Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh là hiện tượng bé bú hoặc ăn xong, sữa và thực phẩm đi ngược từ dạ dày lên thực quản. Hiện tượng gây nên tình trạng sặc sữa hoặc nôn trớ ra ngoài, theo đường miệng và mũi. Nếu diễn ra thường xuyên sẽ khiến trẻ sợ ăn, không tăng cân, chậm phát triển. Nguy hiểm hơn, chứng trào ngược dạ dày thực quản có thể gây sặc sữa, thức ăn đi qua mũi làm tắc đường hô hấp và ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo chuyên gia, hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản mang tính chất sinh lý nhiều hơn bệnh lý, do dạ dày của trẻ chưa phát triển toàn diện và hệ tiêu hóa hoạt động chưa ổn định trong giai đoạn đầu sau sinh. Chỉ cần mẹ cho bú sai tư thế, bú quá no, bé vừa bú xong lại bị rung lắc hoặc đặt nằm thẳng... sẽ khiến thức ăn chưa kịp tiêu hóa đã nôn trớ ra ngoài.
Để phòng tránh, cha mẹ nên chăm sóc trẻ đúng cách nhằm bảo vệ sức khỏe bé. Khi cho bú, luôn đặt bé nằm ở tư thế nghiêng góc 30 độ, đầu giữ cao hơn. Đối với trẻ sơ sinh, tuyệt đối không cho bé bú nằm, đặc biệt là khi ti bình.
Sau khi bú no, mẹ nên giữ bé ở tư thế thẳng đứng khoảng 15 phút để bé ợ hơi xong, trước khi đặt nằm xuống. Một mẹo đơn giản và tiện lợi là sử dụng gối chống trào ngược cho trẻ, nhằm cố định phần đầu và giữ cơ thể trẻ nằm trong tư thế phù hợp.
An San