![]() |
Bài kiểm tra từ ngữ của em Mai Linh điểm 5 đè lên điểm 2, dù em chỉ làm được 1 câu. |
Em Lê Ngọc, học lớp 5 Trường TH Vĩnh Lộc 1, huyện Bình Chánh. được hàng xóm gọi là "cái thằng học hoài không biết chữ". Nhưng tại nhà, ba của Ngọc tự hào: “Năm ngoái nó được giấy khen mà!”. Nhưng khi nhìn Ngọc đánh vật với những phép tính đơn giản, ông hoàn toàn bất ngờ. Em chỉ trả lời được phép tính 24 trừ 10 nhưng cho kết quả bằng … 10. Bài viết chính tả “Lên đường đánh giặc Mỹ” còn… dễ sợ hơn. Tổng cộng có 24 lỗi chính tả với những lỗi sai rất căn bản: pủa (viết đúng là “quả”), niếu (nếu), mũ (ngủ), ngối (gối), hôm nai (hôm nay), phập (gặp), miền (mìn)… Ba Ngọc thở dài: “Tôi tưởng đi học có giấy khen chắc là giỏi. Ai dè…".
Còn gia đình em Nguyễn Thị Thanh Nga, học sinh lớp 5 Trường TH Tân Kiên, huyện Bình Chánh, khẳng định chắc nịch: “Nó học đến lớp 5 mà không biết ráp vần”. Đưa một báo cáo cho em đọc, quả thật em chỉ nhận biết được các chữ cái. Chẳng hạn chữ “báo” em đọc b, a, o. Chị Cúc, mợ út của Nga, bức xúc: “Cái bảng “Chuyên sửa Honda, vá ép” ở trước cửa nhà, tôi nói nó ráng đọc hết đi, mợ út cho tiền và dẫn đi siêu thị chơi, vậy mà phần thưởng cứ treo hoài”.
Em còn mất căn bản về phép tính đơn giản như 4 x 3 hoặc 15 x 2…, nhưng vở toán của em chỉ có duy nhất 1 điểm 4, còn lại là điểm 8, 9, 10. Em nói vẻ thiệt thà : “Mỗi khi làm bài có bạn Cúc ngồi kế bên cho con coi bài”. Ông hàng xóm nói chen vào: “Con nhỏ này giống con tôi quá! Học không biết chữ mà cứ được lên lớp”. Mất niềm tin vào nhà trường, ông cho con nghỉ ở nhà để mẹ dạy chữ.
Trong tập kiểm tra của em Mai Linh, Trường TH Tân Kiên, huyện Bình Chánh năm học 2003-2004 vừa qua, điểm số giữa bài làm của em với điểm ở sổ liên lạc không khớp nhau. Điểm của bài kiểm tra Từ ngữ tháng 9 chỉ có 1 điểm nhưng sổ liên lạc là 4 điểm. Kiểm tra miệng môn Toán tháng 10 trong tập là 1 điểm, trong sổ liên lạc là 4 điểm. Bài kiểm tra Từ ngữ tháng 12, em chỉ làm được duy nhất 1 câu (2 điểm), giáo viên đã cho 2 điểm nhưng rồi lại sửa thành 5 điểm, viết đè lên số 2. Từ giữa tháng 3 trở đi, tập kiểm tra của em không có điểm nào nhưng trong sổ liên lạc vẫn có đầy đủ cột điểm của các môn học tháng 3, 4, 5 và các điểm này đều từ… 7 trở lên, thậm chí có cả điểm 10.
Kiểm tra trình độ thực tế của em mới biết em đọc không chạy chữ và không giải được những phép tính đơn giản, “Lời phê thầy cô” em viết thành “Lơp phê phầy cô”, sai từ đầu vở đến cuối vở mà giáo viên vẫn không phát hiện. Các bài toán của em dù ra kết quả đúng nhưng nhìn hình thức trình bày lộn xộn, gạch xóa lung tung.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, biết rõ con mất căn bản, gia đình đã đến trường xin cho con được ở lại lớp nhưng nhà trường đã nhất quyết từ chối vì nó đủ điểm lên lớp”. Kết quả đã dẫn đến tình trạng các lớp trên phải “lãnh đủ”, như lời than của một số giáo viên huyện Bình Chánh, năm nào cũng gặp ít nhất 2 trường hợp viết chính tả, làm toán chỉ toàn là điểm 0 và 1. Mời trò đứng lên đọc, trò tỉnh bơ: “Thưa cô, con không biết đọc”. Vì kiểu đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên qua kết quả của học sinh nên đã dẫn đến thái độ đối phó: học sinh yếu kém vẫn phải đẩy lên lớp. Bởi lẽ, lớp có nhiều học sinh trung bình sẽ mất điểm thi đua, năm nào có học sinh thi lại, xem như năm đó không có thưởng.
Cần nói rõ rằng những học sinh kể trên đều là những học sinh phát triển bình thường về tâm sinh lý. Các em có thể kể vanh vách tên thầy, cô dạy mình từ hồi lớp 1 đến lớp 4. Bao nhiêu năm học trôi qua uổng phí, bao nhiêu kiến thức bị vụt qua, ai sẽ đền bù cho các em? Không thể biện minh bằng lý do nào khác hơn là căn bệnh thành tích.