Ngày 15/8 trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng của một người mẹ là giảng viên đại học tố cáo nhà trường không xếp lớp bán trú cho con mình, mặc dù đã nộp đơn ngay từ những ngày đầu tiên. Bài viết nhanh chóng thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là những bậc làm cha, làm mẹ. Nguyên văn bài đăng của chị Hà Vân trên trang Facebook cá nhân:
"Xin lỗi con gái vì mẹ đã không chạy tiền cho con
Mấy ngày hôm nay tôi không vui vì một chuyện tuy đơn giản, song lại ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của gia đình tôi.
Tôi là một người mẹ nuôi con một mình, là giảng viên đại học, là nghiên cứu viên, có hai con nhỏ. Con trai năm nay học lớp 7 bán trú ở trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, TP HCM và một cô con gái. Cha của hai bé trước có đi làm song mới gần đây đã bị tai biến mạch máu não, mất khả năng lao động, thậm chí không thể đi lại thăm hai con. Công việc tôi thì rất bận rộn và tôi nuôi con cũng rất vất vả vì chỉ có một thân một mình.
Cũng đầu năm nay, con gái tôi vào học lớp 6. Theo đúng tuyến, cháu cũng vào học trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cùng với anh trai.
Theo thông báo, ngay ngày đầu tiên nhận đơn xin học, 21/6 tôi đã ra trường Nguyễn Văn Trỗi nộp đơn xin nhập học cho bé. Tại đây tôi thấy có thông tin năm nay khối lớp 6 có bán trú. Ngay lập tức tôi về nhà làm đủ mọi thủ tục đơn từ, lấy giấy xác nhận của hai cơ quan bố mẹ, sau đó, ngày 23/6 nộp cho nhà trường.
Khi đi nộp hồ sơ, tôi được cô giáo nhận hồ sơ hỏi một câu đầy ẩn ý: “Chị nộp đơn cho cháu vào bán trú, vậy chị có nhờ ai xin không?”. Quen như năm ngoái, con trai chỉ cần nộp đủ hồ sơ giấy tờ, không phải nhờ ai cả, mà vẫn vào bán trú, nên tôi cũng trả lời với cô giáo là: “Chị không nhờ ai, vì con trai chị năm ngoái chỉ cần nộp đủ giấy tờ cũng vào bán trú”. Cô giáo nhìn tôi cười.
Chờ hơn một tháng, đến ngày 10/8, tôi vào trường xem xếp lớp thì cháu được xếp vào lớp 6/9. Tôi hỏi cô hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Như có danh sách bán trú chưa, thì cô trả lời là đang xin phòng Giáo dục quận nên chưa có.
Ngày 12/8 là ngày thứ 6 cuối tuần, tôi lại ra trường xem có danh sách thông báo lớp bán trú chưa để còn mua đồng phục cho con gái, vì đồng phục của bán trú và lớp thường khác nhau mà ngày 15/8 đã nhập học. Danh sách vẫn chưa dán công khai trên bảng. Tôi lại vào hỏi cô Hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Như thì cô bảo lớp 6/1 và 6/2 là bán trú. Tôi trình bày hoàn cảnh mình là giảng viên, là mẹ đơn thân, cha của bé bị tai biến mạch máu não để xin cô cho cháu học bán trú cho tiện việc đưa đón cùng với anh trai đang học bán trú cùng trường. Cô hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Như từ chối và lấy lý do có quá nhiều phụ huynh cũng xin xỏ như vậy nên cô không giải quyết.
Ngay chiều hôm thứ 6, tôi nhờ một người quen tiếp tục xin giúp thì cô hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Như bảo rằng vì lý do tôi nộp đơn trễ, mà danh sách bán trú lấy từ trên xuống dưới theo thứ tự nên con gái không được nhận. Với lại hai lớp 6/1 và 6/2 bán trú, mỗi lớp đã 55 em nên không thể nhận thêm.
Tôi cho rằng lý do của cô hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Như chỉ là ngụy biện, bởi vì tôi nộp đơn ngay ngày 23/6, trong khi đó có phụ huynh là giảng viên trường Đại học Văn Lang, nộp đơn ngay ngày kế chót, tức là gần 2 tuần sau khi thông báo mà con vẫn được vào bán trú.
Mặt khác danh sách dán trên bảng đen hai lớp 6/1 và 6/2, mỗi lớp là 51 em, chứ không phải là mỗi lớp 55 em. Tôi có chụp ảnh danh sách 2 lớp vào chiều ngày chủ nhật 14/8 làm bằng chứng.
Và tôi phát hiện ra lý do chính con gái của tôi không vào được bán trú là vì tôi đã không chạy tiền cho nhà trường. Tôi đơn cử một ví dụ, gia đình một em học sinh lớp 6/2 đã chạy mất 10 triệu gửi trực tiếp cho cô hiệu trưởng để được học bán trú và em này đã đem chuyện này đi khoe khắp với các bạn trong khối.
Tôi liên hệ tình hình với lời gợi ý của cô giáo nhận đơn lúc ban đầu và đi đến kết luận rằng: Vì đồng tiền, những người đại diện nhà trường đã có thể làm tất cả, kể cả nói dối với phụ huynh để từ chối một số phụ huynh có nhu cầu thật sự và ưu ái một số phụ huynh có tiền.
Gia đình tôi có truyền thống làm nghề giáo, bố mẹ tôi đều làm trong lĩnh vực giáo dục và có thâm niên giảng dạy nhiều năm. Khi biết chuyện, bố mẹ tôi bảo: xã hội bây giờ nó vậy, làm to chuyện có khi còn bị giáo viên trù úm. Thôi cứ nín nhịn mà cố gắng cho con gái học lớp thường.
Bản thân tôi đi dạy nhiều năm, có hàng trăm, hàng nghìn sinh viên nay đã ra trường là giáo viên cấp 2, cấp 3. Khi ở giảng đường đại học, không chỉ dạy chuyên môn, mà tôi còn cố gắng chuyển tải những quan niệm đạo đức về nghề làm thầy cho các em. Hiện giờ tôi cũng đang hướng dẫn 10 học viên cao học, nghiên cứu sinh, đang là giáo viên các trường phổ thông trong TP HCM. Nói như vậy để mọi người thấy rằng tôi rất am hiểu đời sống giáo viên và hiểu những khó khăn về cơ sở vật chất mà các trường phổ thông gặp phải. Thế nên chỉ cần cho tôi một lý do thuyết phục về việc không nhận con gái tôi vào bán trú, mà không phải là những lời nói dối.
Nhưng chỉ vì tôi không thỏa hiệp với cái xấu, không chạy tiền cho con gái, nên con gái tôi không được học bán trú, dù hoàn cảnh gia đình rất bận rộn và khó khăn. Tuy vậy, tôi không thể làm gì trái với lương tâm và quan niệm đạo đức của tôi. Đành phải nói với con gái là: xin lỗi con, vì mẹ không thỏa hiệp với cái xấu, không chạy tiền nên con không được học bán trú.
Tôi, Hà Thanh Vân, cam đoan những lời kể trên là sự thật và tôi chịu trách nhiệm về những lời kể trên".
Trước lý do có phần thiếu thuyết phục mà bên phía trường học đã trả lời chị Hà Vân, nhiều Facebooker tỏ ra rất bức xúc trước thực trạng tiêu cực này của ngành giáo dục, đồng thời ủng hộ bài viết của chị.
Facebooker Hồng Sơn cũng chia sẻ trường hợp tương tự mình gặp phải: "Trước đây khi con mình vào lớp 6, do học tiểu học ở Phú Nhuận cho gần cơ quan mình, sau đó lên lớp 6 mình muốn xin cho con về học đúng tuyến là trường Nguyễn Văn Trỗi (Gò Vấp) cho gần nhà. Thế nhưng đến gặp cô hiệu phó cô nói là đủ sĩ số rồi không nhận nhưng sau đó có một người mách nước nói muốn xin vào Nguyễn Văn Trỗi thì chạy 10 triệu đồng. Không phải vì không có tiền nhưng vì thấy làm như vậy giống như tiếp tay với cái xấu, mà ở đây mình muốn xin về học cho đúng tuyến chứ có phải xin xỏ trong trái tuyến đâu. Cho nên mình tiếp tục cho con học ở Phú Nhuận cho đến nay. Thật chán cái chế độ xin cho, ngành giáo dục mà còn vậy thì còn dạy được ai nữa đây".
Sau khi sự việc được phát tán, bên phía trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cũng đã làm việc với báo chí và có cuộc gặp gỡ riêng với chị Hà Vân. Về sự việc chạy 10 triệu đồng để vào lớp bán trú, hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Như đã bác bỏ do đây là thông tin vô căn cứ, không có bằng chứng. Còn về trường hợp con gái của chị Hà Vân, sau khi làm việc và biết rõ hoàn cảnh của gia đình chị, nhà trường đã hứa sẽ xem xét nguyện vọng học bán trú. Tuy nhiên chị đã từ chối với lý do không muốn làm ảnh hưởng đến tâm lý của con gái mình cũng như hiện cháu đã dần quen lớp, quen bạn.
Maruko Chan