Bà Trần Thị Thúy (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) có cháu ngoại năm nay học lớp 1 ở trường Tiểu học số 1. Do hoàn cảnh gia đình, mẹ lại đi làm xa, cậu bé hiện ở cùng ông bà ngoại. Thế nên, vợ chồng bà Thúy vừa là ông bà, bố mẹ, kiêm luôn thầy cô giáo ở nhà cho cháu.
Trước khi học chính thức hôm 6/9, cậu bé đến trường làm quen một tuần. Sau buổi học đầu tiên của cháu, bà Thúy mở sách ra định kèm thêm nhưng bị cậu bé từ chối và khăng khăng bảo "bà dạy sai". Nhìn vào cuốn tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của cháu, bà Thúy "không hiểu gì" và thừa nhận "chịu thua".
"Cháu chỉ vào mấy ô vuông để đọc câu thơ 'Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ' và cãi chữ '0' là dấu khép kín. Tôi không hiểu các cháu học gì. Nếu có cải cách, phải cải cách đồng bộ ở các tỉnh. Tôi lo nếu học theo tài liệu mới, cháu tôi sau này đi thi sẽ ra sao?", bà Thúy băn khoăn, đồng thời cho biết gia đình thậm chí còn tính đến phương án chuyển cháu ra Bắc học.
Theo bà Thúy, huyện Ngọc Hồi có hai trường dạy thí điểm sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại năm đầu tiên, trong đó có trường cháu bà học. Bà Thúy cho hay học sách mới nên cậu bé không dùng được sách của các anh chị để lại. Bà phải lùng khắp các hiệu sách trong huyện mới mua được cuốn tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục tái bản lần thứ 9 theo yêu cầu của giáo viên. Trước đó, bà và các phụ huynh khác chỉ được cô giáo thông báo năm nay học khó hơn mọi năm.
"Ở trường Tiểu học số 1, khối lớp 1 có 6 lớp và lớp của cháu tôi có sĩ số 37 bạn. Các phụ huynh đều chung tâm trạng lo lắng và tính sẽ trình bày ý kiến trong buổi họp đầu năm sắp tới với nhà trường. Giờ đi đâu các bố mẹ cũng hỏi nhau chuyện con học sách gì, có người còn suy nghĩ tiêu cực không cho con đi học nữa", bà Thúy nói.
Bà Thúy hy vọng trường sẽ phụ đạo thêm cho phụ huynh vào chủ nhật để họ có thể hỗ trợ được con em học ở nhà.
Nhắc tới câu chuyện của bà Thúy, Đặng Thị Huyền (Lâm Đồng) kể về trường hợp cậu con trai Việt Khôi học sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục cách đây ba năm.
Hồi đầu thấy con học tách tiếng bằng ô vuông, Huyền nghĩ con đang học chữ tượng hình và "khùng lên đi hỏi cô giáo rồi thắc mắc đủ điều". Huyền cho biết tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục gồm 3 cuốn: âm-chữ, vần và tự học. Sách hướng dẫn học sinh đánh vần trên cơ sở phân tích cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt, có phân biệt rạch ròi âm với chữ, ví dụ âm /cờ/ và chữ c, k, q... Trình tự dạy đánh vần của tài liệu là: phát âm - âm - con chữ, tức là dạy tiếng trước dạy chữ. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất giữa tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục và sách giáo khoa hiện nay.
"Cô dạy thơ hay đọc một câu để học trò tách câu ra thành từng tiếng, mỗi tiếng là một ô vuông/tròn/ngôi sao để các con hiểu câu này được hình thành như thế nào. Ví dụ: 'Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ' có 14 ô vuông, dòng trên 6 ô và dòng dưới 8 ô. Mỗi ô sẽ tương ứng với một tiếng và được xem như công cụ học tập. Đó là bước sơ khai trước khi các con học đánh vần", Huyền nói.
Ngoài học tách tiếng, học sinh cũng được hướng dẫn phân biệt nguyên âm với phụ âm, trong vần có âm chính, âm đệm và âm cuối và luật chính tả. Sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục hướng dẫn các em đọc ba chữ cái c, k, q đều là /cờ/ trong khi sách đại trà có cách phát âm lần lượt là /cờ/, /ca/ và /quy/. Trong sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, có ba nguyên âm đôi là iê (đọc là /ia/) và có 4 cách viết là ia, ya, iê, yê; còn sách giáo khoa đại trà chữ ia/ya, iê/yê phát âm lần lượt là /i-a/ và /i-ê/.
Theo Huyền, đầu năm học, cô cùng các phụ huynh khác được tham gia một buổi tập huấn giúp nắm bắt quy luật chính tả. Được giáo viên giải thích, bà mẹ trẻ bắt đầu yên tâm khi thấy con tiếp thu nhanh với chương trình mới. Sau khoảng hơn một tháng, Khôi đã đánh vần được và hết học kỳ I, bé đã đọc được văn bản dài.
Bà mẹ trẻ cho hay sách cũng thiết kế nhiều thành ngữ và câu chuyện ngắn cuối bài, giúp học sinh ôn tập những gì đã học. Câu chuyện thường bó gọn trong vốn từ hạn hẹp nên không thể phát triển thành nội dung hay và đa số lồng từ khó phát âm để các con luyện. Đôi lúc, Huyền gặp khó khăn khi phải giải thích nghĩa của từ cho con, chẳng hạn "sàm sỡ". Những lúc như thế, cô sẽ minh họa bằng cách khác hoặc chỉ cho con ý nghĩa khác của câu chuyện để cháu hiểu.
"Theo tôi, cách học theo tài liệu Công nghệ Giáo dục có ưu điểm là học sinh học nhanh, nhanh biết đọc và nắm rõ luật chính tả. Nhờ đó, con sẽ biết tự ghép nguyên âm nào với phụ âm nào để ra một câu có nghĩa. Tôi thấy chương trình khá nhiều ưu điểm, chứ không như những gì mọi người đang tranh cãi", Huyền chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này của Huyền, Khánh Ngọc (Hà Nội) cho rằng chương trình của sách Công nghệ Giáo dục logic, giúp học sinh hiểu được tại sao lại phải đánh vần như vậy và biết đọc nhanh. Ngọc cho biết hai người con, lên lớp 4 và lớp 2 ở trường Thực nghiệm Hà Nội, hiếm khi sai lỗi chính tả. Nếu mắc lỗi, cô chỉ cần hỏi lại "ở đây có luật chính tả không" là bé nhớ ra và sửa lại.
"Tôi có quan điểm việc học là của cô giáo và nhà trường, bố mẹ đúng nhiệm vụ là ốp con theo nề nếp. Con không hiểu, tôi luôn nói con cần hỏi cô và muốn con tương tác với cô", Ngọc nói.
Không mở rộng tài liệu tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục Trước ồn ào về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, ngày 8/9, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã giải thích lý do Bộ cho áp dụng tài liệu này. Theo ông Độ, tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS TSKH Hồ Ngọc Đại, thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương. Căn cứ kết quả khảo sát (2016), đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD, Bộ GDĐT hướng dẫn các sở GDĐT triển khai Tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước đó, một video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/, đánh vần chữ "qua" là "cờ-ua-coa"... gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh lâu nay. Cách đánh vần đó được dùng theo cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục thông qua, cho phát hành. Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng, cho biết tài liệu phần nào gây tranh cãi và còn có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. |
Hà Phương