![]() |
Huang Xiahong (trái) cùng với và bạn là Xie tại cuộc họp mới đây ở Đài Bắc. |
Cô gái đại lục Huang Xiahong từng nghĩ rằng cuộc sống ở Đài Loan hẳn tốt hơn nhiều so với thành phố Quảng Châu quê hương cô. Vì vậy, cách đây 3 năm, với sự giúp đỡ của một người bạn, cô quen và kết hôn với một người đàn ông độc thân Đài Loan và theo anh ta về bên kia eo biển xây dựng cuộc sống mới.
Giờ đây Huang là mẹ của một cậu bé trai và nhờ có giấy đăng ký kết hôn, trở thành một cư dân hợp pháp của hòn đảo này.
Huang, 28 tuổi, nằm trong số ngày càng nhiều phụ nữ đại lục kết hôn với đàn ông Đài Loan để mong có cuộc sống tốt hơn. Theo khảo sát mới đây của Cơ quan Nội vụ Đài Loan, khoảng 200.000 phụ nữ đại lục lấy chồng Đài Loan kể từ khi Đài Loan cho phép người dân hai bờ eo biển đoàn tụ với nhau năm 1992. Những cuộc hôn nhân kiểu này khởi đầu khá chậm chạp, nhưng với việc gần đây các quy định được nới lỏng, số phụ nữ tăng lên nhanh chóng, đạt gần 40.000 vào năm ngoái và hơn 3.000 người/tháng tính đến thời điểm này trong năm.
Các phụ nữ Trung Quốc coi Đài Loan là một nơi hấp dẫn, không những vì vùng lãnh thổ này có thu nhập bình quân đầu người cao hơn gấp 10 lần so với Trung Quốc, mà còn vì có những ràng buộc về ngôn ngữ, văn hóa và dân tộc.
Theo cuộc khảo sát trên, hơn phân nửa các cuộc hôn nhân là kết quả sự giới thiệu của gia đình và bạn bè, 1/3 hoặc hơn do những mối quan hệ tạo lập được với những người đàn ông Đài Loan sang làm ăn và thăm người thân ở Trung Quốc và khoảng 10% được xếp đặt bởi các văn phòng hôn nhân có đại diện đi đến các thị trấn xa xôi của Trung Quốc để tìm cô dâu. Phụ nữ đại lục thường phải đóng một khoản phí môi giới 1.200 USD.
Nhưng nhiều người không may mắn như Huang. “Nhiều cô dâu chỉ là cô dâu trên danh nghĩa”, Nancy Chen, nhà xã hội học thuộc đại học Chengchi nói, dẫn chứng các con số thống kê của nhà chức trách cho thấy phân nửa phụ nữ đã kết thúc các cuộc hôn nhân một cách chóng vánh và gia nhập vào tầng lớp lao động “ngầm”. “Không thể lần theo dấu vết của họ và cũng không ai biết họ ở đâu”, Chen nói.
Chen Shaoying, 26 tuổi, từ Quảng Đông đến Đài Loan cách đây 4 năm cùng với một người chồng Đài Loan mới. Kể từ đó, cô sống riêng, tự kiếm sống và hiện đang làm môi giới cho những người tìm kiếm căn hộ ở Đài Bắc. “Tôi là người không muốn có anh ta”, cô nói. Khi được hỏi rằng liệu cô có kiếm chồng khác hay không, cô trả lời. “Chẳng có mấy người đàn ông tốt ở Đài Loan này. Họ là những người quan hệ lăng nhăng và là những con sâu rượu. Chẳng gì khá hơn ở quê tôi cả”.
Chen, Huang và nhiều cô dâu đại lục khác mới đây đã tập hợp tại một công viên ở Đài Bắc để thảo luận các vấn đề của họ và nghe các ứng cử viên lập pháp Đài Loan hứa hẹn quan tâm đến họ. Những phụ nữ này cho biết ưu tiên hàng đầu là quyền được làm việc do luật Đài Loan cấm họ làm rất nhiều việc và chỉ được cấp quyền công dân sau khi ở Đài Loan 8 năm.
Tuy nhiên, theo Người Lao Động, ngoài khát vọng được đi làm và hưởng sự độc lập từ đồng lương tự mình kiếm được, những phụ nữ này chia nhau cảm giác thất vọng. Đối với nhiều người trong số họ, “vùng đất hứa” Đài Loan mà họ mường tượng lúc kết hôn chẳng có gì khác lạ. “Tôi nhớ gia đình tôi lắm”, Wu Quanyi, 38 tuổi, người dân Vũ Hán, đã 12 năm sống ở Đài Loan. Xie, một người bạn của Huang, cho biết dù vẫn sống với người chồng Đài Loan, cô đã không tìm thấy cuộc sống vàng ngọc mà cô mơ ước khi còn ở Trung Quốc.
Theo nhà xã hội học Chen, phụ nữ đại lục có nhiều lý do để thất vọng. Họ thường kết hôn với những người đàn ông Đài Loan không tìm được vợ ở hòn đảo này. Các chú rể Đài Loan thường là những nông dân hay công nhân nghèo ít có khả năng thỏa mãn ước muốn giàu sang của các cô vợ đến từ bên kia eo biển. Có một số trường hợp cha mẹ của những chú rể Đài Loan chủ động xếp đặt các cuộc hôn nhân với những cô gái đại lục để các cô dâu này chăm sóc cho con họ sau khi họ qua đời.