bản Võ Tắc Thiên khác nhau. Kế hoàng hậu của vua Càn Long trong Diên Hy công lược và Như Ý truyện cũng không giống nhau".
Sau tập 4 và 5 của Phượng khấu, nhiều khán giả nhận xét các nhân vật không giữ đúng phép tắc cung đình triều Nguyễn. Cụ thể ở tập 4, mẹ con bà phi tần Hiệu Nguyệt (Hồng Đào đóng) không vái lạy vua Thiệu Trị (NSƯT Thành Lộc đóng) khi ông đến cung của họ. Sang tới đêm tiệc trung thu trong tập 5, các phi tần không hành lễ với bà Hiệu Nguyệt - nguyên cơ (vợ chính thất) của vua Thiệu Trị.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết, không có tài liệu ghi chép về lễ nghi giữa phi tần, ông hoàng, bà chúa với nhà vua ở chốn hậu cung. Hơn nữa, anh muốn diễn giải Phượng khấu là câu chuyện gia đình, thay vì câu chuyện cung đình. Anh và nghệ sĩ Thành Lộc đã thống nhất cách thể hiện vai vua Thiệu Trị. Theo đó, vị hoàng đế này giữ phong thái uy nghi nơi triều chính. Còn ở chốn hậu cung, ông giống như bao người đàn ông Việt Nam khác, cũng gần gũi với vợ con. Vì vậy, các nghi lễ rườm rà được lược bỏ trong phim.
Với cảnh tiệc Trung thu, thực tế đoàn phim đã quay đầy đủ các phần hành lễ. Nhưng khi làm hậu kỳ, đạo diễn muốn tập trung vào mâu thuẫn giữa các nhân vật hơn. Huỳnh Tuấn Anh kể thêm, ở một số cảnh phim, các diễn viên thực hiện lễ nghi không chính xác, anh cũng buộc phải cắt bỏ: "Tôi thà không có những chi tiết đó trên phim, còn hơn làm mà không đúng, không đẹp".
Được khen ngợi về phục trang và đạo cụ, Phượng khấu bị chê nhiều về hình ảnh 3D chưa đẹp mắt, thiếu chân thực. Riêng với các ngoại cảnh hoàng cung, phim bị đánh giá thiếu thực tế, bị chê "như nhà hoang" vì không có lính canh đứng gác, người hầu qua lại. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thừa nhận, đây là một hạn chế của đoàn phim. Khi dựng Phượng khấu, êkíp đã ghép người vào không gian ngoài trời được vẽ hoàn toàn bằng 3D. Song vì hiệu quả không tốt, đạo diễn quyết định bỏ đi. Anh tâm sự: "Giá kể chúng tôi có phim trường giống như phim cổ trang Trung Quốc, gồm cả ngoại cảnh và nội cảnh thì sẽ không bị trường hợp như vậy".
Theo lời đạo diễn, anh dựa theo bình luận từng tập của người xem để cải thiện thêm bản dựng của các tập phim kế tiếp. Trong đó, hình ảnh 3D được chau chuốt cho đẹp hơn, âm thanh được điều chỉnh cho bớt ồn ào, nhạc phim được sử dụng hợp lý hơn...
Phượng khấu đặt bối cảnh trong bảy năm trị vì của vua Thiệu Trị, xoay quanh cuộc tranh giành sủng ái, quyền lực trong cung đình Việt Nam. Phim đang trình chiếu trực tuyến, mỗi tuần một tập vào tối thứ năm. Diễn viên của phim gồm NSƯT Lê Thiện, NSND Hồng Vân, Hồng Đào, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Tuyết Thu, hoa hậu Khánh Vân...
Phong Kiều