Chiếc váy của nam giới bắt nguồn từ trang phục truyền thống của người Scotland từ thế kỷ 18. Khi nhà thiết kế (NTK) lừng danh Marc Jacob xuất hiện trước công chúng với váy vào 2008, loại trang phục này ngày càng thịnh hành trên toàn thế giới. Thời gian gần đây, xu hướng này bỗng dưng trở thành một trào lưu tại thị trường thời trang ViệtNam.
Chỉ riêng trong năm 2013 đã có các bộ sưu tập váy dành riêng cho nam giới như: Androgyny của NTK Hà Nhật Tiến, Liber của NTK Đông Nguyên, hay xuất hiện xen giữa veston trong BST Những Cánh Bướm cuối Thu của NTK Đỗ mạnh Cường. Không chỉ trên sàn diễn, váy cũng được nam giới tận dụng ra đời thực như một cách tạo cá tính cho bản thân. Không còn vài lần lác đác xuất hiện như trường hợp của NTK Đỗ Mạnh Cường cách đây vài năm, ngày càng có nhiều tên tuổi chọn váy đi event hay đơn thuần gặp gỡ bạn bè như NTK Lý Quí Khánh, chuyện gia trang điểm Nam Trung, người mẫu Chan Than San, stylist Kelbin Lei... Ngay sau chung kết Vietnam's Next Top Model 2013, á quân Vũ Tuấn Việt tung ngay bộ ảnh thời trang diện váy và lập tức nhận được rất nhiều khen ngợi từ độc giả khó tính và giới hâm mộ thời trang. Hay trong một tập của cuộc thi Fashion Star, thời trang phi giới tính cũng là đề tài cho các nhà thiết kế trẻ.
Váy dành cho quý ông nay đã và đang được đem lên sàn catwalk như một xu hướng, một cách tạo nên định nghĩa mới về thời trang đương đại. Show diễn The Muse của Đỗ Mạnh Cường cách đây gần 2 năm thành công vang dội với không ít các thiết kế là váy khoác lên người mẫu nam. Chúng được đón nhận vì tạo được sự khác lạ, cá tính và một cái nhìn hoàn toàn mới cho làng mốt Việt: độc đáo, bắt kịp trào lưu của thế giới. Đỗ Mạnh Cường chia sẻ: “Người Việt Nam thiếu sự tự tin, e ngại và có cảm giác không an toàn khi mặc một bộ trang phục khác lạ. Nếu tôi không đi học bên Pháp 7 năm chắc tư tưởng cũng như thế”.
Người mẫu Đức Long cho biết: "Ban đầu khi mặc chiếc váy màu hồng của NTK Hà Nhật Tiến lên sàn diễn , tôi rất sợ vì chiếc váy quá dài, không phù hợp với kỹ thuật catwalk của người mẫu nam. Tuy nhiên khi bước lên sàn, tôi vô cùng thích thú vì đó là một thử thách cho người mẫu chuyên nghiệp, mình phải thể hiện nó thật cá tính và mạnh mẽ, vì tôi biết mình đang mặc một chiếc váy dành cho nam giới". Với góc nhìn của một người mẫu nữ, siêu mẫu Trang Trần cho rằng chị rất ngưỡng mộ những bạn nam giới mặc váy kết hợp phụ kiện đi kèm để giúp bản thân nổi bật. "Mỗi ngày bước ra đường, gặp những bạn nam như vậy sẽ làm tôi thật sự hưng phấn và ngày đó là ngày vui", Trang nói.
Tuy vậy, không phải sự sáng tạo, phá cách nào cũng được đón nhận một cách đủ đầy. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ và đề cao, không ít cá nhân có phản hồi trái chiều, tranh cãi về việc đàn ông mặc váy. Sự chê bai này không đơn thuần còn là "tại sao đàn ông lại mặc váy" như thời Đỗ Mạnh Cường hồi mới từ Pháp về Việt Nam, hay Nam Trung diện váy trên ghế nóng..., mà nhắm thẳng vào tính thời trang, vào một chuẩn mực dành cho người sáng tạo, người thiết kế.
Trong sưu tập của Hà Nhật Tiến, những chiếc váy màu hồng phủ xuống chấm đất, vải mềm và rũ khi di chuyển bị cho là làm mất đi nam tính của người mặc.
Hay BST Liber của NTK Đông Nguyên gây sốc nhất năm qua khi những chiếc váy, chiếc nịt ngực được cách điệu và "áp đặt" lên cơ thể, cơ bắp cuồn cuộn của những người mẫu nam. Khán giả ủng hộ ít mà đánh giá "phản cảm" là nhiều. Nhiều tín đồ thời trang tỏ ý bức xúc trên trang cá nhân: "thế này mà cũng gọi là sáng tạo sao?".
Học viện thời trang Mod'art International của Pháp, khi mở trường đào tạo tại Việt Nam đã hướng dẫn học viên cách lên ý tưởng cho sưu tập mới rằng hãy lấy cảm hứng từ trang phục nam để tạo ra trang phục nữ, và ngược lại. Điều này giải thích được việc hoàn toàn có thể dùng váy nữ để tạo nên cảm hứng và hoàn thiện trang phục cho nam giới. Nhưng để thích hợp với giới tính, các NTK phải chỉnh sửa và thổi những chi tiết đó vào một cái cốt lõi căn bản là trang phục đó phải phù hợp với cơ thể của người mặc.
Nghĩa Trương