Lễ hội Hadaka Matsuri còn được biết là "lễ hội khỏa thân", có truyền thống hơn 1.250 năm, trong đó hoạt động nổi bật là hàng nghìn người đàn ông trong trang phục kiệm vải tham gia các nghi lễ xua đuổi tà ma. Theo truyền thống, lễ hội này cấm phụ nữ nhưng năm nay, ban tổ chức cho phép khoảng 40 phụ nữ tham gia ngày 22/2. Tuy nhiên, khác với đàn ông, họ sẽ ăn mặc kín đáo, cúng bái bằng cỏ tre, dù đây không phải hoạt động chính của Hadaka Matsuri.
Động thái này được hoan nghênh và xem như một bước tiến cho quá trình bình đẳng giới. Ayaka Suzuki, người vận động dỡ bỏ lệnh cấm, cho biết cô đã muốn tham gia lễ hội từ khi còn nhỏ. "Tôi có thể tham gia nếu là một cậu bé", cô nói với tờ báo địa phương Yomiuri Shimbun. Suzuki sẽ tận dụng cơ hội này để cầu bình an cho gia đình mình và những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất gần đây trên đảo Noto.
Lễ hội Hadaka Matsuri được tổ chức tháng Hai hàng năm, thu hút sự tham gia của hàng nghìn người đàn ông tại đền thờ Thần đạo ở Inazawa. Năm 2020, lễ hội ghi nhận 10.000 người góp mặt. Để tham gia nghi thức chính, những người đàn ông gần như ở trần, chỉ mặc một loại khố truyền thống tên là fundoshi, đi tất tabi và khăn quấn hachimaki, tuy nhiên chỉ đủ để che những bộ phận nhạy cảm.
Họ chạy quanh đền một hoặc hai giờ để chuẩn bị và tắm tẩy trần bằng nước lạnh, trước khi tập hợp tại sân đền. Cuộc tranh tài bắt đầu vào 22h, tu sĩ thả 100 bó cành cây và hai thẻ gỗ thiêng dài 20 cm, những vật được cho là mang lại may mắn, xuống đám đông từ một ô cửa sổ ở độ cao 4 m. Những người đàn ông chen chúc tranh giành chúng trong khoảng 30 phút. Người bắt được thẻ gỗ thiêng và bỏ nó vào hộp đựng gạo được coi là người may mắn nhất. Trong quá trình di chuyển, họ cố gắng "chuyển vận xui của mình" bằng cách chạm vào người khác trước khi chạy về nơi an toàn trong đền. Đôi khi, nghi thức này gây ra tình trạng hỗn loạn.
Đây không phải lần đầu tiên một lễ hội truyền thống từng cấm phụ nữ phải thay đổi quy định. Các nhà tổ chức ở địa phương chịu áp lực mở cửa cho phụ nữ tham gia nhiều lễ hội cổ xưa vì tình trạng giảm dân số ở nông thôn, có thể khiến các truyền thống vốn do nam giới đảm nhận sẽ bị mai một. Trong tháng này, phụ nữ cũng lần đầu được tham gia lễ hội lửa Katsube ở tỉnh Shiga sau 800 năm lễ hội được tổ chức.
Lễ hội Somin-sai, nơi cũng có các hoạt động truyền thống với trang phục kiệm vải ở thị trấn Oshu, đông bắc Nhật Bản, đã tuyên bố sẽ tổ chức lần cuối trong năm nay. Lễ hội này đã được tổ chức suốt 1.000 năm. Daigo Fujinami, trụ trì tại ngôi chùa, nói với tờ Mainichi Shimbun rằng quyết định này được đưa ra do nhiều người đàn ông địa phương đã cao tuổi và thiếu người giám sát sự kiện.
Hà Nguyên (Theo CNN, Guardian)