Biểu tình ở Hong Kong tối 13/8 trở nên căng thẳng khi hàng nghìn người kéo tới sân bay quốc tế để phản đối việc cảnh sát dẹp loạn, làm bị thương một phụ nữ tại ga tàu MTR. Người biểu tình đã giữ một người đàn ông làm con tin, trói lại và không cho các nhân viên y tế đến gần do nghi ngờ anh ta là cảnh sát chìm, mặc dù anh này khẳng định mình là phóng viên.
Trong những hình ảnh mà phóng viên CNN James Griffiths chia sẻ lên Twitter, người biểu tình đã trói chặt tay người đàn ông sau khi đánh đập, khiến anh ngất đi trong không gian nóng nực và chật chội do hàng trăm người bao vây xung quanh.
Trong số các đồ cá nhân mà người đàn ông trên mang theo, người biểu tình tìm thấy một chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt có dòng chữ "I love HK police" (Tôi yêu cảnh sát Hong Kong). Họ tin đây là cảnh sát chìm và quyết định giữ luôn thẻ căn cước của anh.
Một nhân viên y tế cuối cùng cũng len lỏi trong đám đông để tiếp cận nạn nhân, cho anh này thở oxy và đưa anh tới khu vực nhà ga chính thoáng mát hơn. Tuy nhiên, người biểu tình sau đó ngăn đội y tế đưa anh lên cáng để vào xe cứu thương tới bệnh viện.
Theo Griffiths, lúc đó không có cảnh sát hay bất cứ chính trị gia nào có mặt để đưa ra các chỉ đạo. Chỉ có một người biểu tình ra sức giúp đỡ đội y tế thoát ra khỏi đám đông trong khi những người khác chỉ đứng cười và liên tục chửi bới nạn nhân.
Tuy nhiên, tổng biên tập tờ Global Times của Trung Quốc Hu Xijin đã lên tiếng, xác nhận người đàn ông bị trói ở sân bay quốc tế Hong Kong là phóng viên báo mình, tên là Fu Guohao.
"Fu Guohao, phóng viên tờ Global Times đang bị người biểu tình bắt ở sân bay. Tôi xin xác nhận rằng người đàn ông đang bị trói trong video kia là phóng viên của chúng tôi. Cậu ấy không có nhiệm vụ gì khác ngoài đến đó để đưa tin. Tôi thành thật mong người biểu tình hãy thả cậu ấy ra. Tôi cũng mong nhận được sự trợ giúp từ các phóng viên phương Tây", ông Hu Xijin viết trên Twitter.
Fu sau đó được đẩy ra khỏi sân bay trên băng ca để tới bệnh viện.
Hôm 12/8, sân bay quốc tế Hong Kong phải đóng cửa khi hơn 5.000 người biểu tình tràn vào. Sáng 13/8, sân bay mở cửa trở lại nhưng 310 chuyến bị hủy khiến nhiều hành khách mắc kẹt.
Biểu tình tại Hong Kong bùng phát ngày 9/6 để phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm tới các khu vực Hong Kong chưa ký hiệp ước, trong đó có Trung Quốc đại lục. Người biểu tình còn yêu cầu Trưởng đặc khu Carrie Lam phải từ chức.
Hướng Dương (Theo Shanghaiist)