Bước ra khỏi hình ảnh hiện đại, sang chảnh ngoài đời và trong các phim trước, Phương Anh Đào lần đầu hóa thân người vợ, người mẹ miền Tây chân quê, hồn hậu trong Tro tàn rực rỡ. Nhân vật Nhàn của cô vốn hào sảng và kiêu hãnh, nhưng sau này vùi mình trong những dồn nén và bi thương, chịu đựng người chồng đêm đến là say, là đốt nhà. Nữ diễn viên chia sẻ về những đồng điệu, khác biệt trong tình yêu với vai diễn của mình.
- Xem phim, nhiều người thương nhân vật Nhàn khổ vì chồng và trách cô ấy có lựa chọn lụy tình, đẩy mình vào bế tắc. Là người đảm nhận vai diễn, chị có quan điểm ra sao?
- Hai năm trước cầm kịch bản trên tay, tôi cũng ấm ức thay cho nhân vật. Tôi cứ hỏi tại sao cô ấy phải lựa chọn mối quan hệ chỉ có đau khổ, tại sao cô ấy không tự giải thoát mình. Từ góc độ người phụ nữ, tôi không muốn bản thân và bất cứ ai quanh mình phải giống Nhàn. Nhưng sau thời gian tìm hiểu về vai diễn, tôi chỉ giữ lại sự thương, không còn ấm ức nữa.
Tôi nhận ra ở cuộc sống đời thật, nhiều trường hợp giống Nhàn lắm. Tôi không ủng hộ nhưng cũng không phán xét họ. Tôi giữ tâm thế trung dung khi nhập vai. Và quá trình đóng phim, tôi không thấy Nhàn khổ.
Theo tôi, nhân vật Hậu (Bảo Ngọc Doling đóng) còn khổ hơn Nhàn. Bởi Hậu phải mượn chuyện người khác làm mồi nhử để được chồng chú ý. Còn Nhàn dùng tình yêu của mình để xoa dịu nỗi đau trong người đàn ông đầu ấp tay gối, sau biến cố lớn. Tình yêu Nhàn dành cho Tam giống như tình thương người mẹ dành cho đứa con đang đánh mất chính mình. Tôi bước vào vai diễn với cảm nhận cô ấy thật đẹp và bản năng. Tình yêu của cô ấy quá lớn lao. Tôi cho rằng Nhàn không có giải pháp nào khôn ngoan hơn.
- Giây phút nào trong phim khiến chị thương Nhàn nhất?
- Tôi thương Nhàn ở nhiều khoảnh khắc. Có những lúc, đạo diễn hô cắt rồi, tôi và anh Quang Tuấn vẫn nguyên vẹn cảm xúc của nhân vật, tôi vẫn rơi nước mắt. Một số cảnh đã bị lược đi hoặc cắt ngắn so với lúc bấm máy. Ở bản phim chiếu rạp hiện tại, tôi thích nhất cảnh Nhàn đến lò than đón chồng. Cô ấy bóp chặt tay của Tam, mong cái đau thể xác làm anh tỉnh táo đối diện sự thật. Lúc ấy, rất nhiều thứ diễn ra trong tâm trí Nhàn. Cô ấy đau lòng, thương Tam và chỉ muốn chồng hiểu: "Em vẫn luôn ở đây".
Lần đầu xem phim trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Tokyo ở Nhật, tôi rơm rớm nước mắt. Đến buổi ra mắt tại TP HCM, tôi khóc nhiều hơn. Tôi thích cách đạo diễn tiết chế cảm xúc, giữ cái nhìn khách quan, không phơi bày quá nhiều nỗi đau của nhân vật.
- Nếu ở trong câu chuyện của Nhàn, lựa chọn của chị là gì?
- Tôi vẫn sẽ yêu thương và cho đi. Nhưng đến khi nào cảm thấy tình yêu và sự hy sinh không còn đủ từ cả hai phía, đổ vỡ không thể chữa lành, tôi sẽ buông bỏ. Đôi khi, sự vị tha đến cùng chưa chắc giải quyết được vấn đề. Nếu thấm mệt, chúng ta có quyền dừng lại, cho nhau khoảng lặng để tự suy ngẫm.
- Trong những cuộc tình đã qua, chị đồng điệu hay khác biệt với Nhàn?
- Tôi từng là người được thương nhiều hơn, cũng từng là người "bị thương". Đóng phim nào, tôi cũng tìm thấy đôi điều đồng điệu với nhân vật. Tro tàn rực rỡ gợi nhắc tôi vài trải nghiệm đã qua. Nhưng tôi cảm thấy mình may mắn khi từng ở cả hai phía của cảm xúc, để đủ suy tư, vốn sống hòa nhập vào nhiều cuộc đời trên màn ảnh.
- Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, chị tìm thấy ký ức nào về bóng dáng những người phụ nữ quanh mình khi đóng ‘Tro tàn rực rỡ’?
- Câu chuyện phim làm tôi nhớ đến mẹ, người mà tôi thương rất nhiều. Mẹ tôi là một người phụ nữ miền Tây tiêu biểu – tảo tần, chịu thương chịu khó, vì chồng vì con. Ngày còn bé, tôi hay thắc mắc tại sao phụ nữ phải làm đủ thứ: việc nhà, việc chợ, việc cơm nước, việc con cái, việc nội ngoại hai bên; trong khi đàn ông không làm gì nhiều.
Sau này lớn lên, trên vai mang nhiều trách nhiệm hơn, tôi nhận ra suy nghĩ của mình ngày ấy đúng là hời hợt và trẻ con. Gia đình nào cũng có những góc khuất. Ba mẹ tôi đã có lúc tưởng như không thể tiếp tục bên nhau được nữa. Nhưng sự nhẫn nại của mẹ đã làm ba tôi thay đổi, giữ lại mái ấm cho chị em tôi.
Tro tàn rực rỡ do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chuyển thể từ hai truyện ngắn Củi mục trôi về và Tro tàn rực rỡ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Phim kể đồng thời câu chuyện của ba người phụ nữ xóm Thơm Rơm ở Cà Mau: Nhàn, Hậu và Loan "Khùng".
Nhàn vốn có cuộc hôn nhân êm đềm bên Tam nhưng sau một biến cố gia đình, trong mắt Tam không còn Nhàn, chỉ còn những đám cháy nhà làm anh thỏa mãn cơn điên dại trong tâm trí.
Hậu được Dương cưới về chỉ vì cái bụng lùm lùm của cô ngày một lớn, sau một đêm "gần gũi" sau cơn say của hai người. Biết chồng yêu Nhàn, Hậu làm thân với Nhàn rồi đem chuyện của Nhàn kể cho chồng nghe, để được anh chú ý.
Loan "Khùng" tinh thần mãi dừng ở tuổi 12, sau lần bị xâm hại. Ở tuổi quá lứa lỡ thì, Loan vẫn còn nỗi oán hận nhưng cô nhận ra mình đã đem lòng yêu kẻ làm hại mình năm xưa.
Đây là phim đầu tiên của Việt Nam tranh giải tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo. Ngoài ra, phim giành giải "Khinh khí cầu vàng" - hạng mục cao nhất - tại Liên hoan phim Ba Lục Địa ở Pháp.
Phong Kiều thực hiện