Nhân vật này được tạo ra bởi AI, trạc tuổi Tan với nụ cười thân thiện. Đầu tiên, nhân vật ảo giới thiệu ngắn gọn về Meituan và hỏi một loạt các câu hỏi máy móc như: "Bạn từng gặp phải thử thách nào trong quá khứ chưa?". Sau mỗi câu trả lời, người phỏng vấn AI này sẽ tóm tắt ý chính và đưa ra câu hỏi tiếp theo.
Nhân vật tuyển dụng AI này sẽ phỏng vấn ứng viên dựa trên một danh sách các câu hỏi được xác định trước, nhưng dùng một mô hình ngôn ngữ lớn để tạo ra các câu hội thoại nghe có vẻ chân thực. Nhưng Tan cho biết cô có cảm giác đang làm bài kiểm tra viết hơn là trò chuyện. "Tôi không coi đó là một con người thực sự. Tôi chỉ nhìn vào máy ảnh và nói chuyện".
Ban đầu, phỏng vấn xin việc AI khởi phát từ sự tò mò, nhưng giờ đã trở nên phổ biến khi các công ty khởi nghiệp tìm cách phát triển nhanh trong cuộc cách mạng công nghệ. Đa số sẽ dùng tới cách này khi muốn sàng lọc hàng nghìn ứng viên cùng một lúc.
Ý tưởng sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn để tự động hóa hơn nữa quy trình tuyển dụng đã bùng nổ. Một cuộc khảo sát hồi năm 2023 đối với 1.000 nhân viên công ty ResumeBuilder của Mỹ cho thấy 10% các công ty đã sử dụng AI trong quy trình tuyển dụng và 30% khác có kế hoạch bắt đầu vào năm sau. Công ty nghiên cứu Gartner liệt kê các chatbot ngôn ngữ tự nhiên là một trong những cải tiến quan trọng trong năm 2023 đối với ngành tuyển dụng, coi công nghệ này là thử nghiệm bước đầu đầy hứa hẹn.
Không chỉ Floria Tan, nhiều ứng viên thi tuyển vào các công ty ở Trung Quốc, Ấn Độ cũng có trải nghiệm tương tự. Siemens, China Mobile và Estee Lauder ở Trung Quốc phỏng vấn tuyển dụng bằng AI. MoSeeker, một nhà cung cấp hệ thống tuyển dụng AI của Trung Quốc, đã thực hiện hàng trăm nghìn cuộc phỏng vấn tự động mỗi năm. Disney và Mars là hai trong số các khách hàng nổi tiếng.
Có nhiều cách để tự động hóa quy trình tuyển dụng. Bước đầu tiên đơn giản là chuẩn hóa danh sách các câu hỏi. Các công ty cũng thường chuyển từ phỏng vấn trực tiếp sang các cuộc gọi Zoom từ xa.
Phần mềm này sẽ chuyển đổi câu trả lời phỏng vấn thành văn bản, sau đó sử dụng kỹ thuật nhanh để tạo phản hồi. Nhà sáng lập Qasim Salam nói với Rest of World rằng công ty của ông có thể tiết kiệm cho khách hàng tới 80% giờ làm việc cần thiết để tuyển dụng một vị trí.
Salam nói: "Những nhân vật AI không bị chi phối bởi cảm xúc. Đôi khi việc duy trì một tâm trạng không tốt có thể khiến người thực bỏ qua ứng viên tiềm năng. Không quan trọng bạn có màu da gì, bạn đến từ đâu hay giọng nói của bạn thế nào... AI chỉ đánh giá ứng viên dựa trên năng lực".
Các công ty tuyển dụng AI cam kết có thể đáp ứng mọi sở thích tuyển dụng của khách hàng. Sarbojit Mallick là đồng sáng lập của Instahyre, một công ty khởi nghiệp về nhân sự có trụ sở tại New Delhi sử dụng AI để kết nối các ứng viên với các nhà tuyển dụng. Mallick cho biết các công ty sẽ có những yêu cầu khác nhau, cho tùy từng lĩnh vực. Chẳng hạn, khi Uber tuyển dụng người Ấn Độ cho văn phòng tại Mỹ, họ sẽ tìm kiếm nhiều chuyên gia có định hướng về hệ thống hơn.
Điều này dấy lên nỗi ám ảnh về sự thiên vị trong mô hình tuyển dụng, song Mallick cho hay trong những trường hợp phân biệt đối xử trực tiếp, Instahyre sẽ có cách tiếp cận khác. "Chúng tôi đào tạo mô hình AI của mình để loại bỏ những sự thiên vị", ông nói.
Hilke Schellmann, một chuyên gia tại Trung tâm Pulitzer cho biết: "Tôi hy vọng rằng các nhà tuyển dụng và quản lý có các tiêu chí và cách thức rõ ràng để đánh giá ứng viên".
Trong khi đó, một số ứng viên đang cố gắng chơi trò gian lận hệ thống bằng cách tự mình chuyển sang AI. Trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, các doanh nhân đang rao bán các dịch vụ AI hứa hẹn giúp mọi người trả lời các câu hỏi phỏng vấn theo thời gian thực. Carlos Chen có trụ sở tại Thượng Hải đã ra mắt Whisper Interview vào tháng 4, nơi ghi lại các câu hỏi phỏng vấn và tạo ra câu trả lời thông qua GPT-4o để các ứng viên đọc. Hiện tại, ứng dụng này có gần 10.000 người dùng, Chen nói rằng một số người đã vượt qua các cuộc phỏng vấn nhờ sự trợ giúp của ứng dụng này.
Tú Anh (Theo Rest of World)