![]() |
Kim Anh trong lần đầu tập làm kăngguru mẹ. |
Phòng chăm sóc bà mẹ "kăngguru" chỉ có một chiếc quạt trần lờ đờ quay và bốn chiếc giường xếp bằng vải, các bà mẹ nửa nằm nửa ngồi, gương mặt rạng ngời hạnh phúc, đôi mắt đăm đắm nhìn vào đứa bé trước ngực.
Các bé được đặt nằm sấp trên ngực mẹ với vẻ bình yên kỳ lạ, được ôm giữ bằng một cái yếm đặc biệt, đôi bàn tay mẹ không ngừng vỗ về, ve vuốt.
Làn da trong suốt, non tơ ép sát vào làn da nóng ấm của mẹ. Đa số các bé chỉ nặng trên 1kg, phải ngậm ống sonde hoặc phải ăn từng giọt sữa qua ống xylanh.
Chị Hồng Vân nằm nựng nịu con trai Trần Hoàng Nam: “Mẹ mong con 10 năm rồi đấy. Con mới được 1,3kg thôi nhưng đã lớn hơn lúc mới sinh được 200g rồi”.
Giường bên cạnh, chị Khánh Ngọc trao con cho bà nội để chuẩn bị vắt sữa. Bà cụ vấn tóc trần, răng đen, nhăn nheo và gầy gò đã đi từ Bắc Giang vào đây trông cháu. Đặt bé lên ngực, bà liên tục xoa xát hai bàn tay vốn quen cắt lúa, nhổ mạ rồi ấp vào lưng em bé. Bà cười móm mém: “Cháu nằm trên người tôi không ấm bằng mẹ nó…”.
Theo Tuổi Trẻ, phương pháp chăm sóc bà mẹ “kăngguru” được Năm 1997, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM bắt đầu áp dụng. Đến nay mô hình đã được nhân rộng ra các bệnh viện tỉnh Bà Rịa, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bảo Lộc, Khánh Hòa.. |
Giường bên này nữa, một cô sinh viên nhất định không cho biết tên lấy cái khăn thật to quấn đứa cháu gọi bằng dì.
Cô cứ len lén nhìn quanh, canh thật kỹ lúc không ai để ý mới ngượng nghịu ấp em bé vào vầng ngực non trẻ, ánh mắt nhìn trìu mến và tha thiết không kém gì một bà mẹ.
Giường bên này, bé Nguyễn Xuân Nghi đang được đổi từ "kăngguru" mẹ sang "kăngguru" bố.
Anh Nguyễn Thanh Phong, bố của bé, hớn hở đón con gái, đặt gọn gàng lên ngực mình. Hôm trước mẹ của bé đi thi công chức xa quá, phải đi xe hơn 30km nên mới sinh bé ra sớm thế.
Mười em bé trong hai căn phòng nhỏ này đều được chào đời với những câu chuyện như thế.
Các bé đều đã phải ra đời non tháng, phải tiếp xúc quá sớm với thử thách của không khí và ánh sáng, với sự đau đớn của kim tiêm, ống truyền dịch. Chỉ có tình yêu thương mới bù đắp lại được...
![]() |
Anh Nguyễn Thanh Phong (Bà Rịa) làm nghề xây dựng, hôm nay “đổi ca” anh làm “kăngguru” bố. |
Căn phòng nhỏ của các y - bác sĩ lúc nào cũng chật cứng và rộn rã. Kim Anh đeo con sang, nhẹ nhàng nâng bé ra khỏi yếm, cởi bỏ áo, tã rồi đặt lên bàn cân.
Cô tẩn mẩn đếm từng vạch, tính đi tính lại rồi vừa bế con vừa reo: “Hôm nay con em lên được 35 gam rồi bác sĩ ơi, hèn chi em thấy má nó phính ra một chút…”.
Cả phòng xúm lại xem em bé, cô bác sĩ trẻ Trùng Phương vội lấy máy tính ra tính lại lượng sữa cho bé.
Khám hết một lượt, các y - bác sĩ tập trung các bà mẹ lại để hướng dẫn cách cho bé ăn, cách tắm, massage. Dưới những ngón tay của bác sĩ, y tá, các bé học cách thở, cách nuốt sữa, mút vú, học những cái vươn tay, vươn chân đầu tiên.
Các bà mẹ theo dõi chăm chú, cố gắng ghi nhớ, thỉnh thoảng lại ngoái tìm bà nội, bà ngoại: “Mẹ ơi, nhớ giúp con chút nhé…”.
Ngồi trong phòng một buổi, thấy hết mẹ, bố lại đến bà nội, bà ngoại của các bé liên tục ra vào gọi hỏi. “Cô ơi, sao đến giờ cho ăn mà bé vẫn còn tới 5cc sữa trong dạ dày?”, “Sao ấp mãi mà tay chân bé vẫn lạnh?”, “Mỗi lần tắm có cần rửa hết cuống rốn không?”…
Các y - bác sĩ hướng dẫn tỉ mỉ cho bà mẹ từ tư thế ngồi, cách ôm con cho đến vắt sữa, cả cách nói chuyện với bé...
Bác sĩ Lương Kim Chi cười: “Họ lo lắng quá nên nhiều khi không nhớ. Chúng tôi phải hướng dẫn liên tục, lặp đi lặp lại”. Luôn tay, luôn chân, luôn miệng nhưng các cô lúc nào cũng cười thật ngọt ngào, giọng nói thật âu yếm, suốt từ sáng đến tối. Cô gạt mồ hôi tiếp tục cười: “Đấy là đặc trưng của khoa này mà, nhiều tiếng cười, niềm vui thì em bé mới mau lớn”. Điện thoại di động của bác sĩ Chi reo liên tục. Alô, và bác sĩ lại tiếp tục tư vấn về thân nhiệt, lượng sữa, loại thuốc, vitamin bổ sung...
Mỗi chỗ trống trên bức tường phòng khám đều được tận dụng để treo ảnh các bé đã lớn lên từ chương trình "kăngguru".
Bé nào cũng da trắng hồng, mắt long lanh, mặt bầu bĩnh, chân tay bụ bẫm. Những tấm ảnh này là nguồn động viên rất lớn với những bà mẹ đang ấp ủ đứa con leo nheo của mình.
Thỉnh thoảng lại có một bà mẹ bế con vào làm thủ tục xuất viện, nói cười rổn rảng kể về thành công của việc nuôi con.
Thỉnh thoảng lại có một bà mẹ bế con đến tái khám. Bé vừa xuất hiện ở cửa, bác sĩ Chi, bác sĩ Phương, cô Lệ, cô Nghĩa đã nhận ra ngay và xúm lại đón như con cháu nhà mình.
Có bé vừa được đặt lên bàn đã đập tay chân loạn xạ làm bác sĩ mừng quýnh: “Quậy quá chừng rồi, khỏi phải tập vật lý trị liệu nữa”.
Có bé vừa nhấc lên bác sĩ đã thốt kêu: “Nặng quá”, còn bà mẹ cười toe: “Cháu thừa hơn 1kg so với tiêu chuẩn”...
Các bà mẹ “kăngguru” rất háo hức. Ai cũng đeo con đến, vuốt má em bé một cái lấy hên: “Đấy con nhé, cố lên cho bằng anh”.
Bác sĩ Lương Kim Chi vừa theo dõi các bà mẹ ôm ấp, thủ thỉ và ve vuốt đứa con bé bỏng vừa say sưa kể về sự hòa quyện từng nhịp tim, nhịp thở giữa em bé và bà mẹ: “Chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện cho mẹ được ấp con sớm. Em bé là một con người, ngoài thức ăn, không khí bé rất cần được ôm ấp, vỗ về, trò chuyện... Các bà mẹ đều sẵn sàng, nhưng cái thiếu thốn là phòng ốc và y tá hướng dẫn”.
Vì vậy các em bé đang nằm chờ mẹ đầy chật trong các lồng ấp, có khi ba bé phải nằm chung một lồng.
Chỗ dành cho các bà mẹ "kăngguru" thì chỉ có hai phòng với vỏn vẹn tám cái ghế bố. Bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh cũng chỉ có vài người, mệt nhoài sau một ca trực…
Còn rất nhiều cặp mẹ con "kăngguru" khác đang chờ được gặp nhau. Và những em bé vẫn đang lớn lên từng ngày trên ngực mẹ…